Đầu tư vào cơ sở hạ tầng: Trung Quốc tiến xa, Mỹ chỉ vừa chập chững những bước đầu

Tổng thống Biden chỉ vừa công bố đề xuất đầu tư vào cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD cách đây ba ngày, trong khi Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch siêu to khổng lồ tương tự từ vài năm trước.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng: Trung Quốc tiến xa, Mỹ chỉ vừa chập chững những bước đầu - Ảnh 1.

Trong giai đoạn tranh cử tổng thống Mỹ, ông Biden từng đưa ra lời cam kết "Build Back Better", nội dung có phần tương tự đề xuất đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới mà ông công bố hôm 1/3. (Ảnh: MSNBC/Getty Images).

Hôm 31/3, Tổng thống Joe Biden đã công bố đề xuất đầu tư vào cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD, không lâu sau khi thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD.

Theo ông Biden, gói đầu tư này sẽ được phân bổ trong vòng 8 năm. Dự kiến chính phủ Mỹ sẽ tăng thuế thu nhập doanh nghiệp lũy tiến cao nhất từ 21% hiện nay lên 28% để có ngân sách cho kế hoạch mới.

Theo Bloomberg, ông chủ Nhà Trắng ca ngợi đề xuất 2.000 tỷ là gói đầu tư lịch sử của chính phủ liên bang, có thể giúp Mỹ vươn lên thống trị cuộc đua công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chậm chân hơn so với chiến dịch nâng cấp cơ sở hạ tầng khổng lồ mà Trung Quốc đã và đang triển khai.

Trong khi Washington chỉ mới bắt đầu bàn về gói đầu tư 2.000 tỷ USD thì Bắc Kinh và các công ty tư nhân của Trung Quốc đã rót số tiền tương đương hàng nghìn tỷ USD/năm vào cơ sở hạ tầng mới, từ giao thông đến mạng lưới liên lạc, từ dự án cấp nước đến cơ sở sản xuất.

Nếu ngân sách được phân bổ đều trong 8 năm thì mỗi năm chính phủ Mỹ sẽ chi khoảng 250 tỷ USD để cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng trên khắp cả nước. Trong khi đó, chỉ một nguồn quỹ công dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã sắp đạt con số 3.650 tỷ nhân dân tệ (tương đương 556 tỷ USD) trong năm nay.

Tính riêng lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), Trung Quốc hiện đang xếp thứ hai thế giới sau Mỹ về tổng mức đầu tư hàng năm.

Tuy nhiên, Bắc Kinh tháng trước đã đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng vốn đầu tư của khu vực tư nhân và nhà nước vào lĩnh vực R&D lên 3.760 tỷ nhân dân tệ (tương đương 573 tỷ USD), cao hơn tổng mức đầu tư năm 2020 đến 1.300 tỷ nhân dân tệ.

Trong đề xuất mới của ông Biden, chính phủ Mỹ dự kiến sẽ rót 180 tỷ USD cho hoạt động R&D. Tổng thống Biden khẳng định đây là mức tăng mạnh nhất trong các khoản chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng, song nhiều người e ngại con số này là chưa đủ.

"Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ Mỹ không có vẻ gì là đang bắt kịp Trung Quốc", ông Jared Woodard - quản lý cấp cao tại Bank of America, chia sẻ với Bloomberg.

Đề xuất 2.000 tỷ USD của ông Biden

Chi tiêu thường niên của Trung Quốc

Đầu tư cho giao thông vận tải: 

620 tỷ USD (77,5 tỷ USD/năm)

Đầu tư vào giao thông vận tải năm 2020:

3.400 tỷ nhân dân tệ (522 tỷ USD)

Đầu tư cho nước sạch, băng thông rộng tốc độ cao và các sáng kiến cộng đồng:

650 tỷ USD (81,3 tỷ USD/năm)

Đầu tư cho cơ sở hạ tầng viễn thông năm 2020: 407 tỷ nhân dân tệ (62 tỷ USD)

Đầu tư cho công trình nước sạch năm 2020: 770 tỷ nhân dân tệ (117 tỷ USD)

Đầu tư cho chuỗi cung ứng chất bán dẫn nội địa: 50 tỷ USD

Kế hoạch phát triển chất bán dẫn thuộc sở hữu của nhà nước: 200 tỷ nhân dân tệ (30,5 tỷ USD)

Nâng cấp các cơ sở nghiên cứu: 40 tỷ USD

Đầu tư cho R&D cơ bản giai đoạn 2019 - 2020: 14 tỷ nhân dân tệ (2,1 tỷ USD)

Tuy nhiên, Bloomberg cũng lưu ý rằng rất khó để so sánh trực tiếp tổng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vì phần lớn chi tiêu hàng năm của Trung Quốc tập trung vào việc đảm bảo cuộc sống của hàng triệu cư dân nông thôn lần đầu chuyển lên các thành phố lớn.

Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1/6 của Mỹ và tại nhiều khu vực thì chính phủ mới chỉ lần đầu tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng như căn hộ đô thị, hệ thống xử lý nước và sân bay trong khi Mỹ đã có những công trình này từ lâu.

Ông Justin Lin, cựu kinh tế trưởng tại World Bank và đang là cố vấn cho chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình, bình luận: "Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển và có nhiều nơi cần đầu tư cơ sở hạ tầng hơn so với một nước phát triển như Mỹ".

"Tại Mỹ, họ có sẵn cơ sở hạ tầng, chỉ là có thể đã cũ và cần được cải tạo. Do đó, mức độ đầu tư ở những nước có thu nhập cao như Mỹ đương nhiên thấp hơn", ông Lin nhấn mạnh.

Dù vậy, nhiều công trình của Trung Quốc như đường sắt cao tốc lại hiện đại hơn của Mỹ. Tính đến năm ngoái, mạng lưới đường sắt cao tốc của đất nước tỷ dân đã dài gần 38.000 km.

Ngoài ra, chi phí xây dựng tại Trung Quốc rẻ hơn ở Mỹ nên cùng một số tiền ngân sách lại làm được nhiều việc hơn. Ví dụ, chi phí xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc tại Trung Quốc chỉ bằng 2/3 chi phí ở các nước khác, nghiên cứu năm 2019 của World Bank chỉ ra.

Sau cùng, nhiều khả năng là Quốc hội Mỹ sẽ điều chỉnh lại quy mô đề xuất của Tổng thống Biden và quá trình bỏ phiếu có thể mất nhiều tháng mới kết thúc, Bloomberg lưu ý. Những người ủng hộ kế hoạch 2.000 tỷ USD của ông Biden cho rằng việc Washington ngày càng muốn cạnh tranh với Bắc Kinh sẽ kích thích chính phủ Mỹ bơm thêm tiền cho lĩnh vực R&D, khả năng cao là các công ty tư nhân tại Mỹ cũng sẽ giúp sức.

"Đây là đề xuất lớn nhất mà tôi từng tham gia soạn thảo trong suốt sự nghiệp của mình. Gói chi tiêu này có thể củng cố các ngành công nghiệp nội địa của Mỹ, tạo bước đệm cho những ngành còn non trẻ, giành thị phần toàn cầu trong những lĩnh vực mà chúng ta có thể đánh bại những đối thủ cạnh tranh khác", ông Jared Bernstein - thành viên của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, chia sẻ.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.