Đắng lòng cảnh học sinh nửa đêm phải co ro giữ cột lều trọ

“Gió mùa này mạnh lắm, căn lều lại nằm ở bãi đất trống nên nhiều đêm, chúng em phải chia nhau ra ngồi ở bốn góc để giữ cột nhà”, đó là lời chia sẻ của Thào Thị Dương, một trong số những học sinh đang tá túc tại căn lều bạt cạnh trường tiểu học Bế Văn Đàn.

Đầu tháng 11, những cơn gió mùa khô rít lên từng tiếng, thốc mạnh vào căn lều được quây tạm bằng những tấm bạt đã bạc phếch và lỗ chỗ rách, căn lều lung lay như sắp đổ sập. Bảy học sinh của điểm trường Tiểu học Bế Văn Đàn (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) nằm cuộn tròn trên chiếc giường làm bằng thân lồ ô đập dập. Đêm qua chúng phải thức trắng để giữ cột nhà cho chắc, nên đứa nào cũng mệt mỏi mà ngủ say li bì.

Nhà cách trường học hàng chục km, những học sinh này được bố mẹ dựng cho một căn lều sát cạnh trường để thuận tiện việc học. Không điện thắp sáng, không nước sạch, chiếc lều được quây tạm bằng mấy tấm bạt, bao ly nông cũng đã rách nát tả tơi là nơi ăn, chỗ ở của 7 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3.

dang long canh hoc sinh nua dem phai co ro giu cot leu tro
Bảy học sinh điểm trường Bế Văn Đàn phải tá túc trong căn lều tạm

Sáng nay, sáu trong bảy đứa trẻ có tiết học nên phải dậy sớm. Nhưng trước khi đến trường chúng phải thay nhau mang chiếc can nhựa sang nhà người dân cạnh đó để xin nước về vệ sinh cá nhân. Không có thùng đựng nước nên mỗi lần đi xin, bọn trẻ chỉ mang về được chừng 5 lít, hết lại chạy đi lấy tiếp.

dang long canh hoc sinh nua dem phai co ro giu cot leu tro
Nước sạch cũng phải đi xin người trong xóm về sử dụng

Gương mặt ngái ngủ, tái đi vì gió lạnh, Lý Và Chưởng (học sinh lớp 3) cho biết, nhà em cách trường hơn 20km, những năm học trước bố mẹ phải thay nhau đưa đi đón về, còn nếu đi bộ cũng phải mất hơn nửa ngày mới đến được lớp. Tuy nhiên, từ đầu năm nay ba anh em được bố mẹ cho đến ở cùng các bạn trong “căn nhà” này, cứ sáng thứ 2 ra học, đến chiều thứ 6 người nhà lại ra đón về.

Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, ba anh em Chưởng (Lý Và Thanh và Lý Và Phú) trở về căn lều tự nấu ăn, giặt giũ quần áo, sau đó học bài. Gạo và thức ăn hàng tuần của các em do bố chở đến vừa đủ ăn trong tuần.

dang long canh hoc sinh nua dem phai co ro giu cot leu tro
Ban đêm phải sống trong cảnh không đèn điện…

Vài tiếng sau, đứa trẻ còn lại mới thức giấc. Sau khi vệ sinh cá nhân xong, cậu bé làm việc nhà và nấu cơm trưa. Chiếc bếp nhỏ được đặt ngay phía cuối giường, xung quanh chỉ có mấy chiếc nồi nhỏ nhỏ, cái méo mó, cái rụng quai, mất nắp nên ngoài mấy chồng sách vở, đó là tài sản quý giá nhất trong căn lều trọ học này.

Bữa cơm trưa đạm bạc với món canh rau rừng và một ít cá khô của người hàng xóm cho, tất cả được bày ra khi cả bảy đứa trẻ có mặt đầy đủ trong căn lều. Đứa nào cũng ăn ngấu nghiến vì đói.

Chưởng cho biết: “Mỗi ngày, chúng em nấu cơm 1 bữa rồi ăn cả ngày. Những hôm nào không đi học thì tất cả rủ nhau đi mót khoai lang về ăn. Ban đêm không có điện nên chúng em thường tranh thủ học bài vào buổi chiều. Ở đây được một thời gian nên chúng em đã quen khổ rồi, chứ ngày mới lên ở đứa nào cũng muốn bỏ học về nhà”.

dang long canh hoc sinh nua dem phai co ro giu cot leu tro
Những buổi không đi học, bảy đứa trẻ rủ nhau đi đào khoai, mì về ăn

Cô Nguyễn Thị Ngọc Lệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bế Văn Đàn cho biết, điểm trường Tiểu học Bế Văn Đàn là nơi theo học của học sinh của hai thôn Phú Hòa và Phú Vinh (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô). Hai thôn này hiện có khoảng gần 1.000 hộ sống rải rác, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Mường, Tày, Nùng và Cao Lan.

“Ngoài 7 học sinh đang ở trọ trong căn lều cạnh trường, còn một số em khác phải xin ở nhờ nhà người dân, những em này có may mắn hơn là được sống, ăn uống cùng chủ nhà nên cuộc sống đỡ vất vả. Một số em khác thì được bố ẹm đưa đi đón về, nhưng đường xa quá nên có em đã bỏ học để ở nhà, giáo viên phải đến vận động nhiều lần các em mới quay lại trường”, cô Lệ tâm sự.

dang long canh hoc sinh nua dem phai co ro giu cot leu tro
Những hôm gió lớn, căn lều nơi bọn trẻ ở lung lay như sắp đổ sập

18g tối, tiếng gió rít ngày càng mạnh khiến Thào Thị Dương (học sinh lớp 3) run lên vì rét. Dương bảo, mấy hôm nay gió thổi ầm ầm, căn lều chỉ được dựng tạm bằng mấy cây gỗ nhỏ nên cứ gió lớn là rung lắc, nhiều đêm mấy đứa em đang ngủ thì phải ngồi dậy để giữ chân cột vì sợ lều sập.

“Mấy thân cột này cũng là xin lại của người khác, nhiều cây mục lắm rồi anh ạ. Ban đầu căn lều này không có cửa, mấy hôm trước bố em mới chặt một ít lồ ô về làm cửa cho bọn em, nhưng chúng em chẳng đóng bao giờ”, Dương thủ thỉ.

dang long canh hoc sinh nua dem phai co ro giu cot leu tro
Việc vận động xây dựng một căn nhà kiên cố rất khó khăn do người dân còn nhiều thiếu thốn

Một lúc sau, hai chiếc đèn pin đội đầu cũng đã hết điện, không gian căn lều chỉ độc một màu đen kịt, bảy đứa trẻ leo lên giường chuẩn bị đi ngủ. Chúng tôi từ biệt ra về. Giọng Thào Thị Phượng (học sinh lớp 3) nói vọng ra, lẫn trong màn đêm đen: “Anh không phải đóng cửa đâu, để tối đèn xe máy còn hắt vào chứ chúng em sợ ma lắm”.

Ông Vũ Hoàng Phú, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, Phú Vinh và Phú Hòa là hai thôn mới thành lập của xã, đa phần người dân ở đây vẫn chưa có sổ hộ khẩu nên con em đi học không được nhận bất cứ chế độ.

Việc các học sinh phải dựng lều ở trọ địa phương cũng rất trăn trở nên đang vận động bà con nhân dân quyên góp để dựng cho các cháu một căn nhà tạm bằng tôn. Tuy nhiên, cuộc sống người dân rất khó khăn nên không biết bao giờ các em mới có căn nhà ổn định.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.