Nhà báo
Michael Tatarski là một nhà báo người Mỹ, đã sinh sống và làm việc tại TP HCM từ năm 2010 cho đến nay.
Bắt đầu bằng công việc dạy tiếng Anh, Tatarski chuyển sang viết báo cho nhiều ấn phẩm trong và ngoài nước từ năm 2011.
Anh cũng là cây bút quen thuộc trên các ấn phẩm The Atlantic, Politico, Al Jazeera và South China Morning Post.
Tatarski đang phụ trách nội dung của trang Saigoneer, vốn đã trở thành quen thuộc đối với cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam từ nhiều năm nay.
Đọc tin tức về sự cố đàn chó ở Hưng Yên cắn chết cháu bé 7 tuổi, một mặt tôi cảm thấy thật sự thương cảm cho nạn nhân và gia đình, mặt khác lại thấy băn khoăn về đề xuất giải pháp từ những dòng bình luận của độc giả.
Tựu trung lại, có rất nhiều lời kêu gọi người nuôi phải tăng cường đeo rọ mõm cho chó khi đi dạo. Đây cũng là quy định bắt buộc được ban hành ở cả Sài Gòn lẫn Hà Nội.
Vấn đề không nằm ở chỗ rất ít người đoái hoài thực thi quy định này. Điểm mấu chốt là có vẻ như mục đích của việc sử dụng “rọ mõm” đang được hiểu chưa đúng, và từ đó dẫn đến những góc nhìn cũng như giải pháp còn quá đơn giản, chưa bao quát được hết vấn đề.
Tôi sống với chó từ nhỏ và từng nuôi những giống to như Golden Retriever hay Labrador, nhưng chưa từng sở hữu bất cứ một cái rọ mõm nào. Ký ức về chó đeo rọ mõm với tôi vô cùng mờ nhạt bởi ở Mỹ, họa hoằn lắm tôi mới gặp một chú chó bị rọ mõm đi dạo trên đường.
Theo số liệu của Statista, có đến 90 triệu con chó là vật nuôi ở Mỹ. Rọ mõm hầu như chỉ được sử dụng trong trường hợp cấp bách khi con chó có hành vi nguy hiểm hoặc được người nuôi sử dụng lúc cắt tỉa lông cho chúng. Tôi chắc rằng nếu có một tiểu bang nào buộc chủ phải rọ mõm chó khi đưa chúng đi dạo, người nuôi sẽ phản đối rất kịch liệt.
Không thể ngăn ngừa những vụ việc đau lòng tương tự như ở Hưng Yên chỉ bằng một động tác đơn giản là rọ mõm con chó lại. Cách giải quyết tận gốc rễ là phải điều chỉnh thái độ cũng như cách huấn luyện, chăm sóc và kiểm soát của người nuôi chó.
Tôi biết việc một người nước ngoài nói về chuyện nuôi dạy thú cưng sẽ có phần hơi khệnh khạng và dạy đời. Tôi cũng biết người Mỹ có thể không hoàn hảo trong việc nuôi dạy vật nuôi bởi vẫn còn rất nhiều tranh cãi trong vấn đề này. Thế nhưng, tôi nghĩ Mỹ vẫn là một ví dụ đáng để học tập về quan hệ giữa chủ và vật nuôi.
Chó to, chó nhỏ, chó dễ thương, chó hung hăng đều có thể cắn người khi bị kích động. Các nhà khoa học đã chứng minh chó có hành vi hung hăng, gây ra những vết cắn chí mạng là do có tiền sử bị đối xử tệ bạc: bị đánh, bị đá, bị xịt nước vào người.
Trong nghiên cứu kéo dài một năm, khảo sát và thí nghiệm hành vi trên gần 500 con chó, GS Meghan Herron và cộng sự (Đại học Pennsylvania, Mỹ) chỉ ra: Nếu bị huấn luyện bằng cách đánh hoặc đá kéo dài, có đến 43% chó trở nên hung hăng và khó bảo hơn. Nhóm nghiên cứu rút ra kết luận: Càng ngày chó sẽ càng cứng đầu và thích tấn công nếu vẫn tiếp tục bị đánh, đá.
Những cách dạy dỗ có liên quan đến bạo lực, tác động đến thân thể, làm đau vật nuôi đôi không hề mang lại hiệu quả, trái lại còn khiến chúng phản kháng, chống đối.
Những cách dạy dỗ có liên quan đến bạo lực, tác động đến thân thể, làm đau vật nuôi đôi không hề mang lại hiệu quả, trái lại còn khiến chúng phản kháng, chống đối. Nghiên cứu đồng thời cũng chỉ ra đôi khi người nuôi chỉ cần hét lên “không” rồi ra hiệu với ánh mắt cương quyết, chó đã biết đâu là hành vi sai trái và dừng lại ngay.
Thái độ đối với vật nuôi ở Việt Nam rất khác so với Mỹ.
Trong những năm sống ở Việt Nam, tôi chứng kiến không ít cảnh tượng “dạy con từ thuở còn thơ” của nhiều người nuôi chó. Họ đá, tát hoặc đánh chó con bằng vật cứng. Tôi rất đau xót khi nhìn thấy những chú chó vạ vật ngoài đường dưới cái nắng chói chang của Sài Gòn mà không có gì để ăn và uống.
Theo kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi chó của mình, cách dạy kiểu “thương cho roi cho vọt” này vô tình khiến những chú chó con khi lớn lên không biết cách hòa nhập và thích nghi với xã hội, do đó trở nên hung hăng, bạo lực, thích sủa và cắn người hơn.
Tôi hiểu sự khác biệt văn hóa rất lớn giữa Mỹ và Việt Nam. Ở Việt Nam, chó được nuôi để giữ nhà và tài sản, nên cần chút “dữ tợn” để dọa trộm. Có chăng vì lẽ đó, chó thường được khuyến khích sủa người lạ và có những hành động gây hấn.
Còn ở Mỹ, chó mèo như những đứa trẻ nhà giàu được cha mẹ bảo bọc. Chúng chỉ được thả chạy tự do ở công viên, những khu đất rộng lớn hoặc trong vườn nhà, rất vô hại. Ở Mỹ không phải không tồn tại những hành vi bạo hành vật nuôi, nhưng ít nhất nó không diễn ra phổ biến và công khai như trên đường phố Việt Nam.
Tất nhiên, nói thì dễ hơn làm, nhưng vẫn là chưa muộn để những người nuôi chó ở Việt Nam bắt đầu thay đổi. Sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng không phải là không làm được.
Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), cứ khoảng 70 người thì có 1 người bị chó cắn. Nghe có vẻ nhiều nhưng 81% vết cắn là xây xước ngoài da và không để lại hậu quả nghiệm trọng.
Xác suất tử vong vì chó cắn trên cả nước Mỹ từ năm 2005-2018 là 1/112.400, hiếm hơn cả bị ong đốt hay thiệt mạng vì thiên tai. Và cũng chỉ có 20% số người bị cắn phải tiêm phòng bệnh dại. Trẻ em là đối tượng dễ bị chó cắn nhất bởi chúng chưa biết cách ứng xử với chó, sau đó là những người giao hàng bị chó lầm tưởng là kẻ trộm.
Phòng tránh chó cắn là việc hoàn toàn có thể làm được. Hành vi của con người, từ nhiều phía, cần phải thay đổi trước tiên chứ chỉ áp dụng hình phạt lên chó như rọ mõm chúng hoàn toàn không làm tình hình khá hơn.
Ở Việt Nam, hình ảnh chó vô chủ chạy loăng quăng ngoài đường, không có ai giám sát không hề hiếm. Điều đó là không nên chút nào. Chó ở những nơi công cộng phải có chủ đi kèm và được dắt bằng dây. Đó là điều tiên quyết.
Từ khi còn nhỏ, chó con đã cần được huấn luyện: đi vệ sinh đúng chỗ và học cách nghe lời chủ qua những câu lệnh cơ bản như ngồi, lăn, nằm hay sủa. Chủ cũng cần phải để mắt đến chó và cho chúng ăn đúng giờ, đúng bữa với chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Thêm nữa, ngoài chủ của mình, chó con phải được giao lưu kết bạn với đồng loại, người khác và tương tác thường xuyên với môi trường xung quanh. Điều này nhằm rèn luyện cho chó không bị bỡ ngỡ với thế giới bên ngoài để từ đó, tránh được những hành vi bạo lực như tấn công người lạ.
Suy cho cùng, vật nuôi cũng là một thực thể sống, khi quyết định nuôi, cho chúng một mái nhà là bạn phải có trách nhiệm với chúng từ những việc nhỏ nhất: để mắt đến, dọn vệ sinh nếu chẳng may thú cưng “bĩnh” ra đường, tiêm phòng, xổ giun đầy đủ hay dạy dỗ để chúng không sủa làm ảnh hưởng đến hàng xóm.
Đương nhiên, đối với người lạ, nếu thấy chó có những biểu hiện khác thường như gầm gừ hoặc nhe nanh, tốt nhất là tránh xa và càng không nên để trẻ em đến gần.
Ở Mỹ, cũng đã có trường hợp chó quay lại tấn công chủ đến chết. Nhiều chuyên gia lý giải rất có thể điều này xuất phát từ can thiệp của chủ khi chó đang truy đuổi con mồi. Dù chưa có kết luận chính xác 100%, đây cũng là điểm đáng lưu tâm: Con người không nên có hành động can thiệp khi chó đang có biểu hiện hung hăng, như truy đuổi con mồi.
Tất nhiên, không thể không nói tới việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người nuôi chó ở Việt Nam.
Một số khu chung cư mới hiện nay cấm hẳn cư dân có vật nuôi. Ở những thành phố lớn, như Sài Gòn là nơi tôi đang sinh sống, với dòng xe cộ đông như mắc cửi suốt cả ngày, tôi vô cùng chật vật tìm được một tuyến đường để có thể dắt chó đi dạo trong bình yên.
Hy vọng một ngày không xa, một sân chơi công cộng - hay thậm chí một công viên dành riêng cho chó - đủ rộng và an toàn sẽ không còn là ước mơ xa xỉ của những người nuôi chó như tôi.
Mối quan hệ giữa người và chó là một con đường hai chiều. Nếu chó được đối xử tốt, chúng sẽ yêu quý lại chúng ta. Nuôi chó, cũng như dạy một đứa trẻ, cần rất nhiều sự nhẫn nại và tình yêu thương.