Hình ảnh vụ cháy chung cư Carina. (Ảnh: Vietnamnet).
Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đánh giá phòng cháy, chữa cháy là một vấn đề hết sức hệ trọng đối với bất kì quốc gia nào.
"Cha ông ta từng cảnh báo, trong 4 nguy cơ Thủy - Hỏa - Đạo - Tặc, nhận thức được vấn đề này, chúng ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy; Quốc hội đã ban hành Luật phòng cháy chữa cháy và ngày càng hoàn thiện", ông Phương nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu, từ thực tế có thể khẳng định công tác PCCC dù tích cực cố gắng đến đâu cũng còn nhiều bất cập, khó khăn và khó làm tốt. Nhiều địa bàn trên cả nước chảy, nổ liên tục diễn ra.
"Qua giám sát và xem xét Báo cáo của Chính phủ, cho thấy, tình hình cháy thời gian qua từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước xảy ra 126 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 35 người, bị thương 92 người, thiệt hại về tài sản khoảng 5.000 tỉ đồng.
Trung bình 1 năm xảy ra khoảng 30 vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản, làm ô nhiễm, biến đổi, hủy hoại môi trường sống của chúng ta.
Đặc biệt, gần đây vụ cháy lớn tại Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông Hà Nội... Có thể nói, cháy luôn là thảm họa; cháy lớn vẫn còn tiềm ẩn, đe dọa và gây lo lắng, bất an trong nhân dân", ông Phương nói.
Đại biểu tỉnh Quảng Bình cũng đưa ra một số nguyên nhân. Thứ nhất là nhận thức, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC; chưa xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong PCCC.
Nhiều nơi công tác quản lí nhà nước phòng cháy, chữa cháy bị buông lỏng, thiếu hiệu lực và hiệu quả, thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó. Khi cháy thì thấy nguy hiểm nhưng khi chưa cháy thì chưa chú ý phòng.
Thứ hai, nhiều địa phương do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc triển khai thực hiện chế độ chính sách; đầu tư trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC còn hạn chế, chưa đầy đủ phương tiện, dụng cụ chữa cháy cần thiết để đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Việc sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt chưa được chú ý về điều kiện an toàn PCCC; nhiều vụ cháy do chập điện, lâu ngày không kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế.
Thứ ba là đa số người dân sinh sống tại các khu dân cư, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa được tập huấn các kiến thức, các kĩ năng cơ bản về công tác PCCC, lắp đặt các phương tiện PCCC. Hàng hóa kinh doanh đa phần là các chất dễ cháy như vải, giấy, nệm, mút xốp, sơn, ga..
"Ngoài những vấn đề trên, qua giám sát cho thấy, phòng cháy, chữa cháy là nghĩa vụ của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nhưng thực tế chỉ cho rằng PCCC chỉ là của công an nên việc quan tâm thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng này chưa đảm bảo kể cả chính sách, phương tiện...", đại biểu tỉnh Quảng Bình nói.
Đại biểu đề xuất không đậu xe dưới tầng hầm chung cư, khách sạn cao tầng. (Ảnh minh họa: Di Linh).
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đưa ra một số giải pháp phòng cháy, chữa cháy.
Cụ thể là đẩy mạnh công tác tuyên tuyền và tăng cường công tác tập huấn về phòng cháy, chữa cháy trong nhân dân một cách thiết thực hơn.
Kết hợp tuyên truyền, tập huấn với kiểm tra thường xuyên công tác phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; chú trọng phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các nguyên nhân có thể gây cháy ngay từ đầu để làm tốt công tác phòng cháy; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo và cùng với chính quyền địa phương rà soát và có biện pháp tăng cường đầu tư và hỗ trợ các địa phương còn khó khăn đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng về phòng cháy, chữa cháy; mua sắm các phương tiện, thiết bị chữa cháy hiện đại để đáp ứng công tác chữa cháy hiện nay, nhất là những vụ cháy lớn, cháy nhà cao tầng.
Ngoài ra, theo đại biểu, Chính phủ cần rà soát điều chỉnh một số sự việc có nguy cơ gây cháy nổ và gây ảnh hưởng đến môi trường đặc biệt là đời sống sức khỏe người dân.
Cụ thể, điều chỉnh qui hoạch xây dựng các khu chung cư, khách sạn cao tầng có khu dừng đỗ xe riêng, không cho đỗ đậu đưới tầng ngầm.
"Vì mỗi xe như một bình xăng cả tầng như một kho xăng, khi va chạm, đột biến sẽ gây cháy thì khó để chữa; không những gây chết người mà còn gây xuống cấp nghiêm trọng khu chung cư sau vụ cháy", đại biểu Phương nói.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ kiên quyết xem xét và có kế hoạch di dời các nhà máy, xí nghiệp, các cây xăng, các cơ sở sản xuất có nguy cơ thiếu an toàn về cháy, nổ ra khỏi khu đông dân cư.
Theo đại biểu Phương, Chính phủ cần có Nghị định qui định mỗi tỉnh, thành phố xây dựng tại mỗi thôn xóm, khu dân cư đều có tổ PCCC, để thường xuyên truyền thông, tư vấn, chuẩn bị phương tiện PCCC, kiểm tra, xử lý sự cố xẩy ra.
"Xử lí tại chỗ là nhanh, nhạy và hiệu quả nhất. Hiện nay, nhiều địa bàn xe PCCC không thể vào được, khi cháy nếu thông báo lực lượng PCCC thì dù nhanh đến đâu cũng không nhanh chóng dập tắt được và vụ cháy lan lan tỏa rộng", đại biểu Phương cho hay.
Đại biểu Phương cũng cho rằng cần rà soát các qui định về chế độ, chính sách, kinh phí mua sắm phương tiện phòng cháy, chữa cháy.
Bố trí đảm bảo chỉ tiêu, biên chế, không ngừng xây dựng và củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy tinh nhuệ, chính qui và từng bước hiện đại, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác phòng cháy, chữa cháy trong giai đoạn hiện nay.
"Chúng ta cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lí nghiêm tổ chức, cá nhân các, doanh nghiệp vi phạm các quy định chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Sử dụng nguồn thu từ xử phạt vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và nguồn thu qua đấu tranh phòng, chống tham nhũng để bổ sung đầu tư kinh phí cho công tác phòng cháy chữa cháy.
Có biện pháp huy động tối đa sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân, nhất là các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả để mua sắm các phương tiện, thiết bị chữa cháy hiện đại; đồng thời không ngừng quan tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa về phòng cháy, chữa cháy", đại biểu Phương nói thêm.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỉ đồng và 6.462 ha rừng.
Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỉ đồng và 1.615,5 ha rừng.
Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỉ đồng và 5,3 ha rừng.
Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60,11%, ở khu vực nông thôn chiếm 39,89%; cháy tại khu vực nhà dân 5.636 vụ (chiếm 42,86 %), tại cơ sở kinh tế tư nhân 4.861 vụ (chiếm 36,97%).
Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%).
Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỉ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra. Số vụ cháy có qui mô nhỏ và trung bình chiếm 99%.