GS Vũ Khiêu nói gì về tượng rùa vàng ở Hồ Gươm? | |
Đề xuất tượng rùa vàng: 'Đừng biến Hồ Gươm thành vườn di sản' | |
Đề xuất đặt tượng rùa vàng ở Hồ Gươm: 'Loạt vấn đề này không đơn giản' |
Nhà sử học Dương Trung Quốc ủng hộ ý tưởng "rùa vàng ở Hồ Gươm" nhưng cho rằng đưa ra vào thời điểm này chưa phù hợp. Ảnh: Di Linh |
Liên quan đến đề án "Đúc biểu tượng rùa vàng ở Hồ Gươm" đã được ông Tạ Hồng Quân, một công dân Hà Nội đưa ra, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc - người ủng hộ ý tưởng này khi mới được đưa ra vào năm 2011.
Ý tưởng rùa vàng đưa ra vào thời điểm chưa phù hợp
"Tác giả ý tưởng này là anh Quân, chứ không phải tôi. Thời điểm đó, tôi cũng như nhiều người khác ủng hộ ý tưởng này. Tôi quan tâm sự việc này không chỉ bởi dư luận đang ồn ào mà với tư cách một người đã theo dõi từ lâu", ông Dương Trung Quốc nói.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, ý tưởng trên được ông Tạ Hồng Quân đưa ra các đây 10 năm, khi Hà Nội đang chuẩn bị cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
"Với ý tưởng muốn dựng tượng một linh vật gắn với Hồ Gươm là thần Kim Quy thì chắc nhiều người cũng ủng hộ. Nhưng làm như thế nào, làm chất liệu gì và đặt ở đâu thì phải qua quy trình lựa chọn. Đặc biệt, Hồ Gươm lại là một không gian nhạy cảm, thiêng liêng", ông Quốc nói.
GS Vũ Khiêu nói gì về tượng rùa vàng ở Hồ Gươm?
GS Vũ Khiêu tán thành ý tưởng đúc tượng rùa vàng ở Hồ Gươm khi ý tưởng này được đề xuất vào năm 2011. |
Là người từng ủng hộ ý tưởng trên nhưng hiện tại ông Dương Trung Quốc cho rằng đưa ra vào thời điểm này chưa phù hợp. Thứ nhất là thời điểm này nền kinh tế còn khó khăn; Hà Nội còn đang quan tâm rất nhiều đến phát triển, an sinh.
Thứ hai, đây chỉ là ý tưởng, còn rất nhiều sự lựa chọn cân nhắc. Từ dư luận xã hội, ý kiến các nhà chuyên môn. Ý tưởng đưa ra không đúng thời điểm nên dễ hiểu vì sao dư luận không đồng thuận.
Một khía cạnh khác dư luận quan tâm là rùa vàng có phải làm bằng vàng, theo ông Quốc: "Rùa vàng nặng 10 tấn chứ không phải 10 tấn vàng, nhiều người đang hiểu sai Kim Quy - rùa vàng".
Theo ông Quốc, ai cũng biết rùa vàng là "nhân vật truyền thuyết" quan trọng của không gian Hồ Gươm cũng như triều đại nhà Lê. "Câu chuyện trả gươm thể hiện ý chí muốn hòa bình của dân tộc ta sau chiến tranh. Tuy nhiên, ý tưởng trên cần sự góp ý từ nhiều chuyên gia của các lĩnh vực như mỹ thuật, kiến trúc, lịch sử..."
"Việc thể hiện như thế nào bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ kiến trúc không gian chắc không đơn giản. Vấn đề này cần thận trọng bởi không gian Hồ Gươm rất thiêng liêng", ông Quốc nhận định.
Phác thảo tượng rùa vàng ở Hồ Gươm. |
Hà Nội nên ghi nhận thiện chí đóng góp của người dân
Nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra ý tưởng làm tượng rùa bằng đá, đặt ở ngoài đảo (tháp rùa) để cho người dân biết tại sao lại gọi đây là đảo rùa. Người dân có thể nhìn bóng rùa từ xa và nhớ về những câu chuyện lịch sử.
"Tôi không bàn chuyện tài chính nhưng làm rùa "rực rỡ, hoành tráng" có phải là tôn vinh hay chỉ là sự hào nhoáng? Mỗi người đều có quyền đưa ra ý tưởng nhưng muốn được chấp nhận thì cần nhiều yếu tố", ông Quốc nhấn mạnh.
"Đến thời điểm này, tôi vẫn rất ủng hộ ý kiến của anh Quân. Một công dân đưa ra ý tưởng không vì tư lợi là tốt. Mặc dù dư luận xã hội phản đối nhiều hơn ủng hộ nhưng đây cũng là cơ hội giúp chúng ta nhận thức, cẩn trọng hơn khi quy hoạch không gian này".
Về phía TP Hà Nội, ông Quốc cho rằng dù quyết định như thế nào nhưng vẫn nên ghi nhận thiện chí đóng góp của người dân. "Ghi nhận cả từ người đưa ra ý tưởng, người phê phán và ủng hộ cũng như ý kiến của các chuyên gia", ông Quốc cho biết.
Theo ông Quốc, Hà Nội có thể giao cho các cơ quan chuyên môn trả lời người đưa ra ý tưởng tại sao được hoặc chưa được. Đây cũng là cơ hội để TP chia sẻ với cộng đồng trên cơ sở lắng nghe lẫn nhau.