ĐBQH: Không để công trình BOT khai thác đến hư hỏng là bàn giao

"BOT thì không chỉ đầu tư để xây dựng cho có công trình là xong mà còn khai thác như thế nào và hơn thế nữa là đến lúc bàn giao. Không thể để một công trình BOT xây dựng xong rồi khai thác kiệt quệ, đến lúc hư hỏng là bàn giao", đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) nói.

IMG_7692

(Ảnh minh họa: Di Linh).

"Không thể để một công trình BOT khai thác đến hư hỏng là bàn giao"

Ngày 19/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết thời gian qua, việc thực hiện các dự án BOT có dấu hiệu chững lại.

"Báo cáo của Bộ GTVT nêu từ năm 2016 đến nay chưa triển khai thêm được dự án nào, đồng thời phải dừng thực hiện dự án BOT trên các tuyến đường.

Bên cạnh đó, nhiều dự án BOT giao thông người dân bức xúc, có dự án phải dừng thu phí, chưa biết bao giờ thực hiện thu, trong khi phát sinh thêm tiền lãi rất lớn, sau này người dân phải trả qua tiền phí", đại biểu Hàm nói.

Theo đại biểu, thực trạng này cho thấy chính sách dự án đang có vấn đề không hoàn thiện, khó kêu gọi đầu tư hoặc tiếp tục gây thiệt hại cho nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cho rằng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) "phải thấy và bao thủ phủ hết mọi công đoạn".

"Ví dụ, BOT thì không chỉ đầu tư để xây dựng cho có công trình là xong mà còn khai thác như thế nào và hơn thế nữa là đến lúc bàn giao. Không thể để một công trình BOT xây dựng xong rồi khai thác đến kiệt quệ, đến hư hỏng là bàn giao.

Đơn cử, cách đây mấy tháng có một cây cầu của một tỉnh phía Nam bị sập, mà cầu đó là của dự án BOT mới hết thời gian khai thác và vừa bàn giao cho địa phương", đại biểu Trí nói.

Chia sẻ rủi ro trong trường hợp khách quan?

Mới đây, Công ty TNHH thu phí tự động VETC đã đề nghị Bộ GTVT cho phép dừng thực hiện dự án thu phí tự động không dừng và kiến nghị Bộ chuyển giao dự án cho đơn vị khác. Lí do được đơn vị này đưa ra rất đơn giản là lỗ.

Tại phiên thảo luận nêu trên, có nhiều ý kiến đại biểu về vấn đề cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu.

Cụ thể, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) dẫn lại cơ chế chia sẻ rủi ro với doanh thu Điều 77, theo qui định điểm a khoản 2 khi doanh nghiệp dự án PPP hụt thu thì Chính phủ sẽ chia sẻ không quá 50% hụt thu.

Tại điểm b khoản 2 qui định khi tăng thu thì doanh nghiệp dự án chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu.

"Qui định như vậy theo tôi không công bằng, khó chấp nhận và không có mức cụ thể sẽ dẫn đến mặc cả, xin cho, gây tiêu cực và lợi ích nhóm", đại biểu Tiến nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) bày tỏ phân vân về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu tại Điều 77.

"Bởi lẽ, chúng ta đã qui định rõ cơ chế đấu thầu dự án, cơ chế minh bạch, công khai thông tin dự án, cơ chế lựa chọn nhà thầu. Trên cơ sở các thông tin cung cấp, doanh nghiệp đã tính toán kĩ, cân nhắc và tự nguyện tham gia.

Theo tôi chỉ nên buộc áp dụng cơ chế này trong những trường hợp khách quan như thiên tai hoặc chủ quan do cơ quan nhà nước thay đổi về qui hoạch, thay đổi về pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ...", đại biểu Thủy nói.

IMG_5258

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Chưa thấy nhà đầu tư BOT nào chia sẻ lợi nhuận với nhà nước

Cũng về vấn đề chia sẻ rủi ro, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho rằng khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, nói đến sự tự nguyện, là cơ chế thỏa thuận giữa nhà nước và chủ đầu tư.

"Đó là theo cơ chế "lời ăn lỗ chịu" đúng theo nguyên tắc thị trường và trước khi kí kết hợp đồng nhà đầu tư đủ thông minh để hình dung ra được hai yếu tố, đó là lợi nhuận và rủi ro.

Lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao và khi đã kí kết hợp đồng thì đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro", đại biểu Mai nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Mai cho rằng dự thảo luật cho phép chủ đầu tư tăng giá, tăng phí dịch vụ, kéo dài thời hạn thu phí. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân.

"Khi đưa qui định này vào dự thảo luật, tôi nghĩ rằng chúng ta cần nhớ đến những phản ứng từ phía người dân ở các trạm thu phí đến những dư luận chưa tốt về một số dự án BOT trong thời gian qua", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Mai cũng cho rằng cơ chế chia sẻ rủi ro tác động trực tiếp đến ngân sách. Cụ thể, nhà nước chia sẻ 50% rủi ro thì chia sẻ bằng hình thức nào? Nguồn sẽ lấy từ đâu? Khi tác động đến nợ công thì sẽ xử lí như thế nào?

Ngoài ra, theo đại biểu, dự thảo luật cũng chưa đưa ra những căn cứ tiêu chí để xác định mức độ rủi ro, chưa xác định cơ quan nào có trách nhiệm xác định rủi ro.

"Dự thảo luật đưa ra một qui định nghe có vẻ rất hợp lí. Tức là trong trường hợp có lợi nhuận tăng thêm thì nhà đầu tư chia sẻ với nhà nước về lợi nhuận tăng thêm.

Tuy nhiên, trong 22 năm qua, kể từ khi áp dụng cơ chế PPP đến nay chưa có một trường hợp nào nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với nhà nước, nhưng có một thực tế là hiện nay nhà nước vẫn đang phải chi trả một số khoản nợ trong một số hợp đồng BOT", đại biểu Mai cho biết thêm.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.