Đấu tranh để khai nhận hối lộ hàng triệu USD là thử thách lớn trong điều tra

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết như vậy tại phiên họp sáng 4/9 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
  - Ảnh 1.

Thượng tướng Lê Quý Vương. (Ảnh: Quochoi.vn)

Khai nhận hối lộ hàng triệu USD: Chưa từng có

Giải trình một số vấn đề các đại biểu nêu về việc báo cáo công tác phòng chống tội phạm của Chính phủ nhập chung tội phạm về tham nhũng với tội phạm kinh tế, buôn lậu, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết tham nhũng hay lẩn vào các vụ án kinh tế vì có vi phạm về kinh tế mới ra tham nhũng được. Vì vậy, tội phạm kinh tế và tham nhũng thường gắn với nhau.

Liên quan tới ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng nhiều vụ án lớn chưa phát hiện hành vi tham nhũng, ông Vương bày tỏ sự đồng tình và giải thích, trong án tham nhũng thì hành vi tham ô còn dễ phát hiện vì liên quan đến sổ sách, rồi lấy tiền ra chia nhau. Còn chuyện đưa, nhận hối lộ thì việc điều tra rất khó khăn.

Dẫn việc cơ quan điều tra vừa ra kết luận điều tra vụ Mobifone mua cổ phần AVG, ông Vương cho rằng, lực lượng điều tra hết sức cố gắng mới tra ra được vì xung quanh chuyện đưa tiền hối lộ này chỉ có người đưa, người nhận. "Chỉ anh biết, tôi biết, trời biết ngoài ra không ai biết cả, nên rất khó", ông Vương nói.

Trong vụ việc này ngoài tài liệu, đấu tranh thì các đối tượng được xem là đã khai báo thành thật. "Nhưng cũng phải nói là các đối tượng rất thành khẩn chứ nếu không cũng khó", ông Vương nói.

Liên quan tới đấu tranh chống tội phạm tham nhũng - nhất là hành vi tham nhũng vặt - ông Vương cũng khẳng định gọi là tham nhũng vặt nhưng không "vặt". "Vụ mấy cán bộ thanh tra, một ngày xuống (địa phương) là kiếm mấy tỉ rồi. Một ngày hẹn 40 chục xã và công ty đến, nhận phong bì cứ thế cho vào tủ thôi. Rất đơn giản. Không phải vặt", ông Vương nói thêm.

Trao đổi sau đó về ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng cho biết, gần đây mới có chuyện đối tượng khai nhận hối lộ cả triệu đô la chứ trước đây không có.

"Đúng là việc này chỉ có 2 người biết thôi, chứng cứ thì chủ yếu từ miệng nên việc vận dụng đấu tranh để họ thừa nhận nhận tiền triệu đô la Mỹ là không đơn giản chút nào", ông Trí nói và cho biết, ngay từ đầu "sờ" vào vụ việc đã rất khó khăn.

"Mời ông bộ trưởng, ủy viên T.Ư vào trại giam là rất khó khăn. Nhiều người nói tôi đừng bắt. Nhưng không bắt thì không làm được", ông Trí nói và khẳng định, riêng chuyện bị can khai nhận triệu đô là nỗ lực rất lớn của các cơ quan tố tụng và rất cần sự chia sẻ vì án tham nhũng rất khó. "Án ma túy thì còn dễ hơn vì có địch, có ta còn án tham nhũng thì trong nội bộ khó hơn nhiều" - ông Trí nói thêm.

Trao trả gần 400 người liên quan vụ đánh bạc ngàn tỉ cho Trung Quốc

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị lãnh đạo Bộ Công an thông tin thêm việc trao trả gần 400 người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật đã được thực hiện theo quy định nào?

Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết qua nguồn tin và công tác trinh sát, lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện trong tháng 5-2019, tại khu đô thị Our City của Hải Phòng có một số lượng lớn đối tượng cư trú.

Đặc biệt, số đối tượng này thuê đường truyền truy cập internet với lưu lượng đặc biệt lớn, có thời điểm lên tới gần 1.000GB/ngày, truy cập hơn 100 website quản lý và 99 trang người chơi đánh bạc, xổ số cá cược thể thao trong giao diện bằng tiếng Trung Quốc.

Trong đó, máy chủ chủ yếu đặt tại Trung Quốc, Mỹ, Hong Kong, Đài Loan…

Chuyên án đặc biệt đã được Bộ Công an phối hợp với Công an TP Hải Phòng lập, có trao đổi, hợp tác với Bộ Công an Trung Quốc và biết được họ cũng đang điều tra các đối tượng này.

Sau khi xác định rõ hành vi đánh bạc, lực lượng điều tra đã tổ chức bắt quả tang các đối tượng, thu giữ trên 500 máy tính đặc chủng, điện thoại di động, nhiều tiền Việt Nam và USD.

Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định sở dĩ Việt Nam trao trả số đối tượng này cho phía Trung Quốc vì trước hết nhóm đối tượng này liên quan đến phía Trung Quốc.

Giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký thỏa thuận giữa hai Bộ trưởng Công an về hợp tác công tác phòng chống tội phạm, nên tất cả các đối tượng về kinh tế, hình sự, ma túy trong mấy năm vừa qua chúng ta thường xuyên phối hợp với Công an Trung Quốc.

Trong tổng số 395 đối tượng bị bắt giữ, không phải tất cả đều tham gia đánh bạc. Chỉ có hàng chục đối tượng mang theo máy tính, chủ yếu sử dụng địa bàn Việt Nam và thuê đường truyền để tổ chức đánh bạc ở Trung Quốc và thiệt hại phía Trung Quốc chứ không có gì thiệt hại ở Việt Nam.

Toàn bộ máy móc này muốn chơi đánh bạc được thì phải thành thạo tiếng Trung Quốc.

"Khó khăn đặt ra cho cơ quan điều tra Công an Hải Phòng là một lúc bắt giữ 395 trường hợp, lấy đâu ra phiên dịch để khai thác các đối tượng?

Trong khi đối tượng giả vờ không biết tiếng, hết sức khó khăn. Chúng tôi phải huy động cả lớp tiếng Trung của trường công an và các phiên dịch xuống phiên dịch. Toàn bộ máy móc thao tác bằng tiếng Trung Quốc hết.

Trước đây cũng bắt vụ tương tự như thế của Đài Loan, phải mời cảnh sát Trung Quốc tới mới mở được máy vì toàn bộ thao tác bằng tiếng Trung Quốc. Việc trao trả trên cơ sở là không gây thiệt hại cho Việt Nam" - tướng Vương lý giải.

Cho đến nay, Trung Quốc phản hồi là trong 395 đối tượng, Trung Quốc tạm giữ 384 trường hợp để phân tích, điều tra. 

Theo yêu cầu, chúng ta bàn giao nhưng tất cả vấn đề gì có liên quan tới gây án, liên quan tới thiệt hại Việt Nam thì Trung Quốc phải trả lời, thông báo kết quả.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.