Để con ti bà, mẹ cười xoà cho qua, mẹ ‘rần rần’ phản đối

Dù không phải quá phổ biến nhưng vẫn xảy ra trường hợp bà nội/bà ngoại sẵn sàng cho cháu ngậm ti. Đây thường được xem là cách để các bà dỗ cháu. Nhưng làm như vậy liệu có nên không?
 

Muôn kiểu bà cho cháu ti

Nuôi con là cả một hành trình đầy gian nan, thử thách đối với nhiều chị em. Không ít mẹ nuôi con nhỏ đau đầu vì chuyện ít sữa, tắc sữa, chuyện con hay trớ, quấy khóc… Bên cạnh đó, còn một chuyện tế nhị nữa, dù tưởng có vẻ nhỏ nhưng thực ra lại không hề nhỏ chút nào: Bà cho cháu ti bà.

de con ti ba me cuoi xoa cho qua me ran ran phan doi
Bà cho cháu ngậm ti bà, nên hay không nên? (Ảnh: Babble)

Gần đây, có mẹ chia sẻ trên một diễn đàn nuôi con nhỏ về việc, sau 1 thời gian đi làm, chị nhận thấy, con dần chán ti mẹ, không còn hào hứng bú mẹ như trước. Tình cờ một lần, chị phát hiện thấy mẹ chồng – bà nội đang cho cháu ngậm ti bà. Hoá ra, đây là lý do khiến bé ngày càng thờ ơ với việc bú sữa mẹ. Chị đã rất sốc và lập tức bày tỏ sự phản đối với bà nội. Kết cục, bà giận và khóc suốt buổi tối hôm đó. Ông nội cũng mắng chị vì tội hỗn láo với bà, chẳng qua vì bà quá thương cháu mới làm thế.

Trường hợp như trên quả thực không phải quá hiếm gặp. Trên một số trang mạng xã hội, nhiều mẹ con mọn cũng thú nhận nhà mình có chuyện bà nội/bà ngoại cho cháu ti. Lý do các bà thường làm vậy là trong lúc mẹ đi làm, thấy cháu nhớ ti mẹ, quấy khóc quá, bà mới để cháu ngậm ti mình như cách dỗ dành cháu thôi khóc. Biện pháp này cũng được áp dụng để cháu nằm im hoặc đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn và bà có được khoảng thời gian nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, bà hơi “lạm dụng” việc cho cháu ti. Một thành viên chia sẻ: “Nhà mình ngược lại. Bà nội tâm lý lắm, lúc nào cháu rúc rúc là kêu ‘ơ, bà có ti đâu mà con đòi’. Trong khi đấy, bà ngoại thì không thể mê được. Lần nào cháu xuống chơi, cũng vạch vú ra xong rồi mơi ‘ti không, ti không, ti bà đẹp hơn ti mẹ mày’. Chẳng phải dỗ gì. Nói mãi mới bỏ được trò đấy thì chuyển sang trò rủ nó sờ ti”.

de con ti ba me cuoi xoa cho qua me ran ran phan doi
Nhiều mẹ cảm thấy không thoải mái khi nhìn thấy cảnh cháu ngậm ti bà. (Ảnh: Babble)

Phản ứng của các mẹ ra sao?

Đa phần các mẹ đều phản đối việc để con ti bà. Nhiều mẹ khẳng định, dù là bà nội hay bà ngoại, nhìn cảnh cháu ngậm ti bà, cảm thấy không thoải mái, thậm chí thấy kỳ cục, khó chịu. Ngay cả một số bà, khi nhìn hình ảnh bà ngoại cho cháu ti được chia sẻ trên mạng mấy hôm vừa qua, cũng lắc đầu nói: “Không nên làm như vậy! Cho dù có là bà ngoại đi chăng nữa!”.

Ngoài cảm giác “ích kỷ” - mẹ nào cũng chỉ muốn con ngậm ti mình thôi - thì các mẹ phản đối đều cho rằng, để con ti bà như vậy không đảm bảo vệ sinh. Ti mẹ thường xuyên được lau rửa, trong khi nhiều lúc, để tránh việc cháu quấy khóc, bà vội vã “nhét” ti vào miệng cháu mà chưa hề vệ sinh bầu ngực sạch sẽ. Có mẹ chia sẻ: “Mẹ chồng mình cũng nói bà lau sạch rồi mới cho cháu ti. Nhưng lau sạch mà vẫn mặc quần áo đó thì có ích gì. Mình giặt quần áo cả nhà thường ngày nên mình biết”.

Trong khi đó, có khá nhiều các mẹ cho rằng, phản đối bà cho cháu ti là hơi cực đoan. “Mình cũng từng lớn lên từ bầu sữa đó mà”, “Chỉ là ngậm ti để con dễ ngủ thôi, có cần phải ầm ĩ lên không?”, “Đều là người nhà hết, có phải người ngoài đâu mà nhiều mẹ lại lo mất vệ sinh nhỉ?”, “Thà ngậm ti bà còn hơn ngậm ti giả, sao các mẹ căng thẳng thế?”… là bình luận chung của những mẹ cho rằng không có gì phản cảm, khó chịu hay đáng lo ngại về việc bà cho cháu bú.

de con ti ba me cuoi xoa cho qua me ran ran phan doi
Cho con bú là trải nghiệm riêng, mang tính cá nhân chỉ có giữa mẹ và con. (Ảnh: Kuow)

Ở ta thì vậy, còn phương Tây thì sao?

Dường như ở các nước phương Tây, chuyện bà cho bé ti rất hiếm gặp. Chính vì thế, một người mẹ trẻ viết thư gửi mục tư vấn Dear Prudie của tờ Slate kể về chuyện bắt gặp mẹ chồng cho con mình ti, đã không giấu nổi sự bàng hoàng và phẫn nộ.

Người mẹ đó viết về một đêm, khi bé con hơn 2 tháng tuổi của cô quấy khóc: “Tôi bước vào phòng con và thấy mẹ chồng đang cho con trai tôi bú ti bà. Tôi giận tới tím người. Tôi lập tức bế con về phòng mình và nói với mẹ chồng ra khỏi nhà tôi ngay sáng hôm sau. Tôi muốn gọi cảnh sát nhưng chồng tôi bảo, làm thế là quá đáng. Chúng tôi cảm thấy bế tắc. Liệu chúng tôi có nên báo cảnh sát không? Tôi không muốn mẹ chồng tôi quanh quẩn gần con tôi thêm một lần nào nữa”.

Người phụ trách mục tư vấn đã hồi đáp như sau: “Nhìn mẹ chồng tự biến thành một chiếc ‘ti giả’ chắc hẳn đã khiến bạn rất sốc. Tuy nhiên, than phiền của bạn có lẽ khó lòng để được công nhận là một vụ việc cần tới sự can thiệp của pháp luật. Chồng bạn cần phải nói chuyện cực kỳ nghiêm túc với mẹ anh ấy về các giới hạn giữa bà với con bạn - cả về cảm xúc lẫn tiếp xúc vật lý. Tôi cũng băn khoăn không biết liệu mẹ chồng bạn có cần kiểm tra sức khoẻ tâm thần không bởi đúng là bà đã hành động vô cùng kỳ quặc. Trong bất cứ trường hợp nào, nếu bà không làm như vậy nữa, mẹ chồng bạn vẫn nên được phép đến gần con bạn”.

de con ti ba me cuoi xoa cho qua me ran ran phan doi
Nếu bạn không cảm thấy thoải mái, tốt nhất nên chia sẻ thẳng thắn với mẹ chồng/mẹ đẻ của mình. (Ảnh:The Spruce)

Còn độc giả Sasha bình luận về việc này trên trang CafeMom: “Cho con bú là trải nghiệm riêng, mang tính cá nhân chỉ có giữa mẹ và con. Tôi nhận thấy nhiều mẹ tin vào việc có thể để con mình bú ti người khác. Nhưng chỉ làm vậy khi được sự cho phép. Tôi sẽ cực kỳ tức giận nếu ai đó cho con tôi bú mà không có sự cho phép của tôi, thậm chí còn tức giận hơn nữa nếu bầu ngực của họ không còn sữa nữa”.

Ở bang Oklahoma (Mỹ) năm 2003 từng xảy ra vụ việc một phụ nữ bị phạt 500 USD và chịu 1 năm tù giam vì đã cho một bé sơ sinh bú khi không được phép của mẹ bé.

Lời khuyên dành cho các mẹ

Cũng như nhiều vấn đề khác, trong chuyện có nên để con ti bà hay không, các mẹ cần xác định rõ quan điểm: thứ hợp với người khác, chưa chắc đã hợp với mình. Do đó:

- Nếu bạn cảm thấy thoải mái, bạn hoàn toàn có thể cho phép việc này xảy ra. Tuy nhiên, cần nhắc nhở bà phải vệ sinh bầu vú thật sạch trước khi cho cháu ngậm.

- Nếu bạn không cảm thấy thoải mái, tốt nhất nên chia sẻ thẳng thắn với mẹ chồng/mẹ đẻ của mình.

- Trường hợp là mẹ đẻ, việc bày tỏ ý kiến có lẽ sẽ dễ dàng hơn.

- Trường hợp là mẹ chồng, bạn nên khéo léo một chút để tránh làm ảnh hưởng tới mối quan hệ tế nhị này bằng cách nhờ chồng/người thân nói hộ. Một mẹo nhỏ được nhiều mẹ chia sẻ trên mạng là sưu tầm các bài viết đề cập lợi ích của việc bé bú mẹ hoàn toàn. Nếu để bé ti bầu vú không còn sữa, bé sẽ quen và có thể dẫn tới hậu quả là bé chê ti mẹ, không còn ti mẹ nữa.

chọn
TS Cấn Văn Lực: Bảng giá đất tại một số địa phương có thể tăng 2-7 lần so với hiện tại
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc áp dụng bảng giá đất sát với thị trường có thể làm tăng chi phí sử dụng đất, từ đó tăng giá bất động sản. Dự kiến sau khi chính thức được thực thi vào năm 2026, bảng giá đất tại một số địa phương có thể tăng 2 - 7 lần so với bảng giá đất hiện tại.