Đắk Lắk: Di dời 69 hộ dân ra khỏi vùng lũ nhưng chỉ 48 hộ được cấp đất | |
Kỳ lạ khu tái định cư chỉ toàn... trẻ em |
Cuộc sống tại khu tái định cư mới khó khăn trăm bề với người dân. Ảnh: Trang Anh. |
Từ các tỉnh phía Bắc xa xôi vào vùng đất Tây Nguyên sinh sống và lập nghiệp, người dân khu vực này hy vọng sẽ có cuộc sống tốt hơn nhưng khi đến đây, cuộc sống lại không như họ mong muốn.
Ngày đầu ở vùng đất mới, các hộ dân vào canh tác trong cánh rừng thuộc xã Ea Pô (huyện Cư Iút, tỉnh Đắk Nông). Do chưa nắm bắt được pháp luật, nhiều người dân vào rừng chặt cây, đốt rừng làm nương rẫy.
Thấy việc di dời bà con đến khu vực khác là điều hết sức cần thiết để tránh hủy hoại môi sinh và tạo điều kiện cho người dân an cư nên chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan ban ngành thành lập khu tái định cư và di dời dân cư ra khu vực mới.
Năm 2008, sau khi khu tái định cư Cụm Ba Tầng được hoàn thành, hơn 60 hộ dân đã ra nhận đất, cất nhà. Tiếp đó, những hộ dân còn lại lần lượt theo sau. Hiện tại có 155 hộ dân đã sinh sống tại khu vực này.
Chị Vi Thị Nga (SN 1985, khu tái định cư Cụm Ba Tầng) cho biết, gia đình chị đã di dời ra khu tái định cư được một thời gian, nhưng ở đây cuộc sống gặp nhiều bất cập.
“Đất đai ở đây khô cằn lắm, trồng cây gì cũng không lên nổi. Hệ thống thủy lợi cũng không có khiến cho việc lấy nước dùng trong sinh hoạt và sản xuất vô cùng khó khăn”, chị Nga chia sẻ.
Chị Nga còn cho hay, đất đai ở đây cằn sỏi đá, mưa ít, nắng nhiều nên một năm mất 8 tháng hạn hán và nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm vôi. Do điều kiện kinh tế khó khăn người dân ở đây vẫn phải "nhắm mắt" sử dụng nguồn nước ô nhiễm trong sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người dân do không chịu nổi cảnh sống "chấp vá" đã trở lại rừng sinh sống, canh tác. Còn một số hộ đã bỏ xứ đi tha hương nơi khác.
Những con đường bụi mù trời, mưa xuống lầy lội. Ảnh: Trang Anh. |
Ông Vũ Văn Sỹ, Trưởng cụm Ba Tầng cho hay, mặc dù được mắc điện lưới nhưng khu tái định cư Cụm Ba Tầng nguồn điện yếu vô cùng.
“Điện ở đây yếu đến nổi cắm quạt, quạt không quay, cắm cơm cơm còn nguyên hạt gạo. Người dân ở đây vẫn phải sử dụng quạt giấy, nấu cơm bếp cũi và sử dụng bình ắc quy để phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày”, ông Sỹ chia sẻ.
Thoáng chốc những người dân nơi đây đã trải qua 10 năm thiếu thốn đủ bề. Những ngôi nhà vệ sinh chung, đường sá đi lại cũng do bà con tự đóng góp làm nên. Nhưng người dân nơi đây còn có một nổi trăn trở lớn lao là những đứa trẻ muốn đi học phải lặn lội qua những quãng đường xa, đầy trắc trở.
Người dân mòn mỏi ngóng trông thôn mới được hình thành để chính quyền hỗ trợ các vấn đề dân sinh. Ảnh: Trang Anh. |
Trong những năm qua, người dân nơi đây đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, xin các cấp chính quyền thành lập thôn để người dân ổn định cuộc sống và đảm bảo các quyền lợi thiết yếu. Nhưng đơn cứ gửi đi rồi lại “bặt vô âm tín”.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch xã Ea Pô cho biết, tại khu vực Cụm Ba Tầng hiện đang có 155 hộ dân sinh sống. Khu vực này đủ các tiêu chí để thành lập thành một thôn, nhưng do liên quan đến địa giới hành chính nên chúng tôi không đủ chức trách.
“Chúng tôi rất hiểu và cảm thông cho cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của người dân nơi đây. Đơn vị cũng đã nhiều lần gửi hồ sơ, kiến nghị lên cấp trên đề nghị xem xét, phê duyệt việc thành lập thôn mới tại khu vực Cụm Ba Tầng. Tuy nhiên, trong suốt những năm qua vẫn không có chuyển biến tích cực”, ông Bình thông tin.