ĐBQH: Dân không có đất ở, sản xuất vì dự án chậm triển khai, quy hoạch treo

Các ĐBQH đánh giá, đang cho sự lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo. Theo đó, có hàng nghìn ha đất bị bỏ hoang do chưa triển khai được quy hoạch, hàng chục nghìn hộ gia đình không có đất, phải ở tạm gầm cầu, ven sông.

Chiều 2/6, tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiếp tục thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Trong phiên thảo luận, các đại biểu chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai và đề nghị có giải pháp khắc phục. 

Kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn ĐBQH TP HCM cho biết hiện nay có nhiều khu đất được quy hoạch để làm hạ tầng kinh tế kỹ thuật, khu đất dự trữ phát triển, đất hỗn hợp, đất quy hoạch dân cư mới, đất dân cư sinh thái, dân cư sinh thái nhà vườn, đất khu cụm công nghiệp... Trong đó nhiều dự án đã giao cho các chủ đầu tư nhưng vẫn còn trên giấy. 

Phần lớn đất này có thể sản xuất được nhưng đang bị bỏ hoang do hệ thống kênh mương không được nạo vét nên không thể cải tạo đất, đường sá không được tu sửa dẫn... ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Cũng đề cập về sự lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo, Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp đang có hàng nghìn ha đất bị bỏ hoang do chưa triển khai được quy hoạch. Hàng chục nghìn hộ gia đình không đất, phải ở tạm gầm cầu, ven sông - nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro rình rập.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa thì cần cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo ở các địa phương. Đặc biệt, các các quỹ đất có liên quan đến an ninh quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm, không đưa vào sử dụng thì cần cương quyết thu hồi để giao cho địa phương phát triển kinh tế xã hội.

Cần sớm sửa Luật đất đai

Sớm sửa Luật Đất đai là giải pháp được nhiều cử tri nhắc đến nhằm hạn chế lãng phí nguồn lực đất đai. 

Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng chính sách pháp luật đất đai hiện còn nhiều bất cập, gây lãng phí nguồn lực. Trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích…

Đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm giá thị trường khi quản lý về giao dịch quyền sử dụng đất nhằm chống thất thu và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công.

Bên cạnh Luật Đất đai, Đại biểu Trần Đình Gia, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng Luật Nhà ở cũng cần được hoàn thiện hơn để sát với thực tế, phát huy hiệu quả nguồn lực. Đại biểu dẫn chứng, theo những quy định của Khoản 3, Điều 54 Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 2, Điều 6 Nghị định 100 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải dành tối thiểu là 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê, sau thời hạn tối thiểu là 5 năm, nếu không có người thuê thì mới được bán nhà.

Trong khi đó, thực tế tại đô thị loại II, loại III thì nhu cầu người thuê nhà ở xã hội rất thấp. Đại biểu cho biết, thí điểm nhà ở xã hội tại Hà Tĩnh còn khoảng 80 căn hộ cho thuê nhưng không có người thuê, trong khi có đến 350 đơn xin mua nhưng không được mua. Đại biểu cho rằng đây là sự lãng phí lớn. 

Đại biểu cũng cho biết, những năm gần đây, giá đất lên cao, nhiều địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất để chuyển sang đất ở, tổ chức đấu giá trả giá rất cao. Có tình trạng, người có nhu cầu đấu giá thì không có nhu cầu ở, người có nhu cầu ở thì không có tiền để đấu giá, dẫn đến đất sản xuất trở thành đất để hoang. Đại biểu kiến nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục tình trạng trên.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị Chính phủ tập trung cao độ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, ban hành đồng bộ thể chế pháp luật liên quan đến đất đai, trong đó trọng tâm là thực hiện đúng tiến độ kế hoạch trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác thực hiện Luật Đất đai hiện hành để triển khai và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên đặc biệt này.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (4/5 - 10/5): Đề xuất làm cao tốc Phủ Lý - Nam Định, sẽ mở rộng Vành đai 2 Hà Nội
Đề xuất làm cao Phủ Lý - Nam Định; hơn 17.000 tỷ đồng mở rộng gần 4 km vành đai 2 Hà Nội; lên kế hoạch làm vành đai 4 đoạn qua Bình Dương; phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2050... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.