Dân mạng 'mất ngủ' vì 'chiếc iPhone 6 Plus giá 1 triệu đồng'

Câu chuyện về một thanh niên "may mắn" mua được chiếc điện thoại iPhone 6 Plus "mới tinh" với giá 1 triệu đồng đang được cư dân mạng chia sẻ như một lời cảnh báo đến những người ham đồ rẻ.

Chiêu giả người bán vé số, con nghiện, dân "hai ngón" để bán điện thoại giá rẻ tại các bến xe, khu vực công cộng đã xuất hiện từ lâu. Nhưng theo thời gian, chiêu thức lừa đảo này lại có những biến tướng mới và nhiều người do mất cảnh giác, ham rẻ đã "ngậm trái đắng".

Mạng xã hội mấy ngày gần đây truyền tay nhau câu chuyện của một thanh niên bị lừa mua iPhone 6 Plus với giá chỉ... một triệu đồng.

dan mang mat ngu vi chiec iphone 6 plus gia 1 trieu dong
Để không trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo bán điện thoại “xịn" người dân nên cảnh giác khi mua bán ngoài đường, nơi công cộng. (Ảnh mang tính minh họa).

"Trưa 30/9, tôi đứng ở cổng Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM (cơ sở 1) thì một cô gái (khoảng 20 tuổi, da trắng, cao 1,5m) cầm trên tay chục tờ vé số đến mời mua nhưng tôi không lấy vì hết tiền. Cô ta cứ đi theo tôi và năn nỉ.

Lát sau, cô ta hỏi: "Anh có mua điện thoại không? Em bán cho". Sau đó, cô ta giải thích: "Em mới nhặt được ở dưới Bệnh viện Hùng Vương, không biết sử dụng nên mới bán lại".

Chiếc iPhone 6 được cô ta kẹp trong cuốn sổ dò vé số, rồi nhờ tôi tắt nguồn. Tôi tiện thể kiểm tra sơ máy thì đúng là máy xịn, còn rất mới, hàng chuẩn của Apple (iPhone 6 Plus màu trắng, phiên bản 64G, model A1524).

Chiếc điện thoại có cả ốp lưng, trên máy còn 3 cuộc gọi nhỡ và vài tin nhắn chưa đọc. Tôi kiểm tra cấu hình rồi tắt nguồn máy và trả lại cho cô ta. Tôi nói: "Em bán cho người khác đi, chứ anh không còn tiền".

Tuy nhiên, cô gái vẫn bám theo và nói: "Anh có 4 triệu thì đưa em bán cho". Tôi nói: "Anh không đủ tiền, chỉ còn một triệu để đi đường thôi". Cô gái vẫn một mực năn nỉ hơn 30 phút. Đến khi vợ tôi đi ra và chuẩn bị lên xe thì cô ta nói: "Thôi! Anh đưa em một triệu đó cũng được". Và cô dúi chiếc iPhone vào tay vợ tôi.

Tôi thấy rẻ nên cũng không kiểm tra lại máy và rút một triệu đồng đưa cho cô ta. Trước lúc đi, cô ta còn nói: "Máy anh đã tắt nguồn rồi đó nha". Về đến nhà, tôi mở máy thì không khởi động được nguồn. Tôi nghĩ chắc máy hết pin nên đưa đi sạc thì không thấy điện vào.

Tôi cầm điện thoại ra tiệm kiểm tra thì mới biết bị lừa. Chiếc iPhone chỉ là cái vỏ hoàn hảo, không có ruột. Mọi thứ nhìn bên ngoài không thể phân biệt được thật hay giả vì từ khe sim, nút nguồn, camera, loa... đến cân nặng cũng như máy thật 148g. Chiếc iPhone 6 plus tôi mua bên trong chỉ là một khung sắt. Một cú lừa ngoạn mục, tôi mất một triệu để nhận lại bài học cuộc sống.

Lúc tôi xem máy thì cô ta đưa máy thật, khi chuẩn bị lên xe thì cô ta đã tráo mà tôi không biết. Đặc điểm của loại tội phạm này là luôn bám theo mục tiêu, ngã giá rất lâu và chờ đến lúc "con mồi" chuẩn bị lên xe sẽ chấp nhận lấy số tiền mà mình đang còn. Vì vậy, tôi mong mọi người hãy cảnh giác, đừng bị dính bẫy của chúng".

Chia sẻ đã nhận được hàng chục nghìn lượt like, chia sẻ và bình luận của cư dân mạng xã hội. Đa số bình luận kể lại sự việc mình đã từng chứng kiến, hoặc đưa ra những nhận xét, cảnh báo về trò lừa đảo không mới nhưng chưa cũ này.

Bạn có nick name Thanh Toàn chia sẻ: "Nhà mình ở ngay cạnh bến xe Giáp Bát nên không lạ gì mấy thủ đoạn lừa đảo này. Những đối tượng lừa đảo thường tìm cách tiếp cận những khách vừa xuống xe đang ở trong trạng thái mệt mỏi hoặc những người chuẩn bị lên một chuyến xe khác, hoặc người nhà đến đón người thân đi xe trong bến. Đối tượng hay bị tiếp cận nhất là phụ nữ, những người ít hiểu biết về công nghệ. Khi xác định "con mồi', bọn chúng sẽ tìm cách tiếp cận rồi giả vờ đưa ra một chiếc điện thoại cao cấp (thường là iPhone) giấu lấp ló trong chiếc áo khoác hoặc chiếc mũ mà chúng cầm trên tay để cho đối tượng nhìn thấy và rót những lời lẽ hết sức thuyết phục như kiểu "Em vừa nhặt được hay vừa "thửa" được cái điện thoại này nhưng không biết cách sử dụng/ hoặc anh đang cần tiền mua thuốc, giờ muốn bán lại với giá rẻ"...Mức giá mà chúng đưa ra ban đầu có thể là 7-8 triệu, sau đó rút dần. Có khi về 1-2 triệu. Một sô người nhẹ dạ cả tin thường thấy cái lợi trước mắt mà không kiểm tra, khi nhận được tiền kẻ bán nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Khi nhận ra những chiếc điện thoại cao cấp mà họ vừa mua thì mọi việc đã không còn thay đổi được gì. Những đối tượng này sau khi lừa thành công ở địa điểm này thì sẽ "biến mất" ít nhất là 2 tuần sau".

Bạn Quang Cảnh chia sẻ: "Nói chung tất cả là do lòng tham của con người mà ra hết. Các vị không tham thì sao các vị mắc lừa. Cái tinh vi ở trò này là trong cả quá trình kẻ lừa đảo diễn xuất một cách xuất sắc, biểu hiện đúng tâm lý của một người mới ăn trộm, mới nhặt được đồ rơi: Tâm trạng sợ sệt, hai tay run run, mắt dáo dác nhìn xung quanh, luôn đề phòng những người lướt qua...Chúng sẵn sàng cho "con mồi" được phép cầm máy và kiểm tra thoải mái nhưng sẽ luôn miệng thúc giục mình kiểm tra nhanh rồi tắt máy đi ko sợ "chủ máy" phát hiện. Rồi khi giá cả đã được "ngã ngũ", chúng sẽ lại giục "con mồi" giao tiền thật nhanh. Như vậy khi họ hoán đổi máy thì với những người ít dùng hay chưa bao giờ dùng iPhone sẽ khó phát hiện là máy đã bị đổi".

Hình thức lừa đảo này đã xuất hiện từ lâu và cũng đã được cơ quan chức năng cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy nhưng vẫn có những cá nhân bị rơi vào bẫy lừa. Nguyên nhân ở đây phần nhiều do sự thiếu cảnh giác, ham đồ rẻ của một số người dân.

Với các chiêu thức lừa đảo ngày càng "đổi mới", tinh vi và rất khó nhận biết, trước khi chờ những kẻ lừa đảo bị bắt và xử lý theo pháp luật, chính chúng ta phải cảnh giác và cẩn thận để không bị mắc lừa và mất tiền oan. Để không trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo bán điện thoại “xịn" người dân nên cảnh giác khi mua bán ngoài đường, nơi công cộng; đừng vì ham “của rẻ” mà mua phải “của rởm” và cũng thận trọng kẻo mua phải đồ trộm cắp.

Các cụ đã nói rồi, "của rẻ là của ôi"!

An Yên

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.