Cha mẹ nên thay đổi tư duy về giáo dục giới tính cho trẻ
Những ngày qua, thông tin về việc xử lí 2 trường hợp thầy giáo ở Bắc Giang (bị tố dâm ô với học sinh lớp 5) và Thái Bình (bị tố nhắn tin gạ tình nữ sinh lớp 10) đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều về kết quả xử lí. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). (Ảnh: Đình Tuệ).
Ông nhìn nhận ra sao về sự việc một thầy giáo ở Bắc Giang bị tố sờ đùi, vỗ mông học sinh lớp 5 gây bức xúc thời gian vừa qua?
Đây là hành vi các em học sinh không trông đợi từ thầy giáo vì nó mang hàm ý thỏa mãn các kích thích về mặt tình dục. Nó gây ra cảm xúc tiêu cực, khó chịu và tổn thương về mặt tinh thần cho học sinh. Đây là hành vi liên quan đến quấy rối tình dục hay xâm hại trẻ em.
Hơn nữa, hành vi sờ mông, vỗ đùi học sinh của thầy giáo dù có bị ai tố cáo hay không thì đó cũng mang tính chất xâm hại.
Việc cơ quan điều tra của huyện Việt Yên (Bắc Giang) có thể chưa tìm thấy chứng cứ cụ thể nên chưa thể công bố ra bên ngoài (?).
Tại sao chúng ta lại coi nhẹ những hành vi của ông thầy đó?
Từ trước đến nay chúng ta chưa có thói quen về tôn trọng quyền trẻ em. Nhiều người dân cũng không ý thức được về điều này. Ví dụ, bạo hành thì người ta thường quan tâm bạo hành về mặt thể chất, còn bạo hành về mặt tinh thần lại ít được quan tâm hơn.
Ngoài ra, còn có thêm một dạng tuy không có bạo hành nhưng lại là bỏ mặc mà chúng ta gọi là 'bạo hành lạnh'. Ví dụ, cha mẹ bỏ mặc trẻ không quan tâm để con rơi từ cầu thang xuống dưới đất thì trách nhiệm thuộc về người lớn. Nhận thức của chúng ta chưa đầy đủ về vấn đề này.
Các hành vi của người lớn như vỗ mông, ôm hôn, bẹo má trẻ như thường thấy xuất phát do đâu và thói quen đó nên được thay đổi ra sao trong thời đại hiện nay?
Có thể thấy rằng, những hành động đó mà người lớn chúng ta làm cũng bị ảnh hưởng một phần do yếu tố văn hóa.
Giả sử, khách bạn của bố mẹ đến nhà chơi thì thấy đứa trẻ bụ bẫm, đáng yêu quá bèn tiến lại ôm hôn, bẹo má hay thậm chí đòi 'xem' bộ phận sinh dục của trẻ. Có những bố mẹ cứ nghĩ xuề xòa là người lớn có quý mến con mình thì mới ôm hôn để thể hiện sự thân thiện.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì điều này có vẻ không còn phù hợp nữa khi mà đứa trẻ càng ý thức về bản thân mình hơn. Chính người lớn trước nay vẫn coi vấn đề về giáo dục giới tính hoặc trao đổi với người khác một cách thẳng thắn về vấn đề này nó giống như cấm kị.
Từ những tư duy coi nhẹ việc trên mà xuất hiện mầm mống của những hệ lụy liên quan sau này.
Một ví dụ rất cụ thể là, có một gia đình gồm ông bà từ Việt Nam sang thăm cháu nội mình định cư ở Mĩ. Theo thói quen, bà nội đưa cháu ra phía sau nhà để tắm cho cháu và làm các động tác vệ sinh các bộ phận bao gồm cả kì cọ vào bộ phận sinh dục của trẻ. Một người hàng xóm cạnh nhà đã chụp được một bức ảnh khi đó rồi gửi cho cảnh sát.
Khi cảnh sát đến là họ tiến hành đưa bà nội cháu bé về sở cảnh sát để xử lí. Tại Mĩ, họ có thực hiện những điều luật không khoan nhượng vì rất tôn trọng quyền trẻ em. Không cần biết nguyên nhân do đâu nhưng một khi đã xuất hiện hành vi có dấu hiệu xâm hại đến trẻ em là chính quyền lập tức vào cuộc.
Kể cả thầy giáo có bị cho là say rượu nên vỗ mông, sờ đùi học sinh nhưng đã xuất hiện hành vi này thì đều phải bị xử lí thật nghiêm.
Cần có bộ quy tắc ứng xử riêng trong trường học
Đối với trường hợp một thầy giáo dạy Địa lí ở THPT chuyên Thái Bình có hành động dùng ngôn từ vượt quá giới hạn tình cảm để nhắn tin cho nữ sinh, ông đánh giá như thế nào?
Đầu tiên, chúng ta thử xem tất cả những vụ xâm hại tình dục đều xuất phát từ những hành vi dẫn dụ làm thân. Sau đó là tạo ra sự tin tưởng và sự lệ thuộc, bí mật. Từ đó mới leo thang đến hành vi xâm hại sau này.
Đối với trường hợp thầy giáo ở Thái Bình, chúng ta không thể coi đó mới chỉ là nhắn tin thôi chứ chưa phải là hành động thực tế vì nguy cơ đằng sau là có. Đạo đức nhà giáo không thể cho phép thầy lại có những ngôn từ đi quá giới hạn của tình thầy trò như vậy.
Ở nước ngoài, họ có những quy chuẩn nghề nghiệp rất nghiêm ngặt. Cho dù là hành động nhắn tin mà chưa tới mức nghiêm trọng nhưng tiềm ẩn nguy cơ cao thì đều có mức xử lí rất nghiêm, có thể là cho ra khỏi ngành.
Trường THPT chuyên Thái Bình, nơi công tác của thầy giáo bị tố nhắn tin gạ tình nữ sinh. Ảnh: Báo Hoa học trò.
Nhiều người bức xúc câu chuyện của hai thầy giáo ở Bắc giang, Thái Bình vừa qua với câu chuyện của nghệ sĩ Minh Béo bị phạt tù về tội ấu dâm ở Mĩ những năm trước, ông có suy nghĩ gì?
Nguyên nhân của câu chuyện vừa qua đến từ hai phía.
Bản thân luật cũng chưa rõ, người lớn khi làm những chuyện này nghĩ là cũng không sao vì chưa gây ra hậu quả gì và có thể bao biện bằng những lí do khác nhau.
Quan điểm này cần phải thay đổi một cách cốt lõi, nhất là những người làm ở trong những ngành nghề mà có ảnh hưởng đến con người như giáo viên. Tiêu chuẩn về đạo đức cần phải được đề cao.
Nhận thức chung của người dân hay học sinh đều chưa nhìn nhận được vấn đề như phán xét cơ thể của người khác, hoặc nói bóng gió về các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người đối diện.
Ngoài ra, có một vài trường hợp học sinh lại là người chủ động vì có quan hệ về mặt kinh tế, lợi ích trao đổi nào đó. Khi ông thầy có quyền lực và nắm trong tay nhiều thứ nên có thể nâng điểm cho học sinh. Từ đó tạo ra sự o bế học sinh nếu không được đáp ứng nhu cầu.
Ở nước ngoài, họ có quy định khi giáo viên tiếp học sinh bao giờ cũng phải để cửa mở. Giáo viên đều phải tuân thủ quy tắc nghiêm ngặt từ hiệp hội nghề nghiệp của họ để tự bảo vệ chính mình.
Vậy làm sao để giữ được khoảng cách an toàn giữa thầy với trò để phòng tránh các câu chuyện tương tự?
Về cơ bản, người thầy phải tự ý thức ra được một số nguy cơ tiềm ẩn.
Để phòng ngừa những sự việc tương tự có thể xảy ra ở một cơ sở giáo dục nào đó, nhà trường bao giờ cũng nên có những bộ quy tắc ứng xử đối với các bên liên quan. Mục tiêu chính là bảo vệ uy tín của nhà trường, bảo vệ chính giáo viên của mình, phòng ngừa những hành động sai trái của thầy với trò.
Ở nhiều nước, giáo viên và phụ huynh thường có những nguyên tắc rất cụ thể, kể cả cách đụng chạm vào học sinh. Thậm chí, với từng lứa tuổi học trò có thể được động vào đầu vai hoặc nếu muốn ôm thì phải xin ý kiến trước. Tức nguyên tắc là phải hỏi trước khi làm.
Cái gì đi quá giới hạn như đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm, không gian cá nhân hay vùng riêng tư như miệng, mặt, lưng, hông... đều phải rất chú ý.
Do đó, tôi thiết nghĩ việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản (dạng khung) mà Nhà nước ban hành về ứng xử giữa thầy - trò thì bản thân các trường cũng cần phải cụ thể hóa thành quy tắc sao cho phù hợp với thực tiễn tại đơn vị để tất cả cùng thực hiện nghiêm túc.
Người đứng đầu cơ sở (hiệu trưởng) phải là người có trách nhiệm đưa ra bộ quy tắc ứng xử cụ thể đó. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng cần phải nhạy cảm trước những biểu hiện bất thường của con trẻ. Nếu có vấn đề gì thì cần phải tìm hiểu kĩ câu chuyện để cùng con trẻ giải quyết một cách thấu đáo chứ không nên chì chiết, trách móc.
Xin trân trọng cảm ơn ông!