Theo Reuters, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ghi nhận ở mức 480 - 490 USD/tấn hôm thứ Năm (13/8), tăng từ mức 470 USD của tuần trước.
Một thương nhân có trụ sở tại tỉnh An Giang cho biết thu hoạch vụ hè thu đã kết thúc và các thương lái gần đây không thể mua lúa từ Campuchia do nhiều biên giới vẫn bị đóng cửa.
"Các thương lái địa phương từng mua khoảng 1.000 tấn gạo từ Campuchia mỗi ngày", thương nhân này nói thêm.
Dữ liệu xuất khẩu sơ bộ cho thấy 161.050 tấn gạo sẽ tải ở cảng TP HCM trong tháng 8, với phần lớn gạo được chuyển đến châu Phi và Cuba.
Tuy nhiên, không có hợp đồng xuất khẩu mới nào được kí thời gian gần đây vì gạo Việt Nam hiện đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh, các thương nhân gạo khác cho biết.
Dữ liệu hải quan công bố hôm 12/8 chỉ ra Việt Nam đã xuất khẩu 479.633 tấn gạo trong tháng 7, tăng 6,5% so với tháng 6.
Luỹ kế 7 tháng đầu năm nay, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4 triệu tấn, tăng 0,6%. Giá trị xuất khẩu trong giai đoạn này cũng tăng 13,1% so với cùng kì năm 2019 lên 1,95 tỉ USD.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm cũng tăng so với tuần trước, từ 463 - 485 USD/tấn lên 465 - 500 /tấn trong tuần này vì sự đồng baht mạnh hơn so với USD.
Theo một nhà kinh doanh gạo Thái Lan: "Lo ngại về nguồn cung đã khiến giá gạo xuất khẩu cao hơn vì chúng tôi nhận thấy không có nhiều nguồn cung mới được đưa vào thị trường từ vụ trái mùa".
Tháng trước Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cảnh báo quốc gia Đông Nam Á có rủi ro rơi xuống vị trí thứ 5 về xuất khẩu gạo trong thập kỉ tới nếu quốc gia này vẫn hài lòng với hiện tại và không phát triển chiến lược gạo dài hạn về giống và cạnh tranh.
Xuất khẩu gạo Thái Lan được dự kiến sẽ tiếp tục giảm vì chính sách về gạo hiện tại của quốc gia này thiếu sự liên tục và kế hoạch phát triển dài hạn.
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - Ấn Độ, đạt 382 - 387 USD/tấn trong tuần này, tăng từ mức 380 - 385 USD của tuần trước.
"Hầu hết nhà máy xay xát gạo đang hoạt động với công suất thấp hơn do thiếu nhân lực. Kể từ khi nguồn cung bị hạn chế xuất khẩu, các thương lại đang tăng giá", một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, miền nam của bang Andhra Pradesh, cho biết.
Tại Bangladesh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Abdur Razzaque cho biết quốc gia Nam Á sẽ xem xét tác động của lũ lụt đối với lúa gạo trước khi quyết định nhập khẩu gạo.
"Hiện nay, cả nước không sợ thiếu lương thực. Quyết định nhập khẩu gạo sẽ được đưa ra nếu năng suất lúa không tốt và lũ lụt kéo dài", Bộ trưởng nói.