Khởi tố phụ huynh hành hung bác sĩ tại bệnh viện Xanh Pôn | |
Bác sĩ hiến kế tự cứu trước nạn bạo hành nhân viên y tế |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thấy ngành y đơn độc trong việc bảo vệ bác sĩ. (ẢNH V.H) |
Trong phiên làm việc của Ủy ban các vấn đề xã hội với Bộ Y tế sáng nay, 24.3, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban, đã đưa vấn đề tấn công bác sĩ lên bàn nghị luận.
“Có 2 ông thầy rất quan trọng là thầy thuốc và thầy giáo thì chúng ta đều có biểu hiện coi thường. Chỗ này đánh thầy giáo, chỗ kia tấn công thầy thuốc. An ninh, an toàn ở bệnh viện chưa được đảm bảo. Tất cả các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cần có tiếng nói chung để làm sao thay đổi nhận thức về vấn đề này”, ông Bùi Sĩ Lợi nêu quan điểm.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng cho rằng, cần xem xét khía cạnh pháp luật của vấn đề, liệu có thể khép tội người tấn công bác sĩ là tấn công người thi hành công vụ hay không, chứ không phải chỉ gây rối trật tự công cộng thông thường. Bà Lan cho rằng, nếu không xử lý nghiêm, việc tấn công bác sĩ sẽ còn tiếp tục.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết ông rất buồn khi thấy hình ảnh bác sĩ không đi học để nâng cao trình độ mà lại phải đi học võ để tự bảo vệ mình. “Việc này đẩy sự nghiệp y tế vào bờ vực làm cho qua chuyện, làm đối phó và làm vì sự an toàn của mình thôi... Tay bác sĩ phải mềm mại để chữa bệnh cho khéo léo, chứ không phải luyện cho cơ bắp để tự vệ”.
ĐB Thắng cho rằng ông vẫn thấy ngành y tế còn đơn độc trong vấn đề này. Các ĐBQH cần có nhận thức chung và cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài ra, các bộ, ngành khác cũng phải lên tiếng để trả lại công bằng cho các bác sĩ.
Một số đại biểu thậm chí còn gợi ý quy kết hành vi tấn công bác sĩ như tấn công phi công đang làm nhiệm vụ.
“Tôi nhất trí là nghị trường phải nóng lên (về vấn đề tấn công nhân viên y tế). Chúng tôi cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến chống bạo lực. Bản thân tôi đã phải 2 lần xuất hiện trên truyền hình để nói về vấn đề này, dù không muốn lên tí nào cả, mặt mũi thì nhăn nhó. Các bộ, ngành khác có ai đó hi sinh khi đang làm nhiệm vụ thì nhận được sự quan tâm, còn trường hợp bác sĩ bị đâm chết ở Thái Bình, chúng tôi đến thắp hương, trên bàn thờ chỉ có mỗi cái ống nghe, cái mũ bộ đội, bộ quần áo bác sĩ, không có bộ, ngành nào đến cả”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lên tiếng.
Bộ trưởng Y tế cũng cho rằng, mô hình chốt công an trong bệnh viện cần được phát huy, dù một số ĐBQH nói rằng không khả thi. “Chỉ tuyên truyền không thì không được. Bác sĩ trực đêm, lúc đó bị tấn công chẳng có ai giải quyết. Nếu có lực lượng công an kết hợp đi tuần, đường dây nóng kết nối từ bệnh viện đến công an phường thì sẽ khác”.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định với Bộ trưởng Tiến là "ngành y tế không đơn độc” mà luôn có Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sát cánh. Bên cạnh đó, bà Thúy Anh cũng cho rằng tội Cố ý gây thương tích trong bộ luật Hình sự 2015 đã có quy định tình tiết tăng nặng nếu gây tổn hại cho người chăm sóc sức khỏe cho mình. Pháp luật đã thể hiện thái độ nghiêm khắc với những hành vi này.
Ngoài việc bảo vệ an toàn về thể chất cho bác sĩ, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, ngành y cần tăng cường pháp chế để bảo viên y tế khi dính dáng đến các vấn đề pháp lý. “Như trường hợp khởi tố bác sĩ Hoàng Công Lương vừa qua, không thể để người ta đơn độc được. Trong thời buổi này, nguy cơ bác sĩ đối diện với tranh chấp pháp lý là rất lớn, cần phải có chính sách về vấn đề này”, ĐB Lan nêu quan điểm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện tổng số người hành nghề trong toàn quốc là gần 250.000 người, trong đó có khoảng 64.000 bác sĩ, 54.000 y sĩ.