Minh họa: Khều. |
Doanh nghiệp “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Qua công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã “chỉ mặt” hàng loạt dấu hiệu buông lỏng quản lý, dẫn đến thất thoát tài sản thông qua việc duyệt quỹ đất đối ứng cho các doanh nghiệp thực hiện dự án BT.
Đơn cử, đến thời điểm thanh tra, chỉ có 1 trong tổng số 15 dự án được đầu tư theo hợp đồng BT thuộc các lĩnh vực được lựa chọn theo hình thức đấu thầu, các dự án còn lại đều thực hiện bằng chỉ định thầu.
Khi lựa chọn chủ đầu tư các dự án BT, năng lực tài chính của doanh nghiệp để triển khai dự án đúng tiến độ luôn được xem là điều kiện quan trọng, nhưng việc này không được Hà Nội thực hiện nghiêm túc, dẫn đến ký hợp đồng đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính…
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT phân tích, đối với các dự án BT, thông thường, chính quyền địa phương phải đứng ở vị trí người ra đề bài cho doanh nghiệp tham gia đấu thầu để lựa chọn đối tác phù hợp, nhưng ở Hà Nội, vai trò ra đề bài chưa được thực hiện đầy đủ.
“Khi dự án BT do doanh nghiệp tự lập dự án, dự toán trình thành phố phê duyệt, sau đó lại tự lựa chọn nhà thầu thi công nên việc đội vốn là điều đương nhiên. Nói cách khác, khi chính sách đang bị dẫn dắt bởi lợi ích tư nhân thì doanh nghiệp chỉ đề cao lợi ích kinh tế, họ sẽ không quan tâm đến lợi ích cộng đồng khác…”, giáo sư Võ nói.
Để xảy ra vi phạm ở hàng loạt dự án BT vừa qua, ông Võ cho rằng, Hà Nội chưa thực hiện nghiêm túc công tác giám sát hợp đồng BT trên địa bàn. Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát là Sở Kế hoạch & Đầu tư chưa xây dựng được cơ chế kiểm tra rõ ràng, đặc biệt là cơ chế kiểm tra đối với các dự án thuộc chuyên ngành khác như TN&MT, GTVT…, khi thanh tra và kiểm toán vào thì đụng đâu, sai phạm đấy.
Một “lỗ hổng” nữa được coi là nguyên nhân dẫn đến thất thoát đất đối ứng được ông Võ nêu ra, đó là công thức xác định giá đất thời điểm giao đất. “Xung quanh việc định giá đất còn có rất nhiều vấn đề phải bàn đến, vì ứng với mỗi loại đất lại được định giá trị khác nhau. Nếu chủ đầu tư xây dựng một con đường, rồi lấy quỹ đất đối ứng hai bên đường thì giá đất phải được xét duyệt sau khi hình thành con đường mới đảm bảo được tối đa giá trị, nhưng nguyên tắc này rất ít khi được thực hiện…”, ông Võ phân tích.
Mới đây, việc một chủ đầu tư được đề xuất đổi hơn 500 ha đất đối ứng để triển khai dự án Đường Vành đai II có giá trị gần 8.500 tỷ đã khiến dư luận đặt dấu hỏi về giá trị đất được duyệt trả cho doanh nghiệp.
Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường vành đai II nối cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở theo hình thức BT, gồm 2 dự án thành phần: Xây dựng tuyến đường trên cao và mở rộng theo quy hoạch phần đi dưới thấp từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng.
Trong đó, dự án thành phần trên cao đã được UBND thành phố Hà Nội tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là một tập đoàn lớn thông qua quy trình chỉ định thầu và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư.
Để triển khai dự án trên, văn bản của Bộ KH&ĐT cho biết, thành phố Hà Nội sẽ dành tổng cộng trên 500 ha đất, bao gồm: 96 ha đất trong quy hoạch chi tiết khu đô thị Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, 130 ha đất nằm trong quy hoạch phân khu đô thị S1 (huyện Đan Phượng) và 291 ha đất ngoài đê sông Đuống (huyện Gia Lâm).
Trong khi đó, cùng thời điểm, trong văn bản gửi Bộ KH&ĐT, TPHCM đề nghị cho triển khai Dự án cầu Thủ Thiêm 4 với tổng mức đầu tư hơn 5.253 tỷ đồng theo hình thức BT. Tuy nhiên, quỹ đất TPHCM dự kiến dành thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án này chỉ có 16 lô nhà trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các quận trung tâm thành phố, tương ứng 12ha (120.000m2).
Chủ đầu tư Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương (Hà Nội) bị kết luận không đủ năng lực tài chính khi triển khai dự án. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Chỉ định thầu, thất thoát là đương nhiên
Nhận định về những sai phạm trong các dự án BT trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, giáo sư Võ cho rằng, việc Hà Nội lựa chọn doanh nhiệp thực hiện dự án bằng chỉ định thầu đã làm suy giảm tính cạnh tranh. Trong khi đó, quỹ đất đối ứng trả cho doanh nghiệp thường lớn hơn thực tế dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Theo ông Võ, kết luận của TTCP đã chỉ rõ, có đến 14/15 dự án BT lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ định thầu thay vì tổ chức đấu thầu công khai thì đương nhiên sẽ dẫn đến sai phạm trong phê duyệt dự án, trong hoạt động giám sát hợp đồng.
Việc ký hợp đồng BT chỉ còn là thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp. “Chỉ định thầu là mầm mống dẫn đến thất thoát và tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Giá trị hợp đồng và các điều khoản đối ứng lúc ấy sẽ nằm trong tay một số cán bộ nhà nước và doanh nghiệp, nên dễ dẫn đến sai sót gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng…”, ông Võ cho biết.
Ông Võ cho rằng, tất cả những vi phạm tại các dự án BT vừa được TTCP chỉ ra đã phản ánh rõ tình trạng buông lỏng quản lý đối với các dự án trên địa bàn Hà Nội suốt một thời gian dài.
Nhiều nhà đầu tư đã bị “chỉ mặt” không đủ năng lực về tài chính nhưng vẫn được chọn ký hợp đồng như: Công ty CP Tasco dù năng lực tài chính hạn chế vẫn được lựa chọn để thực hiện dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; Chủ dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An - Công ty Bitexco; Chủ dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ.
Trong khi thực hiện hợp đồng BT, một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT được UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt chưa chính xác, chưa đúng chế độ quy định làm tăng tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định tiền sử dụng đất.
Ở nội dung này, TTCP chỉ ra hàng loạt sai phạm dẫn đến tăng vốn đầu tư từ 10 tỷ đến trên 1.000 tỷ đồng như dự án nhà máy nước Yên Sở được khởi công xây dựng khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng và thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở KHCN Hà Nội, chưa cho phê duyệt dự án đầu tư.
Dự án đường trục phía Nam, tỉnh Hà Tây cũ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư của dự án BT là chưa có cơ sở, dẫn đến việc xác định giá trị tổng mức đầu tư để ký hợp đồng dự án tăng sai thêm 920 ty đồng, gây ảnh hưởng lớn đến việc xác định giá trị để giao đất của các dự án đối ứng BT.
Dự án nút giao thông Long Biên, TTCP chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đâu tư làm tăng giá trị trên 34 tỷ đồng.
“Chỉ định thầu là mầm mống dẫn đến thất thoát và tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Giá trị hợp đồng và các điều khoản đối ứng lúc ấy sẽ nằm trong tay một số cán bộ nhà nước và doanh nghiệp, nên dễ dẫn đến sai sót gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng…”
Ông Đặng Hùng Võ |
Theo ý kiến của một chuyên gia kinh tế, với lỗ hổng pháp lý và cách làm hiện nay, nếu để doanh nghiệp tự đề xuất - tự triển khai dự án BT, nhà đầu tư có thể “ăn 4 bước”: Lần đầu là đẩy tổng mức đầu tư dự án lên cao để nâng chi phí đầu tư; Lần hai là “ăn” phần trăm từ các nhà thầu do chủ đầu tư BT tự chỉ định; Lần ba là đẩy chi phí đầu tư hạ tầng khu đất dự kiến đổi lấy hạ tầng để được giảm trừ vào tiền sử dụng đất; Lần bốn là giá đất được tính khi chưa có hạ tầng, nên giá đất thường được tính ở mức rất thấp. Việc để doanh nghiệp “tự tung, tự tác” lập dự án, thuê đơn vị thi công, thiết kế, trong khi vai trò giám sát của chính quyền địa phương và các sở, ngành mờ nhạt là nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư đội lên nhiều lần, việc này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm được nhiều héc ta đất đối ứng ở vị trí đắc địa.
Làm việc với PV Tiền Phong, ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, sau khi có kết luận của TTCP, Thành phố đã giao các Sở: KH&ĐT, TN&MT, Tài chính…, và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, đánh giá về từng nội dung cụ thể do đơn vị phụ trách, đề xuất hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân có khuyết điểm. Theo lời ông Tuấn, đến thời điểm này chưa thể xác định rõ trách nhiệm cụ thể của các tập thể, cá nhân liên quan do phải chờ liên ngành tổng hợp và báo cáo. |
BOT Cai Lậy sắp thu phí trở lại, giảm giá vé qua trạm
Trạm BOT Cai Lậy sẽ tiến hành thu phí trở lại trong tháng 10, giá vé qua trạm cũng được điều chỉnh giảm xuống và ... |