Đề án 911 không đạt mục tiêu, Bộ GD-ĐT ra đề án mới?

Bộ GD-ĐT trong dự thảo đề án mới khẳng định: Đề án 911 không thể đạt được mục tiêu theo kế hoạch đặt ra.
de an 911 khong dat muc tieu bo gd dt ra de an moi
Bộ GD-ĐT khẳng định đề án 911 không thể đạt được mục tiêu - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Luật giáo dục ĐH đã hoạch định phát triển giáo dục ĐH theo hai loại: định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng. Chỉ ĐH định hướng nghiên cứu mới cần đẩy mạnh giảng viên trình độ tiến sĩ. Còn ĐH ứng dụng đâu cần nhiều giảng viên tiến sĩ, mà cần các chuyên gia có thâm niên, cần sự gắn kết giữa trường ĐH và doanh nghiệp

TS Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)

Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018 - 2025 tầm nhìn 2030" của Bộ GD-ĐT vừa công bố khiến dư luận đặt câu hỏi: kết quả đề án 911 đào tạo 20.000 tiến sĩ từ năm 2010 ra sao?

Điều gì khiến Bộ GD-ĐT dự định triển khai đề án mới khi đề án 911 chưa thực sự kết thúc? Câu trả lời khá bất ngờ khi chính Bộ GD-ĐT trong dự thảo đề án mới khẳng định: Đề án 911 không thể đạt được mục tiêu theo kế hoạch đặt ra.

Những con số biết nói

Thực ra, đào tạo 20.000 tiến sĩ chỉ là mục tiêu tối thiểu của đề án 911. Còn cụ thể, đề án vạch ra lộ trình đến năm 2020 bổ sung được 23.000 tiến sĩ mới (gồm 10.000 tiến sĩ đào tạo trong nước, 10.000 tiến sĩ đào tạo nước ngoài và 3.000 tiến sĩ theo phương thức đào tạo phối hợp).

Đối với đào tạo trong nước, tính đến năm 2016, số giảng viên đăng ký đào tạo ở trong nước trúng tuyển và nhập học là 2.050 nghiên cứu sinh (NCS).

Đối với đào tạo ở nước ngoài, kế hoạch đặt ra là đào tạo được khoảng 10.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ. Song thực tế, đề án mới tuyển hơn 2.900 ứng viên, chỉ đạt hơn 29% chỉ tiêu.

Đáng nói, trong số ứng viên đã trúng tuyển, đến hết năm 2016, đề án mới làm thủ tục cử đi học được gần 2.000 người.

Còn hơn 900 ứng viên trúng tuyển chưa đi học sẽ chỉ có khoảng 400 người làm thủ tục đi học trong năm 2018.

Các ứng viên khác sẽ không tiếp tục tham gia đề án vì nhiều lý do (đã trúng tuyển chương trình học bổng chính phủ các nước có điều kiện tốt hơn đề án 911, ứng viên không đáp ứng đủ điều kiện ngoại ngữ của phía cơ sở đào tạo nước ngoài, không tìm được giáo sư hướng dẫn hoặc hết thời hạn của học bổng...).

Tuy nhiên, hiệu quả thấp nhất trong đề án lại thuộc về hình thức đào tạo phối hợp. Đề án 911 đặt ra mục tiêu đào tạo 3.000 tiến sĩ theo hình thức này. Thực tế, chỉ tiêu được giao là hơn 1.300, nhưng số NCS trúng tuyển vỏn vẹn... 27 người (đạt 2% chỉ tiêu).

Song đó cũng chưa phải là con số cuối cùng. 23 NCS sau đó đã bỏ học, số NCS còn theo học chỉ là 4 người.

Lý giải về việc phương thức này đạt kết quả quá thấp so với hai phương thức còn lại, Bộ GD-ĐT cho rằng nguyên nhân chính là do kinh phí hỗ trợ thấp, các cơ sở đào tạo trong nước không có khả năng để liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài, mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy...

PGS.TS Trần Văn Tớp - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết ông được đoàn kiểm toán thông báo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là trường thực hiện tốt nhất trong tất cả các trường ĐH tham gia đề án. Nhưng số người được đi đào tạo của trường cũng chỉ đạt 50% (khoảng 300 giảng viên đi đào tạo/hơn 600 chỉ tiêu).

de an 911 khong dat muc tieu bo gd dt ra de an moi

Số lượng hay chất lượng?

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, khi bắt đầu triển khai đề án 911, năm học 2011-2012, toàn hệ thống có hơn 8.500 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ (chiếm 14,3%). Đến nay, số liệu này đã được nâng lên hơn 16.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ (chiếm 22,7% trong tổng số giảng viên ĐH).

Song con số này vẫn chưa thấm tháp gì so với mục tiêu đến năm 2020 sẽ bổ sung thêm 20.000 tiến sĩ.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia tài chính của Bộ Tài chính cho rằng không nên chỉ nhìn vào số lượng tuyển sinh thấp hay số tiền ngân sách dành cho đề án còn tồn đọng cả chục nghìn tỉ đồng không giải ngân được để đánh giá toàn bộ hiệu quả của đề án.

"Cần đánh giá về chất lượng đầu ra, xem sản phẩm đào tạo đã được sử dụng ra sao, đóng góp thế nào cho nền kinh tế mới là điều quan trọng. Chứ cứ đào tạo ào ào mà không sử dụng, không phát huy sẽ lãng phí.

Chúng ta cần những tiến sĩ ở những ngành nghề mà cơ cấu nguồn nhân lực đang thiếu, chứ không phải cố đào tạo đủ số lượng như mục tiêu nhưng lại không tương thích với nền kinh tế" - vị chuyên gia này nhận định.

Thực ra, mối liên hệ số lượng và chất lượng cũng đã rõ khi chính Bộ GD-ĐT đưa ra dẫn chứng: Việt Nam hiện có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ nhưng kết quả nghiên cứu khoa học đất nước đang tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN.

Trong thời gian 10 năm (từ 1996 - 2005), các nhà khoa học nước ta chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Kết quả này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, 1/3 so với Malaysia và 1/14 so với Singapore. Ngoài ra, trong giai đoạn 2006 - 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có... 1 bằng sáng chế.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cũng cho rằng Bộ GD-ĐT đưa ra mục tiêu phấn đấu nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% "không có gì là ghê gớm".

Tuy nhiên, con số này sẽ vẫn là duy ý chí nếu chỉ là con số mong muốn, mà không căn cứ vào khả năng thực hiện. Bởi lẽ cái nhìn thấy trước mắt là đề án 911 không hiện thực hóa được mục tiêu đặt ra. Chưa kể "chất lượng đào tạo tiến sĩ - nhất là chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước thời gian qua còn yếu".

Ông Khuyến dẫn chứng trong khi nhiều trường ĐH đã ra đời từ lâu của Mỹ vẫn chỉ đào tạo đến trình độ thạc sĩ, thì ở Việt Nam, không ít trường vừa được nâng cấp từ trường CĐ lên mà chỉ sau một số năm đã đào tạo tiến sĩ.

Dự kiến đề án mới "tiếp quản" 10.200 tỉ đồng

Theo kế hoạch, tổng kinh phí thực hiện đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018 - 2025 tầm nhìn 2030" dự kiến là 12.000 tỉ đồng, bao gồm 10.200 tỉ đồng từ kinh phí còn lại của đề án 911 và 1.800 tỉ từ các cơ sở giáo dục ĐH và đối tượng thụ hưởng đề án.

Bộ GD-ĐT: Mục tiêu đề án quá lớn

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh một trong những nguyên nhân chính là do mục tiêu đề ra quá lớn so với tình hình thực tế về khả năng nguồn tuyển sinh đáp ứng được điều kiện tiếp nhận của phía các cơ sở đào tạo nước ngoài và khả năng đào tạo, thực hiện đề án của các cơ sở giáo dục ĐH trong nước.

Bộ GD-ĐT thống kê trong 5 năm triển khai từ 2012 - 2016, đề án 911 đã và đang đào tạo hơn 3.800 NCS (sau khi đã trừ số bỏ học), trong đó có 800 NCS đã tốt nghiệp trở về nước công tác tại các trường. Các NCS tham gia đề án đã có 2.830 bài báo đăng trên tạp chí và kỷ yếu hội thảo quốc tế; 737 bài đăng trên tạp chí và kỷ yếu hội thảo trong nước; chủ nhiệm và tham gia 125 đề tài các cấp.

Với kết quả đạt được, đề án 911 đã đóng góp thành quả nhất định trong việc đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục ĐH nói riêng.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.