Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ gồm 5 môn thi: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Không được bỏ bài thi đã chọn
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), 3 bài thi bắt buộc mà thí sinh phải làm gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng là Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Để được xét tốt nghiệp THPT, thí sinh phải làm 4/5 bài thi hoặc làm cả 5 bài.
Thí sinh tìm hiểu thông tin trong một chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” do Báo Người Lao Động tổ chức ở Đắk Lắk Ảnh: VĂN HẠNH |
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT cho biết đề thi năm nay nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 nhưng chủ yếu ở lớp 12. Đề thi sẽ có 2 phần: Một phần thuộc khối kiến thức cơ bản, chiếm hơn 50%, phần còn lại là nâng cao để phân hóa thí sinh. Bộ GD-ĐT cũng cho hay đề thi năm nay sẽ tăng số câu hỏi phân hóa để bảo đảm tính phân hóa khi xét tuyển vào các trường ĐH.
Bài thi toán gồm 50 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Bài thi ngữ văn được ra theo phương pháp tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Bài thi ngoại ngữ (trắc nghiệm) 50 câu, thời gian 60 phút. Các bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội cũng được ra theo phương pháp trắc nghiệm, tổng thời gian làm bài là 150 phút. Mỗi môn trong tổ hợp có 40 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài 50 phút. Sau khi làm hết môn này sẽ thu đề và phát môn tiếp theo, thời gian nghỉ giữa 2 môn liên tiếp trong cùng tổ hợp là 10 phút.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, lưu ý thí sinh được quyền chọn 1 trong 2 bài tự chọn để thi. Khi lựa chọn cả 2 bài thi tự chọn, thí sinh sẽ phải làm đủ cả 2, nếu bỏ 1 trong 2 bài sẽ bị coi là bỏ thi và không được xét công nhận tốt nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc không được xét tuyển vào ĐH.
1 điểm trở xuống không được xét tốt nghiệp
Theo dự thảo quy chế thi THPT quốc gia, những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1 điểm theo thang điểm 10 và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT. Năm nay, bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Đối với thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT, năm nay, ngoài việc đăng ký dự thi và nộp đầy đủ các giấy tờ, đúng thủ tục, đúng thời hạn, còn phải bảo đảm đã tốt nghiệp THCS.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, thí sinh phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5. Điều kiện này để bảo đảm đủ điều kiện về học lực, lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm.
Năm nay, Bộ GD-ĐT cũng xử lý mạnh tay hơn đối với những trường hợp gian lận trong thi cử.
"Đưa trường học đến thí sinh 2018" tại TP HCM
Vào lúc 8 giờ hôm nay (3-3), chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 17-2018 do Báo Người Lao Động tổ chức sẽ diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP HCM, Đài Truyền hình TP HCM truyền hình trực tiếp trên kênh HTV4.
Ban tư vấn chương trình gồm: TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam; TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM; ThS Trần Đình Huyên, Trưởng Ban Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Cơ sở 2 tại TP HCM; TS Trần Ngọc Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM; ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí - Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính - Marketing; TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM; PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ, Phó trưởng Khoa Chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM; TS-BS Thái Hồng Hà, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; ông Dương Duy Khải, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; ông Phạm Thanh Bình, Trưởng Phòng Quan hệ Doanh nghiệp Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn và đại diện Trường ĐH Văn Hiến. Chương trình sẽ giải đáp thắc mắc về Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2018; những thay đổi trong đề án thi của các trường ĐH; tư vấn chọn trường, chọn ngành và các vấn đề liên quan đến mùa thi 2018. "Đưa trường học đến thí sinh 2018" do Công ty CP Phân bón Bình Điền tài trợ chính; Vingroup và Công ty CP Truyền thông Thời Đại (thuộc Sun Group) tài trợ phụ. Chương trình đồng thời được tường thuật trực tuyến trên Báo Người Lao Động điện tử tại địa chỉ nld.com.vn. Mời bạn đọc đón theo dõi. |
Giảm điểm ưu tiên, tạo sự công bằng
Dự thảo quy chế tuyển sinh 2018 đã được hoàn thiện và trình lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành. Đáng ... |
Chỉ tiêu 2018 và điểm chuẩn 3 năm gần nhất của Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM
Một số thông tin về chỉ tiêu năm 2018 và điểm chuẩn của trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM để thí sinh tham ... |
ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội treo thưởng hấp dẫn cho thí sinh thi vào trường năm 2018
Thí sinh khi xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2018 sẽ có cơ hội nhận ... |