Ông Dũng "lò vôi" tên thật là Huỳnh Uy Dũng, đi lên từ xí nghiệp sản xuất các loại vôi quét tường và vôi bột công nghiệp, đến nay ông là ông chủ của Khu du lịch Đại Nam, đồng thời là chủ dự án các khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 2, 3 tại Bình Dương.
Ngoài CTCP Đại Nam (Đại Nam Corp), đại gia Dũng lò vôi còn sở hữu một hệ sinh thái các công ty bất động sản, xây dựng và dịch vụ khác nhau như Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại Nam (Xây dựng Đại Nam), Công ty TNHH Du lịch Đại Nam Thần Tiên, Công ty TNHH Hoàng gia Tân Định và Công ty TNHH MTV Tân Khai.
Ông được mệnh danh là một trong số những người giàu nhất Việt Nam. Nhiều người đồn đoán ông có thể đang sở hữu khối tài sản lên tới cả chục nghìn tỷ đồng nếu cổ phần hoá.
Dẫu vậy, theo số liệu chúng tôi có được, Đại Nam Corp - hạt nhân trong hệ sinh thái nhà ông Dũng lò vôi, hoạt động trong các lĩnh vực như bất động sản, khu du lịch và KCN lại đang ghi nhận các khoản thua lỗ triền miên trong 5 năm trở lại đây.
Trước tình hình đó, tháng 5/2020, ông Dũng đã quyết định chuyển giao công việc làm ăn tại Đại Nam Corp cho người vợ thứ hai là bà Nguyễn Phương Hằng, còn mình chuyển sang viết sách và làm từ thiện.
Đại Nam Corp khởi công xây dựng khu du lịch Đại Nam từ năm 1999 và mất ròng rã 9 năm xây dựng để có thể mở cửa đón khách vào năm 2008. Theo giới thiệu dự án, tổng vốn đầu tư công trình này lên tới 6.000 tỷ đồng và bối cảnh được thiết kế hoàn toàn bởi ông Huỳnh Uy Dũng, ông chủ Đại Nam Corp lúc bấy giờ.
Nếu so với Đầm Sen hay Suối Tiên, những đơn vị có mô hình tương tự, quy mô của Lạc Cảnh Đại Nam lớn hơn gấp nhiều lần với diện tích lên tới 450 ha do có cả vườn thú, trường đua ngựa, đường đua F1,… Tờ Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 20/2/2018 đưa tin, trong dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày Khu du lịch Đại Nam đón tới hơn 40.000 lượt khách.
Sau dự án này, ông Dũng lò vôi liên tục tấn công vào thị trường bất động sản khi nắm trong tay nhiều quỹ đất khủng như: KCN Sóng Thần 2 quy mô 279 ha; KCN Sóng thần 3, 327 ha; Khu đô thị Trung tâm hành chính Dĩ An - Bình Dương, 66 ha;…
Năm 2019 Đại Nam Corp có dấu hiệu hụt hơi, doanh thu lần đầu giảm kể từ 2016. 4 năm liên tục, Đại Nam Corp đều lỗ tới hàng trăm tỷ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2018, cơ ngơi nhà ông chủ Dũng lò vôi ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đều đặn, tăng trong khoảng 8% - 12% mỗi năm. Tập trung phát triển bất động sản khu công nghiệp nên giá vốn hàng bán của Đại Nam luôn ở mức thấp so với các doanh nghiệp bất động sản thương mại khác.
Đơn cử, năm 2018 Đại Nam ghi nhận doanh thu đạt 454 tỷ đồng, song giá vốn hàng bán chỉ ở mức 16 tỷ đồng, tức thấp hơn khoảng 28 lần. Do đó, biên lãi gộp của Đại Nam luôn ở mức cao từ 85% đến 96%.
Song, sau khi khấu trừ các chi phí liên quan, doanh nghiệp vẫn lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Nặng nhất là 2019, khoản lỗ của Đại Nam lên tới hơn 154 tỷ đồng, doanh thu cùng năm cũng giảm 10% xuống còn 409 tỷ đồng so với 2018.
Lỗ luỹ kế nhiều năm liền khiến phần vốn chủ sở hữu của ông chủ Đại Nam bị bào mòn, dẫn đến âm sâu. Số liệu gần nhất chúng tôi có được là cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu Đại Nam Corp âm 195 tỷ đồng. Cũng tại thời điểm này, tổng tài sản của Đại Nam đạt hơn 4.475 tỷ và nợ dài hạn hơn 3.915 tỷ đồng.
Trái ngược với Đại Nam Corp, các công ty khác thuộc sở hữu của vợ chồng Dũng lò vôi đều có kết quả khả quan trong những năm gần đây. Đáng kể nhất là Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại Nam, với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh qua từng năm.
Nếu như năm 2016, doanh thu của Xây Dựng Đại Nam chỉ khiêm tốn đạt 10 tỷ đồng, thì tới năm 2019 con số này này tăng phi mã 48 lần lên 480 tỷ đồng.
Doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận hai năm gần đây đều xấp xỉ quanh mức 15 tỷ đồng. Lúc này tổng tài sản của Xây dựng Đại Nam đạt 860 tỷ đồng, giảm 48% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu ở mức 49,6 tỷ đồng, tăng trưởng 35%.
Một công ty khác thuộc sở hữu 100% vợ chồng nhà ông Dũng lò vôi là TNHH MTV Tân Khai cũng có dấu hiệu tăng nóng doanh thu. Năm 2019, doanh thu đơn vị này là 189 tỷ đồng, tăng gấp hơn 7 lần so với năm 2018. Giai đoạn này, doanh nghiệp cũng chuyển từ khoản lỗ 7 tỷ đồng năm 2018 sang lãi 41 tỷ đồng năm 2019.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Tân Khai đạt 897 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 84 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 40% và 95% so với thời điểm đầu năm.
Theo quan sát của chúng tôi, năm 2019 hầu hết các doanh nghiệp do ông Dũng nắm cổ phần đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đột biến so với giai đoạn trước đó. Đây cũng là thời điểm trước khi ông Huỳnh Uy Dũng bàn giao các công việc làm ăn lại cho vợ là bà Nguyễn Phương Hằng.
Năm 2020, trao đổi với báo chí ông Dũng cho biết "tiền bạc là vật ngoài thân" và sẽ chính thức dừng việc kinh doanh kiếm tiền, chỉ tập trung vào công việc thiện nguyện. Theo ông Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng sẽ chính thức tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc Điều hành CTCP Đại Nam (Đại Nam Corp).
Song đến thời điểm hiện tại, website chính thức của Đại Nam vẫn thông tin ông Huỳnh Uy Dũng giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty.
Nói thêm về bà Nguyễn Phương Hằng, tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, là người vợ thứ hai của ông Dũng. Chia sẻ trên tờ Vietnamnet, đại gia Dũng lò vôi nói rằng nhờ có sự trợ giúp của bà Hằng thì Khu du lịch Đại Nam mới được khai trương, tránh được tương lai trở thành đống sắt vụn và giúp ông trả hết nợ nần, sống thanh thản.
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, bà Hằng đã lên tiếng tố cáo một "thần y" đã có hành vi ăn chặn tiền cứu trợ, xây chùa của vợ chồng mình. Theo lời tố cáo, tổng số tiền mà vợ chồng ông Dũng lò vôi chuyển cho vị "thần y" này bằng nhiều cách khác nhau, đến nay đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.