Dân nghèo bỏ xứ đi 'chạy dây'

Nhiều người ví cuộc đời những người vấn dây thừng như sợi dây không đầu không đuôi, chắc chắn nhưng dễ bị sứt tơi. Cũng có người bảo, đời thợ làm dây cứ như một sợi dây dài vô tận, chạy mãi không điểm dừng.

Xóm nghèo

dan ngheo bo xu di chay day
Họ chủ yếu là những người nghèo quê gốc An Giang lên thành phố làm nghề "chạy".

Cuối khu đô thị Vĩnh Lộc, quận Bình Tân – TPHCM là một bãi đất trống cỏ mọc xanh um, bên trên là những liếp dây thẳng tắp, phía xa xa là dãy nhà xập xệ vách lá, mái tôn và loang lỗ những tấm nilon nhàu nát chắp vá chung quanh nhà.

Tạm bợ, cũ kỹ, thiếu thốn nhưng đó là bản doanh của những người thợ sống bằng nghề vấn dây thừng mà nhiều người quen gọi là “làng chạy”. Gọi “làng chạy” bởi công việc của họ phải chạy nhiều hơn đi và sẵn sàng “chạy” khi khu đất đó bị quy hoạch làm nhà, chủ cho thuê bắt di dời.

“Làng chạy” được chia làm nhiều trại, mỗi trại khoảng mười tổ, mỗi tổ gồm hai đến ba thành viên, thường là một gia đình hoặc anh em họ hàng. Hầu hết người trong làng đều có điểm chung là nghèo và gốc người miền Tây Nam bộ, chủ yếu ở An Phú – An Giang.

dan ngheo bo xu di chay day
Gọi 'làng chạy' bởi công việc của họ chủ yếu là chạy.

Ông Nguyễn Văn Bảy, một trong những người “khai sáng” làng kể: “Ở dưới quê nghèo quá, muốn làm cũng không có việc nên tui và một số anh em đánh liều bỏ xứ lên thành phố lập nghiệp, rồi bén duyên với nghề vấn dây thừng. Công việc vấn dây tuy cực khổ nhưng thu nhập ổn định nên tụi tui trở về quê gọi thêm người thân lên thành phố cùng làm. Lâu dần, dân ở đây đông lên và lập thành làng để cưu mang, đỡ đần nhau trong cuộc sống và san sẻ nhau công ăn chuyện làm”.

Dây thừng được vấn ở đây chủ yếu là loại dây ly (dây to trên 20mm), dây đậu (dây có kích thước vừa phải 3-5mm), dây cào (dây có răng cưa) và dây cước (dùng để làm lưới cá biển). Để hoàn thành một cuộn dây thừng, người thợ phải kéo dây đi về từ 3-5 lần cho dây thẳng để máy vấn không rối, mỗi lượt kéo họ phải chạy trên 200m.

dan ngheo bo xu di chay day
Để trang trải cuộc sống, phụ nữ cũng phải chạy dây.

Trung bình một tổ thợ làm được 15-20 cuộn dây mỗi ngày và để làm được từng ấy dây họ phải chạy khoảng 15km đến 20km. Công việc của người thợ vấn dây thừng bắt đầu từ tờ mờ sớm và kết thúc lúc chạng vạng tối. Nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trời nắng thì dây sẽ bền chặt hơn, còn gặp trời mưa thì không thể làm việc do gió lớn làm rối dây và dây thấm nước rất khó kéo, vấn.

Bao giờ hết “chạy”

Dù am hiểu công việc và có thâm niên lâu đời trong nghề nhưng hiện nay, không một người thợ nào dám đứng ra lập trại để nhận hàng mà vẫn phải làm công cho chủ thầu như những ngày đầu chân ướt chân ráo vào nghề. Lý do vì, công việc chạy dây cần những khoảng đất dài và rộng nên mặt bằng luôn là vấn đề nan giải, không dễ thuê và cũng khó có thể thuê lâu bởi đất thành phố ngày một hóa “vàng”.

dan ngheo bo xu di chay day
Nhà cửa tuềnh toàng và thiếu nhu cầu giải trí.

Rồi nữa, những người thợ tuy tay nghề cao nhưng chưa bao giờ được tiếp xúc với khách hàng nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm là ngoài tầm tay. Ông Bảy tâm sự: “Tui có hơn 20 năm làm nghề nhưng chưa một lần gặp khách hàng. Ông chủ tui là người miền ngoài, ít gặp nhau, cần làm hàng gì thì có người gọi điện thông báo và chúng tôi làm”.

Tuy người thợ vấn dây thừng bây giờ có cuộc sống ổn định hơn rất nhiều so với thời họ sống tại quê nhà, nhưng công việc của họ vẫn phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời và trông mong nhiều vào thời tiết. Có một điểm hay là dù cực khổ và vất vả nhưng họ vẫn cố gắng cho con cái đến trường.

Theo chị Duyên thì hầu hết những cặp vợ chồng “chạy dây” chỉ đem theo đứa con nhỏ tuổi nhất trong gia đình lên thành phố ở cùng, những đứa lớn tuổi vẫn ở dưới quê ăn học và được ông bà chúng coi sóc. Anh Trần Hồng Lạc cùng vợ làm thuê tại đây bày tỏ: “Tuy xa con cái là một nỗi buồn lớn nhưng đời mình khổ quá, đành phải hy sinh và tằn tiện để cho tụi nhỏ nó biết cái chữ mà đổi nghề, chứ không lại theo nghề “chạy” như cha mẹ thì khổ cả đời”.

dan ngheo bo xu di chay day
Cuộc sống của họ chưa biết đến bao giờ sẽ thôi chạy.

Do tiền công được tính bằng sản phẩm nên họ tranh thủ làm cả ngày lễ và chủ nhật, chỉ hôm nào mưa gió hoặc bệnh tật mới thôi “chạy”. Giải trí là một điều hết sức xa xỉ của họ, có người lên thành phố nhiều năm nhưng không biết đường vào trung tâm thành phố hay những nơi vui chơi giải trí như Đầm Sen, Thảo Cầm Viên. Anh Trần Văn Tuấn, một người thợ có thâm niêm hơn 10 năm kể: “Sống ở Sài Gòn khá lâu nhưng tui chỉ biết mỗi khu này và đường ra bến xe miền Tây để về quê. Tối tối anh em thường ngồi với nhau làm vài ly rượu rồi tranh thủ ngủ để mai dậy sớm chạy dây. Hôm nào hoành tráng hơn thì kéo nhau ra mấy quán cà phê cóc ven đường nghe tí nhạc cho vui”.

Dẫu niềm vui đơn sơ, cuộc sống khổ cực nhưng hàng chục năm nay, “làng chạy” vẫn âm thầm hoạt động giữa Sài thành, bền bỉ lao động với mong ước giúp con cái học chữ để thoát nghèo. Những “thợ chạy” làm việc trên thảm cỏ với những liếp dây đều đặn như một bản nhạc sinh động, có khuôn nhạc (dây thừng) và nốt nhạc (con người). Họ như đang viết bài ca về thân phận và ước vọng của từng hoàn cảnh, trên cánh đồng dây dài tắp tít.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.