Theo ông Nhạ, đổi mới cơ chế quản lý đào tạo về tiến sĩ trong đề án mới "rất khác với cách làm truyền thống". "Tổng số tiền không thay đổi, thậm chí trong số tiền đã được Quốc hội phê duyệt chi, không nhất thiết cứ phải dùng hết mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không tiêu hết thì trả lại Nhà nước" - ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Tỉ lệ tiến sĩ ở ta hiện nay quá thấp". Ảnh: CHÂN LUẬN/Pháp Luật TP.HCM |
Lý giải về việc Bộ GD-ĐT xây dựng đề án mới tiếp nối đề án 911 ngay khi đề án 911 chưa kết thúc, ông Nhạ cho biết tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay còn thấp (chỉ khoảng 21%). Đề án 911 trước đó cũng đã đặt mục tiêu nâng tỉ lệ này lên 35%. Với 9.000 tiến sĩ như trong đề án này thì cũng mới đạt được 30%.
"Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài. Thông tin về vấn đề này có thể chưa rõ, nên dư luận chưa hiểu hết. Đề án này không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng, đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải đào tạo tràn lan" - ông Nhạ nhấn mạnh.
Dự kiến với đề án mới, kinh phí không rót về cơ sở đào tạo, mà cấp cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn được nhận học bổng.
Riêng về kinh phí đào tạo tiến sĩ trong nước, Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Tài chính và sẽ tính toán làm sao để suất đào tạo tiến sĩ phù hợp với từng vùng, từng miền. Ông Nhạ cho rằng với đào tạo trong nước, có thể mức hỗ trợ không bằng các học bổng khác, nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu đào tạo và tính đến điều kiện phát triển cho người học.
Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích hình thức liên kết với nước ngoài để cùng đào tạo, cùng hướng dẫn, "không nhất thiết phải gửi tất cả ra nước ngoài".