Sau nhiều lần lỡ hẹn về việc đấu giá biển số ô tô, trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Mậu Tuất 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương trình Chính phủ phương án đấu giá biển số xe trước ngày 15-3.
Tạo nguồn thu ngân sách
Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông thuộc Cục CSGT (Bộ Công an) - cho biết chủ trương đấu giá biển số xe đã được đặt ra nhiều lần và thí điểm tại Nghệ An, Hải Phòng từ năm 2008. Qua thí điểm đấu giá cho thấy số tiền thu về cho ngân sách rất lớn. Đơn cử, một biển số "tứ quý" 9 ở Nghệ An từng được bán với giá 700 triệu đồng.
Tuy nhiên, do vướng thủ tục pháp lý, sau thời gian ngắn thí điểm, việc đấu giá biển số xe đã phải dừng lại. Đến đầu tháng 3-2017, Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng đề án đấu giá biển số xe. Mới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an đang khẩn trương hoàn chỉnh đề án để kịp trình Chính phủ xem xét vào tháng 3 tới.
Các biển số có hai số cuối như 68, 86 (lộc phát, phát lộc) được quan niệm là đẹp |
Theo quan điểm của Bộ Công an, việc triển khai đề án đấu giá biển số xe là chủ trương đúng đắn, cần phải quyết tâm thực hiện. Hiện nay, việc đăng ký, cấp biển số xe được thực hiện theo hình thức bấm số ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký, quản lý xe. Dữ liệu đăng ký xe được quản lý thống nhất, tập trung tại Bộ Công an, kết nối với các điểm đăng ký xe của công an các tỉnh, thành.
Dù chọn ngẫu nhiên biển số xe qua máy tính nhưng hệ thống vẫn do con người điều khiển nên không tránh khỏi bị người dân nghi ngờ có tiêu cực. "Do đó, đối với các biển số xe đẹp, nên thực hiện đấu giá để công khai, minh bạch" - đại tá Trần Sơn nói.
Theo ông Sơn, việc đấu giá biển số xe góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Từ nguồn thu này có thể sử dụng vào việc làm từ thiện, xây dựng công trình công ích...
Tránh đầu cơ, trục lợi
Nói tới việc đấu giá biển số xe, người ta nghĩ ngay đó là biển số đẹp. Dù vậy, pháp luật hiện hành chưa định nghĩa thế nào là "biển số xe đẹp". Đặt ra băn khoăn này, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp, góp ý trong dự thảo đề án là cần làm rõ khái niệm biển số xe đẹp.
Đại tá Trần Sơn cho rằng biển số xe đẹp được xác định đa dạng, tùy theo quan niệm của số đông và sở thích mỗi người. Vướng mắc lớn nhất ở đây là quy định pháp luật liên quan đến quyền sở hữu biển số xe. Hiện nay, biển số xe chỉ được xem như một công cụ quản lý phương tiện nên cần thay đổi các quy định liên quan để xem biển số xe đẹp là tài sản.
Đại tá Sơn cho rằng trong trường hợp xem biển số xe là tài sản thì phải bảo đảm được 3 quyền: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Thực tế này đặt ra nhiều vấn đề về việc chủ sở hữu có thể cho tặng, chuyển nhượng biển số xe sau khi đã đấu giá thành công.
Về phía Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Mai cũng cho biết nhiều người đã đặt câu hỏi: Biển số xe là tài sản hay công cụ quản lý của nhà nước? Theo bà Mai, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Công an để tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tiến tới hoàn thiện cơ chế đấu giá biển số xe.
Liên quan đến những băn khoăn về quyền sở hữu của người dân, khi đã mua biển số xe qua đấu giá thì họ có quyền định đoạt, mua đi bán lại hay không, luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng biển số xe không chỉ là tài sản mà còn là công cụ điều tiết quản lý nhà nước. Vì thế, cơ sở pháp lý để thực hiện việc đấu giá biển số xe cần phải rất chặt chẽ nhằm tránh việc đầu cơ, chuyển nhượng lòng vòng trục lợi.
Trước sự lo ngại về việc biển số xe sau khi đấu giá thành công sẽ được cho tặng, chuyển nhượng, gây khó khăn về quản lý, một cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đề xuất cần phải có cơ chế xác định biển số là tài sản nhưng chủ xe chỉ có quyền sử dụng và phải thực hiện theo nguyên tắc quản lý phương tiện mà pháp luật đã quy định. Theo đó, mỗi biển số chỉ gắn với 1 xe (có số khung, số máy). Khi chủ xe muốn chuyển nhượng biển số thì sẽ phải làm thủ tục chuyển nhượng cùng với xe theo quy định.
Thí điểm tại 5 thành phố Dự kiến sau khi trình và được Chính phủ thông qua, Bộ Công an sẽ triển khai thí điểm đề án tại 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Ngoài ra, nếu tỉnh, thành nào đề nghị và đủ điều kiện thì cũng sẽ cho thí điểm. Việc đấu giá sẽ diễn ra công khai, trực tuyến. Sau một thời gian, Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá, hoàn thiện cơ chế, báo cáo Chính phủ để thực hiện trên cả nước. |
Dòng người kẹt cứng, chen chân 'vay tiền' ở Đền Bà Chúa Kho đầu năm mới
Với quan niệm “đầu năm đi vay - cuối năm đi trả”, ngay những ngày đầu năm mới, hàng vạn du khách đã đổ về ... |