Thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản triển khai từ tháng 5/2019. (Ảnh: Di Linh).
Ngày 29/10, Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản đã thông tin về hiệu quả Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor.
Cụ thể, dự án thí điểm làm sạch một đoạn 300m tại sông Tô Lịch bắt đầu từ vị trí cống xả đầu đường Hoàng Quốc Việt; thí điểm làm sạch một góc hồ Tây trên phạm vi diện tích 1.000m2 tại vị trí đối diện số nhà 161 đường Nguyễn Đình Thi.
Dự án diễn ra từ ngày 16/5/2019 đến ngày 16/7/2019. Sau đó thời điểm lấy mẫu đánh giá quá trình thí điểm đã kéo dài đến ngày 16/9/2019 vì lí do khách quan.
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản, tại khu vực sông Tô Lịch sau khi thí điểm gần như không còn mùi hôi thối, không phải đeo khẩu trang khi đứng ở đoạn sông thí điểm.
"Tại khu vực thí điểm, mùi hôi thối của đoạn sông Tô Lịch đã giảm gần như không còn chỉ sau 3 ngày vận hành hệ thống xử lí bằng công nghệ Nano-Bioreactor.
Hiện tại, theo đánh giá của người dân sống cạnh khu vực thí điểm, mặc dù hàng ngày vẫn có lượng nước thải chưa qua xử lí liên tục xả trực tiếp vào khu vực thí điểm tuy nhiên gần như hoàn toàn không còn mùi hôi thối tại khu vực xử lí thí điểm", Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản cho hay.
Ngoài ra, để đánh giá chính xác, định lượng của kết quả giảm mùi hôi thối, phía chuyên gia Nhật Bản đã mang thiết bị đo mùi chuyên dụng OMX-ADM của hãng Shinyei Nhật Bản để đánh giá.
Kết quả cho thấy, chỉ số nồng độ mùi tại khu vực trước xử lí đạt giá trị 999, là giá trị cao nhất trong phạm vi đo của máy (nồng độ mùi thực tế có thể cao hơn giá trị này); chỉ số nồng độ mùi tại khu thí điểm chỉ đạt giá trị 5, nồng độ mùi hôi thối giảm từ 999 xuống 5, tức giảm tới 200 lần.
Về việc phân hủy lớp bùn tầng đáy ở sông Tô Lịch, theo kết quả ngày 16/9/2019 của các đơn vị lấy mẫu so với kết quả ngày 16/5/2019, lượng bùn dưới đáy sông Tô Lịch đã bị phân hủy và giảm rõ rệt trong khu vực xử lí.
Chuyên gia Nhật Bản cũng đưa thiết bị đo chuyên dụng sang và thực hiện đo ở nhiều điểm tại khu vực thí điểm cho thấy lượng bùn giảm rõ rệt.
(Ảnh: Di Linh).
Cá sống khỏe mạnh trong nước sông Tô Lịch sau xử lí. (Ảnh: Di Linh).
Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản cũng cho biết các chỉ tiêu quan trắc chất lượng nước, trầm tích đều được cải thiện rõ rệt, một vài chỉ số đạt các cột A2, B1, B2 (Qui chuẩn kĩ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT), là điều kiện rất tốt cho cá, thủy sinh phát triển tốt.
Đáng chú ý, ngày 16/9/2019, phía Nhật Bản đã cho thả cá Koi Nhật và cá chép Việt Nam và một số loại cá khác trong khu vực thí điểm. Theo ghi nhận của chúng tôi mới đây, cá vẫn sống khỏe mạnh.
"Tôi cho rằng, đàn cá Koi Nhật Bản, cá chép đỏ Việt Nam được thả xuống khu thí điểm đến hôm nay vẫn sống được thì rõ ràng nguồn nước đã được xử lí khá an toàn.
Nếu không an toàn thì đàn cá này khó sống được lâu như vậy", Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản dẫn đánh giá của PGS TS Kim Văn Vạn, Trưởng khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản cũng cho biết, tại khu vực chứng minh xử lí trong 24h nước thải chảy vào khu xử lí trên sông Tô Lịch chỉ số vi khuẩn có hại như Coliform hơn 61 triệu lần, đạt cột A1 qui định.
Chỉ số E.coli giảm 1100 lần, đạt cột A1 qui định. Điều này cho thấy chất lượng nước sau xử lí bằng công nghệ đảm bảo không có các vi khuẩn có hại cho sức khỏe con người, không gây ra các bệnh về đường ruột.
Với sông Tô Lịch, Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản cũng cho biết cần khoảng 150-200 hệ thống máy Nano và vật liệu sinh học Bioreactor để xử lí ô nhiễm.
Cá chết bên ngoài khu thí điểm xử lí ô nhiễm ở hồ Tây. (Ảnh: Di Linh).
Tại khu vực thí điểm làm sạch một góc 1.000m2 hồ Tây, Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết sau thí điểm, nước hoàn toàn không có mùi hôi, tanh như nước bên ngoài khu vực thí điểm.
Chuyên gia Nhật Bản cũng đo và kết quả cho thấy nước ngoài khu thí điểm có chỉ số nồng độ mùi là 120, trong khu thí điểm là 3, giảm 30 lần. Độ trong của nước ở khu thí điểm cũng được cải thiện rõ rệt, có thể nhìn thấy đồ vật dưới đáy hồ.
Độ dày bùn tầng đáy của khu thí điểm cũng giảm đáng kể mà không cần nạo vét cơ học.
Về các chỉ tiêu quan trắc chất lượng nước, trầm tích, Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết theo kết quả của các đơn vị phân tích lấy mẫu đánh giá, nước khu vực thí điểm tại hồ Tây sau xử lí thí điểm, có 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT.
Trong đó hầu hết các chỉ số đạt tới cột A1 (quy định chất lượng nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt) , một vài chỉ số đạt các cột A2, B1, B2. Nồng độ pH=7,5 ổn định đạt trong khoảng cho phép.
Chỉ số DO (hàm lượng oxy hòa tan còn dư lại) sau khi đã cung cấp oxy cho vi sinh vật hiếu khí hấp thụ và lượng oxy tiêu hao trong quá trình phân hủy bùn hữu cơ vẫn đạt 9,14mg/l cao hơn 1,5 lần mức yêu cầu cao nhất là cột A1 của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt.
Về kết quả phân tích trầm tích có 17/18 chỉ tiêu đạt QCVN 43:2017/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích.
(Ảnh: Di Linh).
Cá sống bên trong khu thí điểm ở hồ Tây. (Ảnh: Di Linh).
"Tính đến thời điểm hiện tại, các loại cá thả tại khu vực thí điểm sống và sinh trưởng tốt trong môi trường nước sau khi được xử lí và không xuất hiện một con cá nào chết trong khu vực thí điểm, khác biệt hoàn toàn cảnh cá chết bên ngoài khu thí điểm", Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản cho hay.
Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản cũng đánh giá cần khoảng 80-100 máy Nano (mỗi máy xử lý được 7 hecta) đặt chìm trong lòng hồ Tây để xử lí vấn đề ô nhiễm.