Đây là quan điểm của ĐBQH nhà sử học Dương Trung Quốc trao đổi với phóng viên báo Điện tử Infonet bên hành lang Quốc hội sáng 24/11 xung quanh câu chuyện Hà Nội mới đây tiếp tục hoãn đặt tên đường phố đối với nhà tư sản Trịnh Văn Bô – người hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng.
Nhà sử học, ĐBQH tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc. |
Nguyên nhân được Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cho biết do chưa đạt được sự đồng thuận với gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô.
Chia sẻ với Báo Lao Động ông Trịnh Cần Chính (con trai thứ cụ Trịnh Văn Bô) cho biết, từ năm 2016, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội có ý định đặt tên Trịnh Văn Bô cho một con phố ở quận Cầu Giấy, con phố này kéo dài từ Nguyễn Văn Huyên ra đường Cầu Giấy nhưng sau đó bị thay thế bởi con phố khác.
Con phố mới dài 1,2 km, rộng 7,5 m, từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.
Ông Chính cho biết: “Việc đặt tên Trịnh Văn Bô cho con phố mới tại cổng sau Học viện Quốc phòng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chưa bàn với gia đình. Con phố này không xứng đáng được đặt tên Trịnh Văn Bô nên chúng tôi không đồng ý. Gia đình sẽ làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội để thống nhất".
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng vấn đề này rất khó bình luận bởi ai cũng mong tương xứng nhưng để tìm ra một con đường đáp ứng được điều đó đâu có dễ. Vì quỹ đất mình đâu có chủ động được.
Ông Quốc đưa ra dẫn chứng, cách đây lâu lắm rồi, TP HCM khi mới giải phóng ông là người tham gia hội đồng đặt tên đường phố. Lúc đó có quan niệm so sánh, cho nên có ý kiến cho rằng cần chuyển đường Nguyễn Đình Chiểu sang đường Nguyễn Đình Phùng và ngược lại. Bởi với dân Nam Bộ Nguyễn Đình Chiểu là “lớn lắm”… nhưng việc đề xuất này tạo ra những đảo lộn không cần thiết nhất là liên quan đến công năng đường phố, định vị địa lý, đưa vào đó để quản trị.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, bản thân ông từng nhiều năm ngồi trong hội đồng xét duyệt đặt tên đường phố. Theo đó, có một số nguyên tắc, ví dụ người đó chết bao nhiêu lâu mới được công nhận. Ở đây, chúng ta đề cập đến cụ Trịnh Văn Bô (đã mất từ lâu rồi).
“Thứ hai, trên cơ sở nằm trong quỹ danh sách để tìm con đường thích hợp nhất. Con đường thích hợp ấy thường nằm trên địa bàn gần gũi với người được đặt tên (ví như quê hương, địa bàn hoạt động). Thứ ba, phần nào đó phải thể hiện quy mô con đường, vị trí con đường…
Có thời kỳ chúng ta định đặt đường Võ Văn Kiệt ở bên kia cầu, sau không thích hợp lại điều chỉnh lại khi xây cầu Nhật Tân, đặt thành một cụm đường họ Võ (Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Võ Chí Công)”- ông Dương Trung Quốc nói.
Ông Quốc cũng nhấn mạnh, đương nhiên, thủ tục không nhất thiết là phải có sự thỏa thuận nhưng nên có sự trao đổi với gia đình. Gia đình cũng phải nhìn việc đặt tên đường đạt được sự tương xứng là rất khó. Bởi vì quỹ đất đai không chủ động.
“Do đó việc này cần có sự trao đổi trước, chia sẻ khó khăn để tìm được phương án tối ưu trong khả năng có thể thì chắc không để xảy ra câu chuyện như thế này. Mà đã xảy ra thì để lại những hiệu ứng xã hội không đáng có. Tôi nghĩ rằng việc này lẽ ra nên có sự thận trọng, trao đổi trước với gia đình. Nếu có vấn đề gì cần điều chỉnh thì nội bộ với nhau thôi”- ông Quốc nói.
Trả lời câu hỏi, từ năm 2004 Hà Nội đã 2 lần dự kiến đặt tên đường phố cho nhà tư sản Trịnh Văn Bô nhưng cả hai lần gia đình đều không đồng ý với các lý do khác nhau, ông Quốc cho rằng, điều này rất khó, bởi gia đình có tâm cảm riêng của họ nhưng lẽ ra việc này nên bàn bạc trước đừng để xảy ra. Chưa tìm được thì thành phố "gác lại" gia đình có đồng ý không, nếu một ngày tìm được con đường tương xứng hơn thì chắc có lẽ gia đình cũng phải nhìn nhận một cách thực tế.
“Rất tôn trọng ý kiến của gia đình nhưng đây là vấn đề của xã hội cho nên TP cũng phải có chủ kiến riêng của mình trên cơ sở giải thích. Cũng nên hỏi ý kiến gia đình nhưng không có nghĩa gia đình đòi hỏi cái gì mình cũng đáp ứng cả”- ông Quốc nhấn mạnh.
Một lần nữa, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh, cụ Trịnh Văn Bô là một nhân vật tiêu biểu trong khi chúng ta rất quan tâm đến nhiều đối tượng như những anh hùng trong chiến tranh những nhà lãnh đạo chính trị cách mạng thì những gương mặt, những thế hệ lớp người như cụ Trịnh Văn Bô là rất hiếm.
Do đó, ông Quốc cho rằng Hà Nội nên đặt tên đường là ông bà Trịnh Văn Bô (giống như đường Hai Bà Trưng)… vì chúng ta đừng quên vai trò của bà Nguyễn Thị Minh Hồ. Đây là nhận thức truyền thống khi cho rằng “của chồng công vợ”… sự nghiệp kinh doanh có vai trò của người phụ nữ. Chưa kể bà Bô cũng là một phụ nữ tiêu biểu. Ở đây không phải tài sản của ai mà rõ ràng cả hai người có vai trò đóng góp chung. Do đó, không nhất thiết phải đặt tên hai con đường mà chỉ cần đặt tên một con đường là ông bà Trịnh Văn Bô là hơp lý, khá đặc thù.