Nhiều người dân ở Tây Ban Nha tìm cách lách luật để ra khỏi nhà bằng cách dắt những con vật khác nhau ra đường, theo CNN.
Theo đó, trong thời gian nước này thực hiện phong tỏa toàn quốc, chính phủ Tây Ban Nha cho phép người dân được phép ra khỏi nhà nếu lý do là dắt vật nuôi đi dạo.
Ngoài loài chó, nhiều người xuất hiện tại nơi công cộng và mang theo các loài vật khác như cá, gà, thậm chí cả thú bông đồ chơi.
Tuy nhiên, cách thức này không được chấp thuận và những người cố tình làm trái vẫn đối mặt với án phạt.
Hôm 24/4, Cảnh sát Quốc gia Tây Ban Nha đăng tải trên mạng xã hội, ghi lại hình ảnh một người đàn ông ở bị lực lượng chức năng xử phạt vì đi bộ cùng một chậu thủy tinh đựng cá. Sự việc xảy ra tại Logrono, thị trấn nằm ở phía Bắc nước này.
Dù người này ra sức thanh minh, cảnh sát vẫn không chấp nhận “vật nuôi” đi kèm và khép tội vi phạm lệnh cách li tại nhà của chính phủ.
Ngày 25/3, một người dân khác ở đảo Lanzarote cũng chịu án phạt tương tự khi đang dắt bộ một con gà mái trên đường phố.
Ngày 16/3, cảnh sát nước này phải lên tiếng trên mạng xã hội, đề nghị người dân đừng cố gắng nghĩ ra những cách qua mặt lực lượng chức năng bởi chắc chắn không đem lại kết quả. Trước đó, họ xử phạt một người đàn ông đang đi dạo với một chú chó bông đồ chơi có buộc dây xích ở cổ.
Người dân Tây Ban Nha nghĩ ra nhiều cách để lách luật trong thời gian phải chôn chân tại nhà. (Ảnh: CNN).
Lần khác, cảnh sát tuần tra lại phát hiện một trường hợp người dân tại khu vực Murcia mặc bộ đồ khủng long T-Rex đi lại trên phố. Ngay lập tức, cảnh sát tiến đến và nhắc nhở, yêu cầu người này hạn chế ra khỏi nhà.
Dù kéo dài thời gian đóng cửa đất nước đến đầu tháng 5, Tây Ban Nha đã bắt đầu nới lỏng một số quy định trong lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt áp dụng từ ngày 14/3.
Chính phủ cho phép một số lĩnh vực hoạt động trở lại, bao gồm hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn phải ở nhà và chỉ được ra ngoài khi thật sự cần thiết, như mua nhu yếu phẩm.
Với hơn 20.000 ca tử vong vì virus corona chủng mới, Tây Ban Nha hiện là quốc gia đứng thứ hai trong những nước tại châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch, chỉ sau Italy.