Đối với hầu hết mọi người hiện nay, việc giữ smartphone bên mình 24/24 giờ không còn phải là điều quá xa lạ nữa. Mọi người thích để điện thoại trong túi khi làm việc, cầm điện thoại trên tay khi đang đi xe bus về nhà và để trên giường khi họ đi ngủ. Với mức độ sử dụng liên tục và gần gũi như vậy, nhiều người sẽ khó hình dung được smartphone sẽ tác động đến họ như thế nào về lâu dài.
Để đánh giá mức độ tác động của smartphone tới sức khỏe con người, chỉ số hấp thụ đặc biệt SAR (Specific Absorption Rate) thường được sử dụng. Đây là chỉ số đo tỷ lệ hấp thu năng lượng sóng điện thoại (RF) ở các mô và giúp lượng hóa tác động của sóng điện thoại đối với tế bào.
Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề tác động thật sự của bức xạ điện thoại nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyên người dùng nên hạn chế sử dụng và để smartphone cách xa cơ thể khi không dùng tới. Những smartphone có chỉ số SAR càng nhỏ, càng đỡ gây hại cho cơ thể con người và ngược lại.
Mới đây, Văn phòng Bảo vệ bức xạ của Liên bang Đức đã công bố một báo cáo toàn diện về mức độ bức xạ của nhiều mẫu smartphone hiện nay, cả mới và cũ. Theo đó, đứng đầu trong danh sách 15 mẫu smartphone có mức bức xạ cao nhất hiện nay là chiếc 5T tới từ nhà sản xuất Trung Quốc OnePlus.
Một điều đáng chú ý khác trong bản danh sách này đó là 3 hãng điện thoại Trung Quốc là OnePlus, ZTE và Huawei chiếm đa số với 9 trong 15 mẫu điện thoại có mức bức xạ cao nhất. Trong khi đó, 3 mẫu smartphone cao cấp iPhone 7, iPhone 7 Plus và iPhone 8 của Apple cũng được nhìn thấy trong bản danh sách. Ngoài ra, Lumia 630 của Nokia, DTEK60 của Blackberry và Xperia XZ1 Compact của Sony cũng là ba mẫu điện thoại có mức bức xạ cao khác. Mặc dù là hãng smartphone lớn nhất thế giới với nhiều mẫu trải rộng từ phân khúc giá rẻ đến cao cấp song các điện thoại của Samsung khá an toàn khi không có đại diện nào trong top 15 sản phẩm này.
Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy mức độ "an toàn" của bức xạ điện thoại là bao nhiêu. Tuy nhiên, chứng nhận thân thiện môi trường "Der Blaue Engel" (Thiên thần xanh) của Đức chỉ chấp nhận những mẫu điện thoại có chỉ số SAR nhỏ hơn 0,6 watt/kilogram. Trong khi đó, tất cả những mẫu điện thoại trong danh sách đều có chỉ số SAR lớn hơn ít nhất là gấp đôi so với khuyến nghị.
Tất cả điện thoại đều phát ra một lượng bức xạ nhất định, dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, nếu đặt yếu tố đảm bảo sức khỏe lên hàng đầu, bạn nên tránh mua những mẫu điện thoại có chỉ số SAR cao.