Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng các quý tiếp theo và cả năm 2023, đề xuất các giải pháp để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 6,5% như chỉ tiêu Quốc hội giao; đồng thời, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Cùng với đó, hàng tháng các bộ, địa phương công khai kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Các Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công bố trí lịch làm việc, kiểm tra tại các bộ, cơ quan, địa phương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tỷ lệ giải ngân hằng tháng của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương, danh sách các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước để báo cáo theo yêu cầu của Tổ công tác tại Quyết định số 235/QĐ-TTg.
Là một trong những địa phương lớn trên cả nước, nhằm thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công, mới đây, trong văn bản gửi các sở ngành, địa phương về đẩy mạnh triển khai và giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phê bình các đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt 0% trong quý I/2023.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước TP Hồ Chí Minh, tính đến 31/3, tổng số vốn giải ngân là 1.608 tỷ đồng, mới chỉ đạt 4% so với kế hoạch vốn được UBND thành phố giao năm 2023 và kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương.
Để đạt tỷ lệ giải ngân đạt ít nhất 95% theo yêu cầu, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo phê bình các đơn vị chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công quý I/2023 (tỷ lệ giải ngân 0%).
Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất phê bình đối với các đơn vị chưa lập kế hoạch chi tiết triển khai, kiểm tra và giám sát giải ngân vốn đầu tư công; tổng hợp nội dung công việc, số vốn và tỷ lệ giải ngân của từng đơn vị theo từng tháng.
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, mới đây, Tổ công tác số 2 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng, Tổ công tác đã làm việc với 13 tỉnh, thành phố, để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu, các địa phương chưa trình quy hoạch phải khẩn trương thực hiện các quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt để có cơ sở thực hiện các dự án.
Liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù và hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương thực hiện việc định giá (giao Sở Tài Nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu). Nếu chính quyền địa phương để xảy ra chậm tiến độ định giá đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả đầu tư công lẫn đầu tư tư. Việc tái định cư cho người dân cần thực hiện phù hợp với quy hoạch và tiến độ thực hiện dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao 17 bộ, cơ quan trung ương gần 111.768 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết hơn 105.135 tỷ đồng, đạt 94%. Số vốn chưa phân bổ chi tiết gần 6.633 tỷ đồng.
Đến hết tháng 4/2023, theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, tổng số vốn đã giải ngân của 17 bộ, cơ quan trung ương khoảng 23.741 tỷ đồng, đạt 21,24% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và cao hơn mức bình quân của cả nước (14,66%).
Tuy nhiên, tỉ lệ này không đồng đều giữa các bộ, cơ quan Trung ương, trong đó có 2 bộ, cơ quan trung ương giải ngân trên mức bình quân của cả nước gồm Bộ Giao thông vận tải 24,27%; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 19,44%. Các bộ, cơ quan trung ương còn lại đều giải ngân thấp.
Lãnh đạo các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội… cho biết, một số dự án phát sinh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng vượt thẩm quyền xử lý của các bộ, ngành trung ương.
Các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm được giao kế hoạch vốn, thời gian giải ngân vốn ngắn.
Đặc thù của thời gian đầu năm, nhiều bộ, cơ quan trung ương cần giải ngân hết số vốn đang làm thủ tục kéo dài giải ngân; hoàn trả khối lượng ứng trước đối với những dự án mới ký hợp đồng. Bên cạnh đó, dự án phải có khối lượng hoàn thành thì mới có thể nghiệm thu, thanh toán; dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu, chưa có khối lượng để giải ngân.
Nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương là công tác chuẩn bị dự án còn chậm, chất lượng chưa cao, vẫn còn tình trạng dự án được dự kiến bố trí vốn nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Không những thế, năng lực trình độ, hiểu biết pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách nhà nước của một số cán bộ quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến việc cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý và phải lấy ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị khác…