Đáng sợ: Sầu riêng \"tắm\" hóa chất chín đều sau 3 ngày

Sau khi sử dụng hóa chất  để ngâm sầu riêng, sầu riêng sẽ được cơ sở này dán nhãn hiệu Trung Quốc lên cuống, xếp vào thùng giấy có ghi chữ Trung Quốc để mang đi tiêu thụ. Chỉ 2-3 ngày sau khi nhúng hóa chất, sầu riêng sẽ chín đều.

Sử dụng hóa chất trái phép để ngâm sầu riêng

Theo tin tức trên báo Người Lao Động, chiều 31/8, đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã bắt quả tang một cơ sở thu mua trái cây tại thôn 2, xã Hòa Nam, huyện Di Linh sử dụng hóa chất trái phép để ngâm sầu riêng.

Theo kết quả điều tra ban đầu, cơ sở này hoạt động từ cuối tháng 7 và thường xuyên thu mua sầu riêng chưa chín để nhúng vào hóa chất. Sau đó, sầu riêng sẽ được dán nhãn hiệu Trung Quốc lên cuống, xếp vào thùng giấy có ghi chữ Trung Quốc để mang đi tiêu thụ. Chỉ 2-3 ngày sau khi nhúng hóa chất, sầu riêng sẽ chín đều.

Tại cơ sở nêu trên, Đội CSĐT tội phạm về môi trường - Công an huyện Di Linh đã thu giữ hơn 2 tấn sầu riêng đã bị nhúng hóa chất, 13 chai thuốc đặc trị nấm Phytophthora loại 1.000 ml, 4 chai phân bón lá cao cấp nhãn hiệu HPC-97HXN loại 500 ml/chai, nhiều can hóa chất và bao giấy có chứa bột màu vàng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn thu giữ 89 kg bao bì, nhãn mác có chữ Trung Quốc. Ông Hoàng Văn Trọng, người quản lý cơ sở thu mua sầu riêng này, cho biết đây là chi nhánh của Công ty Rồng Hoa Thái, có trụ sở chính tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Việc thương lái thu mua sầu riêng ngâm hóa chất từ lâu đã làm dấy lên mối lo ngại mất an toàn cho người tiêu dùng. Không chỉ Lâm Đồng, cách đây không lâu, Phòng CSĐT tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt quả tang cơ sở thu mua sầu riêng Sang Hương (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) đang nhúng sầu riêng vào hóa chất. Chủ cơ sở xác nhận mua sầu riêng chưa chín nhúng hóa chất để chín đều chỉ sau một đêm.

Ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, cho biết thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý những cơ sở nhúng sầu riêng vào hóa chất. Vì thế, các cơ sở này làm lén lút, chủ yếu vào ban đêm. Sắp tới, chi cục sẽ thành lập đoàn kiểm tra gắt gao chuyện này.

tin nhap 20160902061004
Sầu riêng sau khi nhúng hóa chất tại cơ sở của ông Trọng. Ảnh: VnExpress

Hóa chất thúc chín trái cây độc cỡ nào?

Báo Vietnamnet thông tin, Việt Nam chưa cho phép ủ chín trái cây bằng hóa chất. Theo các chuyên gia, việc sử dụng loại thuốc thúc chín trái cây này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người sử dụng. Việc hóa chất ngâm hoa quả có thể gây chết người là việc hoàn toàn có thể xảy ra nếu sử dụng với nồng độ lớn. Có nhiều hóa chất có thể gây tử vong, đặc biệt là nhóm bảo vệ thực vật có lân hữu cơ, nó ức chế men hô hấp khiến cơ thể không hô hấp được, gây đột quỵ và dẫn đến tử vong.

Báo Dân Trí đưa tin, theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, hiện tại, các loại thuốc thúc chín hoa quả vẫn chưa có trong danh mục thuốc được phép sử dụng của Bộ nên có thể nói việc sử dụng các loại thuốc thúc chín hoa quả như đu đủ, mít, xoài… là bất hợp pháp. Trước đó, theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT, thuốc ép chín xuất hiện trên thị trường được nông dân trồng trái cây hay sử dụng để thúc chín còn gọi là thúc tố có thành phần chủ yếu là chất ethephon, tinh thể màu trắng, rắn, tỷ lệ hòa tan rất tốt.

Phần lớn các sản phẩm bán trên thị trường hiện nay là các ống thuốc rất bé bằng ngón tay út đựng hóa chất này. Đây là chất không gây ung thư được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm D.Hoạt chất ethephon có tên thương mại là Ethrel nhưng đây cũng không phải là tên chính thức.

Khi gặp nước, ethephon chuyển thành etylen – một hoocmon thực vật giữ vai trò chính trong quá trình chín và quá trình già hóa của cây trồng và nông sản, nên khi phun vào cây, quả, ethephon xâm nhập vào tế bào, bị nước có trong tế bào phân hủy thành etylen. Căn cứ trên việc khảo sát dư lượng ethrel trong thực phẩm, viện Tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ xác định việc ethrel đi vào cơ thể qua thực phẩm là an toàn nếu liều lượng mỗi ngày không vượt quá mức cho phép 0,05mg/kg cân nặng. Với khối lượng của một người là 60kg thì lượng ethrel cho phép dung nạp hằng ngày là 3mg.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ethrel không phải là một chất “cực độc” hay “cực nguy hiểm” nhưng lại có những độc tính nhất định. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy liều gây chết dùng qua đường ăn uống là LD50 > 2.000mg/kg. Nghĩa là với liều lượng ethrel 2.000mg/kg có thể tiêu diệt 50% các loài động vật thử nghiệm trong một thời gian nhất định (thường là 4 giờ). Ethrel có hại đối với da và mắt, rất dễ kích ứng làm đỏ mắt, xót mắt, ăn mòn da, gây sưng, đỏ da.

Trong khi đó, nhiều nông dân sử dụng hóa chất tràn lan theo kiểu "truyền miệng" như hiện nay, chỉ cốt cho quả chín mà không hề biết đến hàm lượng an toàn.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Khoa Công Nghệ Sinh học, Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam nhận định: “Hiện nay, thông tin về loại hoá chất tồn tại ở thể lỏng được người nông dân sử dụng để kích chín cho hoa quả vẫn rất mù mờ. Hãng nào sản xuất? Có thật sự tinh khiết không? Những tạp chất gây độc hại khác nếu có là gì? Khuyến cáo thời gian, liều lượng sử dụng như thế nào? Thời gian từ khi dấm đến khi người tiêu dùng sử dụng bao nhiêu lâu thì an toàn?".

“Thuốc kích chín của Trung Quốc chủ yếu nhập vào Việt Nam không chính ngạch và cũng không có bất kì giấy tờ hướng dẫn nào nên có thể coi là một hình thức gian lận thương mại. Thứ hai, với các loại hoá chất này không hề được dịch hoặc có các giải thích về nguồn gốc xuất xứ dẫn đến sự lo ngại của cộng đồng là dễ hiểu.

Các cơ quan quản lý nhà nước phải sớm có biện pháp quản lý chặt chẽ về nguồn gốc cũng như thành phần hoá chất trong loại thuốc kích thích hoa quả chín nhanh có xuất xứ từ Trung Quốc để người tiêu dùng bớt đi phần nào tâm lý lo ngại thay vì hoang mang như hiện nay. Trong khi chờ đợi điều đó diễn ra, không cách nào khác, người tiêu dùng phải tự ý thức bảo vệ mình trước những nguy cơ từ các loại hoa quả được kích chín nhanh trái quy trình”, TS Ngô Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội lo ngại.

An Yên (Tổng hợp)

chọn
Cầu vượt thép Mai Dịch chờ thông xe
Cầu vượt thép Mai Dịch nằm trên nút giao Vành đai 3 - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã hoàn thành, không còn hoạt động thi công từ lâu nhưng chưa thông xe.