Giáo sư Trần Quốc Vượng – người đã được TP Hà Nội quyết định đặt tên cho con phố đẹp ngay cạnh Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của Giáo sư cho Thủ đô, đặc biệt trong các lĩnh vực Văn hóa học và Hà Nội học. Giáo sư Trần Quốc Vượng chính là người đã đặt nền móng xây dựng Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam.
GS Trần Quốc Vượng trong một lần điền dã cùng học trò. Ảnh: Tư liệu. |
Tháng 11 năm 1998, Bộ môn Lịch sử Văn hoá Việt Nam chính thức được thành lập. Sau khi có quyết định thành lập Bộ môn, Khoa Lịch sử đã mời GS Trần Quốc Vượng khi đó đang là Giám đốc Trung tâm Liên Văn hóa Lịch sử kiêm nhiệm Chủ nhiệm Bộ môn.
Năm 2004, Bộ môn Lịch sử Văn hoá Việt Nam được đổi tên thành Bộ môn Văn hoá học và năm 2009 lại được đổi thành Văn hóa học và Lịch sử Văn hoá Việt Nam.
Dù số lượng cán bộ còn rất khiêm tốn, nhưng những công việc mà Bộ môn đảm trách lại không hề nhỏ.
Hàng năm, cán bộ của Bộ môn đảm nhận dạy môn Cơ sở văn hoá Việt Nam (môn học cơ sở thuộc khối kiến thức M2 dành cho sinh viên năm thứ nhất hoặc năm thứ hai) cho tất cả các khoa thuộc trường ĐHKHXH&NV, một số khoa thuộc trường ĐHKHTN, Đại học Kinh tế, khoa Luật thuộc ĐHQGHN... Đồng thời, Bộ môn còn đào tạo sinh viên chuyên ngành Lịch sử Văn hoá Việt Nam với khoảng 5 đến 13 chuyên đề chuyên ngành. Từ năm 2014, Bộ môn cũng chính thức đào tạo Thạc sĩ Lịch sử văn hóa Việt Nam với khoảng 8 chuyên đề Sau Đại học.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đào tạo ở các bậc Đại học và Sau Đại học, Bộ môn đã trân trọng mời các các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực ở cả trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia đào tạo như GS Tô Ngọc Thanh, GS Ngô Đức Thịnh, GS Lê Hồng Lý, GS Phạm Đức Dương, GS Vũ Minh Giang, GS Nguyễn Chí Bền, GS Nguyễn Văn Kim, PGS Vũ Văn Quân, PGS Nguyễn Thị Minh Thái…
Ở bậc cơ sở, Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hoá Việt Nam đảm nhiệm giảng dạy môn Cơ sở Văn hoá Việt Nam cho sinh viên trong toàn ĐHQGHN (trừ trường ĐH Ngoại ngữ), trung bình khoảng 30-40 lớp, tương đương với khoảng 3000 sinh viên/ năm học
Đào tạo cử nhân chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam, Bộ môn đã nhanh chóng xây dựng hệ thống các chuyên đề phủ rộng các vấn đề của chuyên ngành, từ các vấn đề chung như Lý thuyết, Phương pháp tiếp cận, Tiếp xúc và giao lưu, Nhân học văn hóa, Xã hội học văn hóa… đến các vấn đề cụ thể như Văn hóa làng xã, Văn hóa đô thị, Tôn giáo, Tín ngưỡng, Lễ hội, Kiến trúc, Âm nhạc, Văn hóa dân gian, Văn hóa ẩm thực… Từ sức hấp dẫn của chuyên ngành đào tạo cũng như từ nhu cầu của thực tiễn xã hội, số lượng sinh viên theo học chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam liên tục tăng đều, đặc biệt trong 5 năm gần đây.
Tính đến nay, Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam đã đào tạo được 20 khóa sinh viên chuyên ngành (từ khóa 41 tốt nghiệp năm 2000 đến khóa 60 hiện nay) với khoảng 400 sinh viên tốt nghiệp. Nhiều người trong đó tiếp tục theo hướng ngành được đào tạo, trở thành những nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà quản lý ở các cơ quan văn hóa của nhà nước ở các cấp…;
Nhưng cũng có rất nhiều cựu sinh viên rẽ ngang, tuy không theo hướng ngành đã được đào tạo nhưng vẫn nỗ lực xây dựng sự nghiệp và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Chính năng lực làm việc của các cựu sinh viên là thước đo, kiểm định chất lượng đào tạo của Bộ môn, đồng thời sự trưởng thành, thành công của các bạn trong công việc đã tạo nên “sức hút” của Bộ môn, là nguồn động viên to lớn, niềm tự hào của Bộ môn, của Khoa và của Nhà trường.
Các thành viên của Bộ môn Văn hoá học và Lịch sử Văn hoá VN. Ảnh: Hoài Phương |
Từ năm 2014, Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam được giao nhiệm vụ đào tạo Thạc sĩ Lịch sử văn hóa Việt Nam. Tiếp nối, nâng cao từ chương trình đào tạo cử nhân, Bộ môn tiếp tục xây dựng hệ thống các chuyên đề ở bậc Sau Đại học, cũng từ những vấn đề chung như Văn hóa và phát triển bền vững, Tính thống nhất và đa dạng của văn hóa Việt Nam, Quá trình hội nhập và hiện đại hóa văn hóa, Quan hệ kinh tế - văn hóa - xã hội giữa nông thôn và đô thị trong lịch sử văn hóa Việt Nam… đến các vấn đề cụ thể như Văn hóa Trung Bộ và Nam Bộ, Văn hóa Chămpa, Kiến trúc, Lễ hội, Gia đình và giới… Đến nay, Bộ môn đã đào tạo được 5 khóa, 13 học viên đã bảo vệ thành công luận văn và nhận bằng Thạc sĩ Lịch sử văn hóa Việt Nam.
Đặc biệt, sau gần 2 năm xây dựng Đề án, vào những ngày cuối năm 2018, ĐHQGHN đã ra quyết định ban hành chương trình và giao nhiệm vụ đào tạo Thạc sĩ Quản lý văn hóa cho Trường ĐHKHXH&NV, dự kiến tuyển sinh từ năm 2019; trong đó Khoa Lịch sử mà bộ môn Văn hóa học và Lịch sử Văn hóa Việt Nam là lực lượng chủ công trong chương trình đào tạo này. Đây chắc chắn sẽ là một cơ hội lớn không chỉ cho Bộ môn, mà cả cho Khoa, cho Trường để có thể phục vụ hiệu quả những yêu cầu ngày càng cao và hết sức bức thiết của xã hội.
Trong 20 năm xây dựng và trưởng thành, Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam đã liên tục là tập thể lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc, nhiều năm được nhận Giấy khen của Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV (2010, 2012, 2016, 2017), Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN (2013), Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018).
Các cán bộ của Bộ môn đã được nhận nhiều giải thưởng cao quý, như GS Trần Quốc Vượng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 với cụm công trình Văn hóa Việt Nam: truyền thống và hiện đại (gồm 3 cuốn sách: Việt Nam cái nhìn địa văn hóa, Trên mảnh đất ngàn năm văn vật, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm).
Năm 2016, Thành phố Hà Nội đã quyết định chọn con phố đẹp ngay cạnh ĐHQGHN đặt tên phố Trần Quốc Vượng, tôn vinh những đóng góp to lớn của Giáo sư cho Thủ đô, đặc biệt trong các lĩnh vực Văn hóa học và Hà Nội học. PGS Nguyễn Hải Kế được nhận Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (năm 2008) và giải thưởng KHCN của ĐHQGHN trong 5 năm (2011-2015) với công trình Nguyễn Hải Kế với lịch sử và văn hóa Việt Nam. GS Nguyễn Quang Ngọc được tặng Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc (năm 2014).
Trên nền tảng những kết quả của hoạt động đào tạo Cử nhân và Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam trong thời gian đã qua, cùng với nhiệm vụ tham gia đào tạo Thạc sĩ Quản lý văn hóa trong thời gian tới, và xây dựng Đề án mở ngành Văn hóa học mà mục tiêu cao nhất là năm 2020 có thể tuyển sinh khóa đầu tiên, cơ hội và thách thức đặt ra cho Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam rất nhiều, nhưng đó cũng là hướng đi, là động lực cho sự phát triển của Bộ môn, Khoa và Nhà trường, để nơi đây thực sự trở thành một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về văn hóa, như ước nguyện của cố GS Trần Quốc Vượng, người xây nền đắp móng cho Bộ môn, người Thầy đã khơi ngọn lửa đam mê cho các thế hệ giảng viên và sinh viên ngành Văn hóa học.
Chi tiết số tiết học của từng cấp trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh lớp 1, 2 học ít nhất với 875 tiết, học sinh lớp 4, 5 học ... |
Học sinh THPT được giảm hơn 300 giờ học trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT công bố chiều 27/12, học sinh cấp THPT sẽ được giảm tải hơn 300 ... |
Môn Giáo dục công dân sẽ được đưa vào xét tuyển Đại học 2019
Năm 2019, các trường đại học thực sự được tự chủ một cách toàn diện, nắm bắt cơ hội này nhiều trường đại học đã ... |
Bộ trưởng Giáo dục Ý đề nghị nghỉ Noel giao ít bài tập về nhà
Bộ trưởng Giáo dục Italy Marco Bussetti nói với các giáo viên rằng kỳ nghỉ lễ là thời gian dành cho gia đình. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đưa VĐV quốc gia đi tranh huy chương giải sinh viên
Nhiều VĐV đội tuyển quốc gia tham dự Asiad, SEA Games lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo chiêu mộ đi thi Đại hội ... |