Đầu tư hạ tầng giao thông đón đầu sân bay Long Thành - Bài 2: Còn thiếu đồng bộ

Thời gian qua, hạ tầng giao thông kết nối trong khu vực Đông Nam bộ được đầu tư mạnh mẽ, với nhiều công trình trọng điểm mang tính liên kết vùng. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương trong khu vực khiến hạ tầng giao thông quá tải, công trình đầu tư không theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Dự kiến năm 2025, Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) đưa vào khai thác, sẽ tạo áp lực không nhỏ cho giao thông khu vực, nhất là cửa ngõ TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Cửa ngõ kết nối ùn ứ

Tại cuộc họp ngày 1/11 về dự án sân bay Long Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của khu vực và cả nước, được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để triển khai. Do đó, phải tìm mọi giải pháp để rút ngắn thời gian, đảm bảo tiến độ từng công trình, hạng mục với mục tiêu chung hoàn thành dự án vào đầu năm 2025.

Mục tiêu hoàn thành, đưa toàn bộ công trình sân bay Long Thành vào sử dụng trong 6 tháng đầu năm 2025 không còn xa. Dù vậy, các dự án hạ tầng giao thông kết nối với sân bay hiện triển khai khá chậm. Hiện nay, khu vực Đông Nam Bộ mới có tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây được đưa vào khai thác nhưng đã quá tải nghiêm trọng, nhất là dịp cao điểm lễ, Tết cũng như các ngày cuối tuần. 

Sự ùn tắc này cũng gây ảnh hưởng đến các tuyến giao thông khác trong khu vực nhất là tại thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), phà Cát Lái (nối thành phố Thủ Đức và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).

Gần đây nhất là dịp nghỉ lễ 30/4 năm 2021, giao thông khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh kết nối với Đồng Nai "tê liệt" nhiều giờ liên tiếp. Cao tốc TP Hồ Chí Minh bị ùn tắc khiến các tuyến đường như Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Xa lộ Hà Nội (TP Hồ Chí Minh) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong khi đó, phà Cát Lái cũng bị dồn ứ, người dân đi xe máy phải nhích từng chút suốt quãng đường gần 5 km để vào phà Cát Lái.

Đầu tư hạ tầng giao thông đón đầu sân bay Long Thành -  Bài 2: Còn thiếu đồng bộ - Ảnh 1.

Phối cảnh dự kiến sân bay Long Thành. (Ảnh: TTXVN).

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải), lưu lượng trung bình đoạn đầu tuyến Long Phước – Quốc lộ 51 là 52.414 PCU/ngày đêm, ngày lễ tết, cuối tuần lưu lượng đạt gần 57.000 PCU/ngày đêm. Trong đó, với quy mô hiện tại của cao tốc chỉ đáp ứng được khoảng 44.000 PCU/ngày đêm. Do đó từ cuối năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo nghiên cứu mở rộng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.

Quy mô hiện nay của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây không đáp ứng nhu cầu vận tải hiện tại cũng như trong tương lai, do đó Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất, cần sớm đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này, đáp ứng được nhu cầu lưu thông trên tuyến, đồng bộ với sân bay Long Thành khi đi vào khai thác, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đưa vào sử dụng năm 2015, khoảng 2 năm qua, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt là ngày cuối tuần, lễ, Tết. UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Chính phủ sớm mở rộng cao tốc. Đây là vấn đề cấp bách, nếu cao tốc không sớm được mở rộng, tới đây khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động thì vấn nạn ách tắc giao thông càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư cũng như quá trình phát triển của tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.

Ngoài mở rộng cao tốc trên, ngày 26/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 95/2019/QH14 thông qua một số nội dung chủ yếu của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; trong đó bổ sung hai tuyến giao thông đường bộ kết nối vào dự án. Tuyến số 1 nối với Quốc lộ 51; tuyến số 2 nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. 

Cùng với đó, giao Chính phủ nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối khu vực sân bay Long Thành với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng bộ với từng giai đoạn đầu tư theo định hướng trở thành cảng hàng không trung chuyển của khu vực và quốc tế.

Cần ưu tiên đầu tư hoàn thành khép kín một số tuyến giao thông

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, khu vực Đông Nam bộ có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua vùng này đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế như xu hướng tăng trưởng chậm lại, kết cấu hạ tầng không đồng bộ, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông. 

Để phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025, ngành giao thông vận tải cần ưu tiên đầu tư hoàn thành khép kín một số tuyến giao thông liên vùng quan trọng như Vành đai 3, Vành đai 4. Song song đó là mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Ngày 10/8 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có ý kiến về hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, có kiến nghị về việc phân chia dự án thành phần, khái toán tổng mức đầu tư và thống nhất giao cho UBND TP Hồ Chí Minh làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư đường Vành đai 3.

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đang tổng hợp ý kiến góp ý của các tỉnh có dự án đi qua và phối hợp các sở, ngành liên quan tổng hợp báo cáo UBND thành phố hoàn tất thủ tục liên quan, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Trong tháng 7/2021, tỉnh Đồng Nai cũng đã họp bàn việc đầu tư hai dự án đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, đoạn qua địa bàn Đồng Nai. Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, đường Vành đai 3, đoạn qua huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai gồm 2 dự án thành phần 1A và 2A.

Đối với dự án thành phần 1A có chiều dài 6,3 km do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện, hiện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang tổ chức lập thiết kế kỹ thuật, dự kiến quý IV/2021 khởi công. Việc giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 do tỉnh Đồng Nai thực hiện; chính quyền địa phương đang phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định chủ trương đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng với tổng vốn hơn 650 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2A có chiều dài 5 km, tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 840 tỷ đồng. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Trung ương kéo dài dự án thành phần 2A thêm 2,3km, đoạn kết nối từ cao tốc Bến Lức – Long Thành đến đường vào Khu công nghiệp Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch). Từ đó, dự án thành phần 2A kết nối trực tiếp với khu công nghiệp và hệ thống cảng biển nhóm 5, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay, hệ thống giao thông ở Đồng Nai đã quá tải, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc xây dựng đường Vành đai 3 là vấn đề cấp bách và có nhiều ý nghĩa đối với Đồng Nai. Điều này giúp kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn khu vực.

Một dự án cao tốc quan trọng khác được kỳ vọng gỡ bài toán giao thông trong vùng là cao tốc Bến Lức – Long Thành, cũng đang chậm tiến độ. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, hiệp định vay vốn hết thời hạn nên dự án chậm tiến độ.

Với dự án mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, hiện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã hoàn tất báo cáo tiền khả thi và trình Bộ giao thông Vận tải. Phạm vi đoạn đề xuất đầu tư mở rộng với điểm đầu tại vị trí sau nút giao An Phú, thành phố Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh và điểm cuối tại vị trí giao dự kiến với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự kiến dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025, chiều dài đoạn mở rộng khoảng 23,76 km, mức đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh là khoảng 16.380 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, việc hoàn thành đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, phát huy hiệu quả dự án kết nối khu vực Đông Nam Bộ. Hoàn thiện, kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến cao tốc, quốc lộ sẽ giúp giải tỏa ách tắc giao thông trong khu vực.

Bài cuối: Động lực kết nối vùng

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.