Đại bàng làm tổ trên đất lành khu công nghiệp

Sự tăng trưởng dòng vốn FDI và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước khiến phân khúc bất động sản khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ. 

BĐS khu công nghiệp khởi sắc, còn hơn 40.000 tỷ đồng “của để dành”

Thống kê trong hơn 160 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đại chúng công bố báo cáo tài chính quý I/2022, tổng lợi nhuận sau thuế thu được giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Ngược với bối cảnh chung, nhóm doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận, nhiều đơn vị báo lãi tăng bằng lần so với cùng kỳ. 

Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp trong quý I/2022. (Nguồn: Hiền Minh tổng hợp).

Dẫn đầu nhóm BĐS khu công nghiệp là Viglacera với 752 tỷ đồng, tăng 169% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ hoạt động từ mảng khu công nghiệp. Đây cũng là mức lãi cao thứ 4 trong toàn ngành bất động sản, chỉ sau Vinhomes, Novaland và Vinaconex. Ngoài Viglacera, 6 doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp, gồm Kinh Bắc, Becamex IDC, Idico, Sonadezi, Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) và Becamex IJC cũng góp mặt trong top 20 doanh nghiệp lãi lớn nhất toàn ngành. Không nằm trong top đầu về con số lợi nhuận tuyệt đối, nhưng CTCP Thống Nhất ghi nhận tỷ lệ lãi sau thuế cao nhất toàn ngành, với mức tăng 724% so với cùng kỳ nhờ bùng nổ doanh thu từ bán đất nền, nhà ở dự án tại khu trung tâm dịch vụ trong khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp còn có khoản lớn “của để dành” trị giá 40.122 tỷ đồng ghi nhận tại doanh thu chưa thực hiện trong BCTC quý I/2022. Đây là doanh thu nhận trước từ khách hàng và sẽ được doanh nghiệp hạch toán vào kết quả kinh doanh sau khi cung cấp dịch vụ.

“Của để dành” của các doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp tại thời điểm cuối quý I/2022. (Nguồn: Hiền Minh tổng hợp).

Doanh nghiệp đang có “của để dành” lớn nhất là CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) với 10.598 tỷ đồng. Đây đều là tiền thuê đất, nhà xưởng mà công ty nhận trước và chưa hạch toán trong kỳ, trong đó, doanh thu ngắn hạn là 332 tỷ đồng và dài hạn là 10.266 tỷ đồng. 

Idico hiện đang ghi nhận 6.242 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, chiếm gần 50% trong đó là tiền cho thuê đất, phí quản lý và sử dụng hạ tầng nhận trước tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II với 2.910 tỷ đồng. Dự án này cũng đóng góp chính vào kết quả kinh doanh quý I của Idico với doanh thu thuần 1.673 tỷ đồng, tăng 60% và lợi nhuận sau thuế 284 tỷ đồng, tăng 254%. 

Bên cạnh SIP và Idico, các doanh nghiệp khác như Sonadezi, Tổng công ty Tín Nghĩa, Nam Tân Uyên, Viglacera hay Sonadezi Giang Điền cũng có hàng nghìn tỷ đồng thu trước từ khách hàng các dự án khu công nghiệp tại thời điểm cuối quý I và đang chờ hạch toán vào các kỳ tiếp theo. 

Trước đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm 2021, nhóm BĐS khu công nghiệp cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Tất cả doanh nghiệp đều có lãi sau thuế, chiếm hơn 50% trong số các doanh nghiệp “cán đích” toàn ngành.

Đại bàng đua nhau xây tổ trong sự “cất cánh” của thị trường

Một số công ty chứng khoán nhận định, thương mại điện tử bùng nổ, yêu cầu hàng tồn kho tăng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu đất khu công nghiệp cho các dịch vụ kho bãi.

Việc mở rộng sản xuất ở cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục thúc đẩy BĐS khu công nghiệp trở thành điểm sáng trong năm 2022. Nhiều tháng gần đây, các doanh nghiệp nước ngoài đến từ Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc),... đã liên tục đổ dòng vốn làm dự án tại các khu công nghiệp trên cả nước. 

 

Việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố trợ lực cho nhóm BĐS khu công nghiệp. Ngoài ra, nguồn cung hiện tại tại các khu công nghiệp sẵn sàng khai thác còn hạn chế, do đó giá thuê khu công nghiệp sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, nguồn cung đất khu công nghiệp Việt Nam đang được đẩy mạnh mở rộng hơn 44.760 ha trong giai đoạn 2022 - 2025, tập trung mở rộng tại Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, theo VNDirect.

Nguồn: Chứng khoán VNDirect.

Trong bối cảnh thuận lợi, từ đầu năm đến nay, thị trường liên tục chứng kiến loạt động thái xúc tiến đầu tư dự án khu công nghiệp từ các doanh nghiệp bất động sản trong và ngoài nước. Đơn cử thành viên của Vingroup, CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (VHIZ) đã có hồ sơ đề nghị làm chủ đầu tư hai cụm công nghiệp số 01 (75 ha) và số 02 (68 ha) tại phía nam sông Lục Lầm. Bên cạnh đó, Vingroup cũng đề xuất đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes tại khu vực CN4, CN5 thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô 1.235,57 ha.

Thành viên của Phát Đạt, CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI) đã được chấp thuận nghiên cứu đề xuất đầu tư Khu công nghiệp Cao Lãnh (Đồng Tháp), gồm ba dự án thành phần là Khu công nghiệp Cao Lãnh, Khu công nghiệp Cao Lãnh II và Khu công nghiệp Cao Lãnh III với tổng diện tích 2.000 ha, tổng mức đầu tư 14.726 tỷ đồng.

Cuối tháng 1, Công ty Sri Avantika Contractors Ltd., (Ấn Độ) cùng CTCP Tập đoàn Phát triển Khu công nghiệp – Đô thị Đại An (công ty con của CTCP Đại An) đã ký kết hợp tác triển khai hạ tầng dự án Công viên dược phẩm tại Việt Nam (bao gồm dự án Khu công nghiệp công nghệ cao). Dự án được đặt tại tỉnh Hải Dương với quy mô khoảng 900 ha, giá trị kinh phí đầu tư dự án khoảng 10 - 12 tỷ USD.

Hay Tập đoàn Gelex cũng đang đẩy mạnh hoạt động BĐS khu công nghiệp, đặc biệt sau khi đưa Viglacera thành công ty con trong năm 2021. Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2022 vừa qua, lãnh đạo công ty cho biết sẽ đầu tư mới 6.200 ha đất công nghiệp trong năm nay. 

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.