Theo Cổng TTĐT TP Hà Nội, ngày 17/8, lãnh đạo TP Hà Nội đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo nghe báo cáo tình hình triển khai đường vành đai 4, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư.
Báo cáo tình hình triển khai đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông thành phố cho biết, về cơ bản, công tác GPMB đã được thực hiện bám sát tiến độ.
Đến nay, ba tỉnh, thành phố đã thu hồi 1.195/1.382 ha (86%), di chuyển 7.000/16.929 ngôi mộ (41%). Song công tác GPMB đối với phần đất ở còn chậm, đặc biệt là việc đầu tư các khu tái định cư.
TP Hà Nội đã giải ngân trên kế hoạch vốn được giao khoảng 5.149/6.754 tỷ đồng, đạt 76%; tỉnh Hưng Yên đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân 743 tỷ đồng, đạt 40%; tỉnh Bắc Ninh đã đền bù, hỗ trợ GPMB là 988/1.370 tỷ đồng, đạt 72%.
Về tiến độ, sẽ tập trung thực hiện công tác GPMB đối với các phần diện tích còn lại, dự kiến bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31/12; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư, dự kiến hoàn thành trong tháng 11. Triển khai đồng loạt thi công trên toàn tuyến, dự kiến thông xe dự án tháng 12/2025, đưa vào khai thác năm 2026.
Hiện tại, các địa phương mới hoàn thành GPMB chủ yếu thuộc phạm vi đất nông nghiệp. Đối với phạm vi đất ở, đất tín ngưỡng, đất hộ gia đình, tổ chức…chưa được hoàn thành để bàn giao; công tác xây dựng các khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành.
Trên địa bàn ba tỉnh, thành phố, vẫn còn 9.929 ngôi mộ chí chưa được di chuyển, đề nghị các địa phương đảm bảo hoàn thành di chuyển trong năm nay.
Đối với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh rà soát, kiểm tra và chủ động có văn bản gửi UBND các tỉnh lân cận có mỏ vật liệu chấp thuận danh mục các mỏ vật liệu trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng là các mỏ không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và chỉ phục vụ dự án, làm cơ sở áp dụng cơ chế đặc thù.
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh đang cơ bản hoàn thành khu tái dịnh cư, dự kiến đến 30/10, sẽ hoàn thành xây dựng Khu tái định cư, khu nghĩa trang.
Bên cạnh đó, hiện có 17 doanh nghiệp có dự án vành đai 4 đi qua, do đó, tỉnh gặp khó khăn trong định giá tài sản vì chưa có quy định. Để giải quyết, tỉnh sẽ mời tư vấn; bố trí địa điểm khác để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.
Liên quan đến nội dung này, lãnh đạo đề nghị Ban Chỉ đạo báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép tỉnh thu hồi đất của hộ gia đình sau đó giao đất, cho thuê đất lại đối với các doanh nghiệp di dời để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Về cơ bản, tỉnh không có mỏ vật liệu, vì vậy, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng đề xuất tạo điều kiện cho tỉnh này tiếp cận với hai mỏ cát để sớm thỏa thuận về nguồn cung vật liệu.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến nay, đã phê duyệt phương án và thu hồi đất 308/369 ha, đạt 83%. Về khó khăn, hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án thành phần 1.3 là 2.479 tỷ đồng. Song giá trị tổng mức đầu tư thực tế dự kiến khoảng 5.354 tỷ đồng (tăng thêm khoảng 2.874 tỷ đồng) do xác định đơn giá bồi thường đất ở theo giá thị trường.
Thứ hai, qua hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu, trữ lượng các mỏ vật liệu cung cấp cho dự án cơ bản đáp ứng đủ. Tuy nhiên, các mỏ có thể khai thác và sử dụng ngay thì có cự ly vận chuyển xa; các mỏ có cự ly vận chuyển gần hơn thì hiện nay mới có trong quy hoạch, chưa được cấp phép khai thác.
Lãnh đạo đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định giá trị tổng mức đầu tư thực tế làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của dự án.
Cùng với đó, đề nghị Ban Chỉ đạo Dự án sớm làm việc cụ thể với các địa phương có mỏ vật liệu để chấp thuận danh sách các mỏ vật liệu, cam kết cung cấp đủ khối lượng vật liệu cho dự án, đồng thời nâng công suất, cấp phép mỏ vật liệu có trong quy hoạch hoặc mỏ vật liệu mới (nếu cần).
Thời gian tới, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kết, cơ sở dự toán để xây dựng dự án thành phần 2.2, 2.3 để lựa chọn nhà thầu, khởi công vào cuối tháng 9.
Đồng thời, tập trung hoàn thành công tác di chuyển mồ mả vào dịp cuối năm; giải quyết các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn như đường điện lớn và dự kiến hoàn thành GPMB bảo đảm 100% vào cuối tháng 12 theo Nghị quyết của Chính phủ.
Đường vành đai 4 - vũng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 113 km, đi qua địa bàn ba tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh); Tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác mức. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập với tổng diện tích thu hồi, GPMB khoảng 1.386,313 ha, tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, bao gồm: Ba dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công; ba dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 (Dự án PPP) đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.