Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, đề án thành lập TP Thủ Đức sẽ không tổ chức HĐND cấp quận, phường.
Việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã được TP HCM thực hiện từ năm 2009 đến năm 2016, theo chủ trương thí điểm được Quốc hội cho phép. Sau thời gian thí điểm, Quốc hội không đồng ý tiếp tục thực hiện.
Tuy nhiên, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành thì cấp quận, phường có thể không tổ chức HĐND và phải có đề án và được Quốc hội thông qua. Hiện nay, Quốc hội đã thông qua đề án không có HĐND cấp quận, cấp phường ở Hà Nội và Đà Nẵng.
TP HCM có cơ sở thực tiễn trong việc không tổ chức HĐND cấp quận, cấp phường vì đã thực hiện nhiều năm trước và đã có một số kết quả nhất định.
Khi chỉ có HĐND cấp TP thì những Nghị quyết của HĐND về phát triển TP cả về qui hoạch, ngân sách phải định hướng sát tới quận và hình thành dự án có thể đến tận cơ sở. Trong khi đó, UBND cấp quận, cấp phường là cơ quan hành chính địa phương, sẽ thực hiện Nghị quyết HĐND cấp TP cùng chỉ đạo của UBND TP.
Điều này đòi hỏi trong quá trình chuẩn bị các quyết định cấp TP phải gắn với cơ sở và khi triển khai sẽ không thông qua khâu trung gian.
Ngoài ra, tất cả các dự án hạ tầng ở TP HCM đều mang tính chất liên phường, liên quận. Khi tổ chức lại thì những loại vấn đề này do cấp TP quyết định một lần và triển khai một cách đồng bộ, mỗi quận tự quyết đoạn qua địa bàn mình.
Đồng thời, quá trình triển khai nếu gặp khó khăn, vướng mắc và phản ánh thì không phải bàn lần lượt cấp phường, quận rồi trình lên TP quyết định, đó là lợi thế của cách làm này.
Ông Nhân nhấn mạnh, dù bỏ đi hai cấp HĐND quận, phường nhưng dân chủ vẫn được duy trì và quyết định hành chính, nhanh hơn, hiệu quả, toàn diện hơn.
Vì vậy, TP HCM cần tập trung quyết liệt hoàn chỉnh trình đề án trong tháng 10/2020 để Quốc hội quyết định phương án bầu cử sẽ không có bầu cử HĐND quận, phường.