Năm 2017, ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp thứ 139 trong Bảng xếp hạng đại học châu Á của QS - Ảnh: BÙI TUẤN |
Việt Nam không có trường ĐH nào xuất hiện trong bảng xếp hạng 350 trường ĐH hàng đầu châu Á của Times Higher Education khiến nhiều người băn khoăn: giáo dục ĐH Việt Nam đang đứng ở đâu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết hiện nay có ba bảng xếp hạng các trường ĐH được các nhà khoa học và nhà tuyển dụng đánh giá tốt là Bảng xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải (ARWU), bảng xếp hạng thời báo Times Higher Education (THE) và bảng xếp hạng QS.
Cả ba bảng xếp hạng này đều đánh giá khá toàn diện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và mức độ quốc tế hóa của các trường.
Trong đó, bảng xếp hạng ARWU bắt đầu từ năm 2003, có xu hướng quá thiên về các tiêu chí nghiên cứu.
Ví dụ họ quan tâm trường ĐH nào có giải thưởng Nobel thì có thứ hạng cao. Vì vậy, rất ít trường trên thế giới tham gia vào bảng xếp hạng này được, nhất là khi bảng chỉ giới hạn 200-300 trường xuất sắc nhất.
Còn bảng xếp hạng QS (có từ năm 2004) quan tâm đồng đều hơn, cân đối hơn các trọng số giữa các hoạt động đào tạo và nghiên cứu.
Đặc biệt, không chỉ xếp hạng ở bình diện toàn cầu, mà QS còn xếp hạng các trường ĐH theo châu lục và vùng lãnh thổ.
Do đó, một số trường ĐH của Việt Nam đã có cơ hội có tên trong danh sách (ví dụ năm 2017 ĐH Quốc gia Hà Nội xếp hạng 139).
Bảng xếp hạng THE có cùng nguồn gốc với QS, nhưng chú trọng hơn các thành tích nghiên cứu khoa học của trường ĐH.
Bên cạnh việc đánh giá thành tích công bố khoa học với hệ số cao, bảng xếp hạng THE còn đánh giá cao về mức độ thu hút tài trợ từ doanh nghiệp của các trường.
THE cũng rất quan tâm đến tỉ lệ đào tạo sau ĐH (thạc sĩ và tiến sĩ, đặc biệt là quy mô đào tạo tiến sĩ) của các trường. Ngoài ra, tỉ lệ sinh viên quốc tế đến học tập cũng là một chỉ số chọn lọc quan trọng.
Theo GS Đức, các trường ĐH hàng đầu Việt Nam (như hai ĐH Quốc gia và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội…) đang còn lưỡng lự chưa tham gia bảng xếp hạng THE. Nhưng thực tế một số trường khác của Việt Nam đã tiếp cận bảng xếp hạng này.
"Tuy nhiên, theo thông tin tôi được biết thì bảng xếp hạng này không chấp nhận các trường ĐH đó vì thành tích nghiên cứu còn rất hạn chế, chưa đáp ứng và chưa thể tranh hạng với các trường ĐH khác", GS Đức chia sẻ.
Thực tế, còn có nhiều bảng xếp hạng chỉ quan tâm và chấp nhận các trường có ít nhất 150 bài báo ISI/năm. Nếu trường chưa đạt mức đó, họ cũng đã loại.
Theo ông Đức, với tiêu chí của các bảng xếp hạng uy tín, các trường ĐH Việt Nam cần phải nỗ lực đầu tư và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.
Đó là một chỉ số tối thiểu xác định cơ sở giáo dục đó có phải là trường ĐH hay không, hay chỉ là một trường đào tạo nghề nghiệp phổ thông.
"Hiện nay chúng ta có rất nhiều trường được gọi là trường ĐH, nhưng một khi chúng ta chưa tham gia xếp hạng được thì hãy tự vấn mình xem ĐH chúng ta đã thực hiện đủ chức năng và trách nhiệm của một trường đại học hay chưa, hay chúng ta chỉ là các trường đại học về danh nghĩa". GS Nguyễn Hữu Đức |
TS Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, cho biết trong các bảng xếp hạng, thì bảng xếp hạng THE là bảng xếp hạng có độ tín nhiệm cao.
"Tuy nhiên, việc lọt vào bảng xếp hạng không nên xem là mục tiêu cao nhất. Điều quan trọng để phát triển giáo dục ĐH là chất lượng của hệ thống phải nâng được lên.
Khi giáo dục ĐH phát triển đến một tầm mức nào đó, thì hãy nghĩ đến việc trường này, trường kia lọt vào các bảng xếp hạng uy tín.
Còn khi giáo dục ĐH vẫn trì trệ thì giả sử có trường lọt tên vào bảng xếp hạng cũng không làm thay đổi được diện mạo toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH trong nước", ông Khuyến nói.
Theo đó, vấn đề quan trọng là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu để vực dậy cả hệ thống, chứ không nên quá chạy theo các bảng xếp hạng.
Nhà nước ngoài việc quan tâm tăng cường đầu tư cho giáo dục ĐH thì cần phải có cơ chế giám sát để việc đầu tư được thực hiện hiệu quả. Bởi lẽ đầu tư cho giáo dục đại học, kể các trường trọng điểm, của Việt Nam được cho là lớn, nhưng nếu so với thế giới thì "chưa ăn thua".
"Việc đầu tư chưa nhiều khi so với các nước, cộng với tình trạng đầu tư không hiệu quả đã kéo tụt giáo dục ĐH xuống", ông Khuyến nhấn mạnh
Còn GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng bảng xếp hạng phần nào phản ánh được giá trị, chất lượng, thành tựu đào tạo và nghiên cứu của một trường ĐH.
Trong đó, các bảng xếp hạng quốc tế uy tín thường có giá trị đánh giá khách quan hơn xếp hạng trong nước. Có điều không nên quá tuyệt đối hóa giá trị của bảng xếp hạng.
Tuy nhiên, từ vị trí còn khiêm tốn của các trường ĐH khi xếp hạng thì thấy rõ các trường trong nước còn hạn chế về nghiên cứu khoa học.
Theo GS Thi, để giáo dục ĐH thực sự phát triển thì nhất thiết phải đi theo những tiêu chí của kiểm định chất lượng theo đúng chuẩn quốc tế.
"Các trường phải phấn đấu phát triển đào tạo và nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế theo cách hiểu quốc tế, chứ không phải theo quan niệm riêng của Việt Nam được", GS Thi nhấn mạnh.