Đồng loạt khởi công đường vành đai 4 tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh

Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã chính thức được khởi công đồng loạt tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Theo Cổng TTĐT Hà Nội, ngày 25/6, lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội diễn ra tại 4 điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội và hai điểm tại tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh.

Dự lễ khởi công tại huyện Hoài Đức, Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh...

Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo TP Hà Nội và các bộ ngành thực hiện nghi lễ khởi công dự án đường vành đai 4. (Ảnh: Cổng TTĐT Hà Nội).

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh); Tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác mức.

Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng, vốn Nhà đầu tư BOT là 29.447 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập với tổng diện tích thu hồi, GPMB khoảng 1.386,313 ha, tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, bao gồm: Ba dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công; ba dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 (Dự án PPP) đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

 Một đoạn đường vành đai 4 sẽ mở theo quy hoạch ở Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).


Trong đó, Hà Nội thực hiện ba dự án thành phần: Dự án thành phần 1.1: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) thuộc địa phận thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 13.362 tỷ đồng, đi qua địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín). Tổng diện tích thu hồi là 798,043ha, bố trí 13 khu tái định cư cho 818 hộ bị ảnh hưởng đất ở bởi Dự án.
 
Dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội. Tổng mức đầu tư khoảng 5.388 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố. Quy mô đầu tư: Đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành qua địa phận thành phố Hà Nội: Tổng chiều dài tuyến khoảng 58,2km; quy mô mặt cắt ngang 12m, mặt cắt ngang cầu 15,5m.
 
Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư. Tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỷ đồng với quy mô đầu tư xây dựng đường cao tốc với tổng chiều dài khoảng 113,52 km (Hà Nội: 57,95 km, Hưng Yên: 19,31 km, Bắc Ninh: 36,26 km (26,56 km đường vành đai 4 và tuyến nối 9,7 km).
 
Mặt cắt ngang trên tuyến cao tốc đảm bảo 4 làn xe (từ 17 m đến 17,5 m). Riêng mặt cắt ngang các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống (cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng) bề rộng là 24,5 m.
 
Bố trí 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng (nút giao cao tốc Hà Nội - Lào Cai; nút giao trục Mê Linh; nút giao trục Đại lộ Thăng Long; nút giao QL6; nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; nút giao QL 38; nút giao cao tốc Nội Bài – Hạ Long), hoàn thiện nút giao Tây Nam, thành phố Bắc Ninh; và các lối ra vào đường cao tốc bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả.
 

UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thực hiện 4 dự án thành phần. Trong đó, mỗi tỉnh có hai dự án thành phần gồm dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và dự án xây dựng đường song hành qua địa phận tỉnh quản lý.

 Sơ đồ hướng tuyến vành đai 4. (Đồ Họa: Đức Bùi).

Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi đất được 671,16/798,043 ha để thực hiện dự án, đạt 84,10%. Tại tỉnh Hưng Yên, đã phê duyệt và thu hồi đất được 161,84/229,88 ha, đạt 70,40%. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và thu hồi đất được 286,712/358,39 ha, đạt 80%.

Về triển khai các dự án thành phần, tại Hà Nội, đã phê duyệt Dự án thành phần 1.1, Dự án thành phần 2.1. Đối với Dự án thành phần 3 (Dự án PPP) đã được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. UBND Thành phố đã trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức thẩm định, dự kiến sẽ hoàn thành công tác thẩm định trong tháng 8/2023.

Thành phố Hà Nội sẽ phê duyệt dự án trong tháng 9/2023, tổ chức lựa chọn Nhà thầu, Nhà đầu tư và khởi công công trình trong Quý I/2024, tổ chức thi công trong thời gian 36 tháng, hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác sử dụng năm 2027. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.