Dân ven sông Tô Lịch nhen nhóm hi vọng hưởng không khí trong lành sau hàng chục năm ngửi mùi hôi thối

Suốt 3 thập kỉ qua, câu chuyện "hồi sinh" sông Tô Lịch nhiều lần được nhắc đến. Tuy nhiên, 3 thập kỉ qua đi, nhiều đứa trẻ sinh ra bên dòng sông hôi thối giờ đã lập gia đình và lại sinh ra những đứa trẻ khác cũng vẫn phải hít thở mùi hôi thối của con sông này.

IMG_6282

Sông Tô Lịch bốc mùi hôi thối nhiều năm qua. (Ảnh: Di Linh).

Nhiều thế hệ hít mùi hôi thối của sông Tô Lịch

Sông Tô Lịch (Hà Nội) là một nhánh nhỏ của sông Hồng, nối thông thủy với hồ Tây. Vào năm 1889, một phần sông Tô Lịch bị lấp. Hiện tại, con sông này có chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) sau đó chảy ra sông Nhuệ đoạn thuộc địa bàn xã Hữu Hòa (Thanh Trì).

Sông Tô Lịch có hơn 280 cửa xả nước thải; ước tính mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải chưa qua xử lí xả vào con sông này.

Từ một con sông trong xanh góp phần tiêu thoát nước trên địa bàn Thủ đô, sông Tô Lịch hiện đã trở thành một dòng sông "chết".

Suốt 3 thập kỉ qua, câu chuyện "hồi sinh" sông Tô Lịch nhiều lần được nhắc đến. Tuy nhiên, 3 thập kỉ qua đi, nhiều đứa trẻ sinh ra bên dòng sông hôi thối giờ đã lập gia đình và lại sinh ra những đứa trẻ khác cũng vẫn phải hít thở mùi hôi thối của con sông này.

Ở Hà Nội, không chỉ sông Tô Lịch, nhiều người dân cũng đang phải chịu đựng mùi hôi thối của các con sông khác như Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét, sông Nhuệ, sông Tích, sông Đáy.

Theo Bộ Xây dựng, nước ta với gần 1.000 đô thị nhưng hiện chỉ có khoảng 13% nước thải được xử lí.

Như vậy, có khoảng 87 % nước thải đang xả trực tiếp ra môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân đô thị.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), hiện cả nước mới chỉ có 43 nhà máy xử lí nước thải đô thị với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Tỉ lệ được xử lí chiếm khoảng 13%.

Hiện tại, Hà Nội đã có 6 nhà máy xử lí nước thải công suất từ 2.300 m3/ngày đêm 200.000 m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, những nhà máy này cũng mới chỉ xử lí được khoảng 22% tổng số lượng nước thải của TP mỗi ngày.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới 4 con sông gồm Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Tích, sông Đáy phải nhận khoảng 703.000 m3 nước thải sinh hoạt mỗi ngày.

Như vậy, với 22% lượng nước thải được xử lí, những con sông của Hà Nội đang phải gánh khối lượng nước thải rất lớn.

IMG_6265

Người dân sống cạnh, làm việc ở sông Tô Lịch khốn khổ với mùi hôi thối. (Ảnh: Di Linh).

Nhen nhóm hi vọng về không khí trong lành 

Theo bà Nguyễn Thị Hương (Yên Hòa, Cầu Giấy), sông Tô Lịch sau mỗi đợt mưa, nắng, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. "Nhiều gia đình sống dọc bờ sống không chịu nổi mùi hôi thối phải cho thuê lại nhà, tìm nơi khác sinh sống", bà Hương nói.

Gia đình ông Trần Văn Bảo (Tam Hiệp, Thanh Trì) sống cạnh sông Tô Lịch cũng đã 25 năm cho biết những năm gần đây, con sông này ngày càng ô nhiễm, hôi thối.

"Sông không có nước bổ sung, chỉ có nước mưa, nước thải nên ngày càng bẩn thỉu. Sống chung với mùi hôi thối nhưng người dân chúng tôi cũng không có biện pháp gì để khắc phục, chỉ còn biết đóng cửa cả ngày", ông Bảo nói.

Năm 2014, Hà Nội đã lắp đặt gần 40 cụm bè thủy sinh trên sông Tô Lịch. Dòng sông này cũng được vớt rác, nạo vét bùn. Tuy nhiên, những giải pháp này không thể giúp sông Tô Lịch trong xanh trở lại.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân sống cạnh sông Tô Lịch đều cho rằng điều đầu tiên cần làm là xử lí khẩn cấp mùi hôi thối bốc lên từ các dòng sông.

Việc giảm bớt mùi hôi thối của sông Tô Lịch đang được nhiều người dân kì vọng khi phía Tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản đã tài trợ thí điểm xử lí ô nhiễm một đoạn sông.

Theo công bố mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản, tại khu vực sông Tô Lịch sau khi thí điểm gần như không còn mùi hôi thối, không phải đeo khẩu trang khi đứng ở đoạn sông thí điểm.

"Tại khu vực thí điểm, mùi hôi thối của đoạn sông Tô Lịch đã giảm gần như không còn chỉ sau 3 ngày vận hành hệ thống xử lí bằng công nghệ Nano-Bioreactor.

Hiện tại, theo đánh giá của người dân sống cạnh khu vực thí điểm, mặc dù hàng ngày vẫn có lượng nước thải chưa qua xử lí liên tục xả trực tiếp vào khu vực thí điểm tuy nhiên gần như hoàn toàn không còn mùi hôi thối tại khu vực xử lí thí điểm", Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản cho hay.

13-1558343510947565641016

Ông Lê Quốc Tuấn, một người dân sống cạnh sông Tô Lịch cho biết mùi giảm sau vài ngày thí điểm. (Ảnh: Di Linh).

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quốc Tuấn, một người dân sống cạnh sông Tô Lịch trên phố Nguyễn Đình Hoàn gần nơi thí điểm cho biết theo cảm quan, mùi đã bớt hơn sau vài ngày lắp đặt thiết bị.

"Sau vài ngày thí điểm, mùi hôi thối đã giảm rất nhiều. Chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi không phải hít mùi hôi thối", ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Công Tiếu, một công nhân thường xuyên làm việc dọn rác ở sông Tô Lịch cũng cho biết sau vài ngày thí điểm mùi hôi thối trên sông đỡ nhiều.

Sau nhiều tháng thí điểm, quay lại đoạn sông Tô Lịch trên phố Nguyễn Đình Hoàn, trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân đi tập thể dục buổi sáng ở đường ven sông cũng có nhiều đánh giá khả quan.

"Nước sông chuyển màu rõ rệt, mùi hôi thối gần như không còn. Tôi cho rằng nếu mô hình xử lí ô nhiễm nào hiệu quả thì nên nhân rộng. Tôi và nhiều người dân khác sống cạnh sông Tô Lịch sẽ đỡ khổ vì mùi hôi thối", bà An (55 tuổi, Nguyễn Đình Hoàn, Cầu Giấy) nói.

IMG_3183

GS Đặng Huy Huỳnh từng thả cá xuống bồn nước sông Tô Lịch sau xử lí. (Ảnh: Di Linh).

GS TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá công nghệ Nhật Bản đang thí điểm rất tiến bộ.

"Với công nghệ này, các vi khuẩn có hại giảm, vi khuẩn có lợi phát huy chức năng trong hệ sinh thái nước, giải quyết mùi hôi thối mà từ lâu nay chưa xử lí được", ông Huỳnh nói.

Trao đổi với chúng tôi, TS Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên Hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết:

"Ở Nhật Bản, ngoài các qui định về qui chuẩn chất lượng nước như QCVN còn có qui chuẩn về "một dòng sông an toàn, không mùi hôi thối".

Đối người người dân Việt Nam, tôi cho rằng những người sống cạnh các "dòng sông chết" không biết cũng như không quan tâm về các chỉ số kĩ thuật của nước như COD, BOD5, DO... mà quan tâm đến vấn đề xử lí mùi hôi thối bốc lên hàng ngày, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ", TS Tadashi Yamamura nói.

IMG_9542

TS Tadashi Yamamura. (Ảnh: Di Linh).

Trước đó, ngày 11/4/2019, Thủ tướng đã tiếp đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường do TS Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản dẫn đầu.

Đoàn chuyên gia Nhật Bản đã đề xuất tài trợ miễn phí thí điểm xử lí ô nhiễm nước một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ bio-nano, tốc độ xử lí siêu nhanh.

TS Tadashi Yamamura cho biết, phía Nhật Bản đã điều tra, khảo sát trong 2 năm để đưa ra đề nghị này.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.