GS Vũ Khiêu tán thành ý tưởng đúc tượng rùa vàng ở Hồ Gươm khi ý tưởng này được đề xuất vào năm 2011. Ảnh: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam |
Năm 2011, đề án "Đúc biểu tượng rùa vàng ở Hồ Gươm" đã được ông Tạ Hồng Quân đưa ra. Thời điểm này, ý tưởng trên cũng được nhiều chuyên gia góp ý kiến.
Dưới đây là ý kiến được cho là của Giáo sư, Nhà văn hóa, Anh hùng lao động Vũ Khiêu đưa ra vào năm 2011 mà ông Tạ Hồng Quân xác nhận với chúng tôi sáng nay, 29/3:
"Tôi tán thành ý tưởng đúc tượng Rùa vàng Hồ Gươm. Trong các sinh vật sống trên đất nước Việt Nam, rùa gắn bó nhất với truyền thống dân tộc.
Kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, ba giá giá trị cao cả nhất của Việt Nam được nổi bật lên ở Thủ Đô và được lãnh đạo thành phố tôn vinh là: Văn hiến, Anh hùng và Hòa bình.
Văn hiến là danh hiệu mà cả nước dành cho Hà Nội (Ngàn năm Văn hiến Thăng Long); Anh hùng là danh hiệu mà Đảng và Nhà nước phong tặng cho Hà Nội (Thủ đô Anh hùng); Hòa bình là danh hiệu mà thế giới tặng cho Hà Nội (Thành phố vì Hòa bình).
Ba danh hiệu cao quý ấy của Thủ đô cũng là ba giá trị lâu đời của dân tộc thể hiện ở mỗi con người Việt Nam và đặc biệt nhất là ở rùa vàng Việt Nam.
Rùa vàng Việt Nam được sử sách gọi là Thần Kim Quy vốn cách đây từ hơn hai ngàn năm thể hiện cả ba giá trị văn hiến, anh hùng và hòa bình.
Nói tới văn hiến trước là nói về nhân và trí, nghĩa là nói đến tình yêu thương sâu sắc của mỗi người Việt đối với Tổ quốc và nói đến sự mưu trí và sáng tạo trong dựng nước và giữ nước.
Ảnh chụp đề án "Đúc biểu tượng rùa vàng ở Hồ Gươm" của ông Tạ Hồng Quân. |
Thần Kim Quy đã thể hiện cả nhân và trí ấy khi giúp vua An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa và tạo ra vũ khí kỳ diệu là Nỏ thần để bảo vệ đất nước và đánh tan mọi kẻ thù.
Nói tới anh hùng là nói lên khí phách của dân tộc mà Thần rùa đã cổ vũ dân tộc ta suốt từ thời Văn Lang - Âu Lạc qua ngàn năm Thăng Long và đến chúng ta ngày nay.
Nói tới hòa bình là nói tới tâm hồn cao cả của dân tộc mà Thần Kim Quy đã thể hiện trong hành động khi có giặc thì đem gươm dâng cho Anh hùng, khi không còn giặc thì đòi Anh hùng đem gươm trả lại cho Rùa. Chiến tranh là bất đắc dĩ, hòa bình mới là mục tiêu lâu dài.
Đối với Thần Kim Quy cũng như đối với dân tộc Việt Nam thì lòng yêu nước không chỉ dừng lại ở dân tộc mình mà còn bao trùm lên cả nhân loại và xuống tận mỗi con người.
Chính vì thế mà tôi nghĩ rằng Rùa không chỉ là biểu tượng của Hồ Gươm mà còn là biểu tượng của cả dân tộc ta.
Chính vì thế mà tôi tán thành dựng một tượng rùa hoành tráng ở gần Hồ Hoàn Kiếm. Đó là biểu tượng cho cả ba giái trị truyền thống từ lâu đời của dân tộc ta: Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình - ba giá trị mà thành phố đã tôn vinh trong Đại lễ ngàn năm Thăng Long vừa qua".
Phác thảo tượng rùa vàng ở Hồ Gươm. |
Trong đề án năm 2011 của ông Tạ Hồng Quân cũng có ý kiến ủng hộ của GS Phan Huy Lê. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi sáng 29/3, GS Phan Huy Lê đã phủ nhận ý kiến của mình trong đề án.
Về nội dung này, ông Tạ Hồng Quân cho biết đã có trao đổi lại với GS Phan Huy Lê. "Do lâu rồi có thể bác không nhớ. Sáng nay tôi có nói chuyện với bác Lê qua điện thoại. Bác Lê đã nhớ lại, vẫn rất ủng hộ và có nói cần làm thật thận trọng, kỹ càng vì đó là việc rất nhiều người quan tâm", ông Quân nói.
Theo đề án, tượng rùa hồ Hoàn Kiếm sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 m, cao 3,5 m, nặng khoảng 6-10 tấn đồng. Tác giả đề xuất hai phương án đặt rùa tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng hoặc tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn. Kinh phí đúc tượng được huy động xã hội hóa. |