PGS TS Đỗ Ngọc Thống. |
Viết nghị luận xã hội là một trong hai yêu cầu của việc đánh giá năng lực viết của học sinh trong môn Ngữ văn. Chương trình trước năm 2000, nghị luận xã hội thường chỉ tập trung yêu cầu học sinh bàn về một tư tưởng, đạo lý thể hiện qua một câu danh ngôn nào đó.
Chương trình hiện hành (sau năm 2000) bổ sung thêm yêu cầu bàn luận về một hiện tượng đời sống là cần thiết. Vì khi ra đời, học sinh tiếp xúc với các sự kiện, hiện tượng trong cuộc sống nhiều hơn. Trước các sự kiện, hiện tượng đó, học sinh phải biết thể hiện tư tưởng, tình cảm, thái độ và chính kiến của mình.
Dạng nghị luận này giống như là việc tham gia thể hiện ý kiến (status hay comment) trên mạng xã hội. Về nguyên tắc bất kỳ một sự việc, con người, hiện tượng nào nếu thấy có ý nghĩa sâu sắc cũng có thể nêu lên để bàn luận. Vấn đề là người ra đề lựa chọn sự kiện, hiện tượng cụ thể nào, sự kiện, hiện tượng ấy có ý nghĩa sâu sắc không? Điều đó lại phụ thuộc vào quan niệm và thể hiện trình độ của mỗi người.
Đề thi Mỹ Tâm hát cùng chàng trai khiếm thị được đánh giá cao
Câu chuyện cảm động về việc ca sỹ Mỹ Tâm hát cùng chàng trai khiếm thị trong đêm giáng sinh đã trở thành đề tài ... |
Gắn nhà trường với đời sống, làm cho học sinh biết quan tâm đến các vấn đề của xã hội… là một yêu cầu của giáo dục nhà trường. Tuy nhiên, vì mục tiêu, đối tượng, phạm vi và yêu cầu giáo dục nhà trường mà việc lựa chọn các sự kiện, hiện tượng cho học sinh bàn luận trong đề văn phải thận trọng.
Những sự kiện và hiện tượng đó phải liên quan tới những vấn đề “nóng” về tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống…mà cả xã hội đang quan tâm; chúng vừa bảo đảm được yêu cầu thẩm mỹ, có tính giáo dục cao, vừa phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và gần gũi với đời sống (vật chất và tinh thần) của học sinh các cấp; không nên chạy theo những sự kiện, hiện tượng nhất thời, những giá trị chưa được khẳng định.
Do đó, để viết một đề văn nghị luận xã hội theo dạng mở, thực chất là các em phải trình bày suy nghĩ của riêng mình trước một hiện tượng, sự kiện xã hội nào đó; thuyết phục người đọc những gì mình cho là đúng. Dù ngắn hay dài không quan trọng, mà quan trọng là: Thứ nhất, cần nêu được suy nghĩ, ý tưởng/ý kiến của mình.
Những ý kiến/ý tưởng này càng riêng, càng độc đáo càng tốt. Nhưng như thế không phải là thích nói thế nào cũng được, mà phải có cơ sở, phải xuất phát từ những tư tưởng, quan niệm đạo lý cao đẹp của dân tộc và nhân loại. Thứ hai, là khi triển khai ý tưởng/ ý kiến cần tập trung làm nổi bật vấn đề, có lý lẽ và bằng chứng cụ thể để bài viết có sức thuyết phục. Văn phong diễn đạt cần sáng sủa, rõ ràng.
TS Trịnh Thu Tuyết. |
Việc các sự kiện trong lĩnh vực thời sự, chính trị, văn hoá, kinh tế...được đưa vào các câu hỏi đọc hiểu và theo đó là các câu hỏi nghị luận xã hội là một xu hướng ra đề mấy năm gần đây. Xu hướng này có tác dụng đưa cuộc sống xã hội tới gần hơn với cánh cửa học đường, giúp học trò biết quan tâm tới những vấn đề xung quanh mình, có thói quen quan sát, suy ngẫm, nhận xét về những vấn đề đó thông qua sự tương tác giữa dư luận xã hội với nhận thức của chính bản thân mình. Kiểu ra đề này còn giúp làm tăng hứng thú cho học sinh trong quá trình làm bài, phát huy năng lực tư duy độc lập và sáng tạo cho các em.
Tuy nhiên, kiểu ra đề này đang có xu hướng bị lạm dụng khi hầu hết các sự kiện trong thế giới truyền thông, giải trí... đều được đưa vào đề kiểm tra, đề thi. Mọi sự lạm dụng đều có thể dẫn tới những hệ luỵ tiêu cực. Có thể thấy khá nhiều sự kiện chưa được chọn lọc, chưa được kiểm chứng.
Thậm chí người ra đề cũng chưa có cái nhìn thấu đáo về sự kiện. Hiện tượng này làm giảm hiệu quả sư phạm của một hoạt động sư phạm khi vấn đề đặt ra trong đề thi nhiều khi phản cảm, không có giá trị nâng cao năng lực thẩm mĩ, bồi dưỡng những phẩm chất chân - thiện - mỹ cho tâm hồn, nhân cách con người.
Học sinh có thể chủ động đưa vào bài luận của mình một số hiện tượng xã hội như một dẫn chứng để bàn luận suy ngẫm, nhưng cũng những hiện tượng xã hội ấy lại không thể trở thành đối tượng nghị luận, nhất là với những kì thi có quy mô lớn như thi thành phố, thi tỉnh, thi quốc gia... Ví dụ cách đây mấy năm, hiện tượng Lệ Rơi, câu nói của một người mẫu về việc "Không có tiền thì cạp đất mà ăn à"... được đưa vào đề thi đã gây ra những phản ứng trái chiều của dư luận xã hội.
Cá nhân tôi cho là những hiện tượng ấy, bản thân nó nhờ đề thi, bỗng mang một tầm vóc lớn hơn nó vốn có, sẽ ít nhiều làm lệch lạc các quan niệm đạo đức vàchuẩn mựcthẩm mĩ cho học trò.
Do đó, công tác kiểm tra đánh giá là một khâu quan trọng của hoạt động dạy và học ở nhà trường phổ thông. Đề thi là khởi đầu quantrọng của công tác này. Cần có thái độ nghiêm túc nhất để chọn lựa được các ngữ liệu, các vấn đề phù hợp, để vừa giúp đưa văn chương đến gần hơn với cuộc đời, phát huy hứng thú sáng tạo và tư duy độc lập cho học sinh; vừa đảm bảo tính khoa học và sư phạm cho đề bài, giúp nâng cao năng lực thẩm mĩ, bồi dưỡng tâm hồn nhân cách cho học trò. Các sự kiện đưa vào đề bài cho học sinh suy nghĩ, luận bàn phải là vấn đề có giá trị định hướng thẩm mĩ, khơi gợi những xúc cảm nhân văn cao quý, tránh sự mơ hồ, lệch lạc...
Do vậy, khi đứng trước một đề bài có tính chất mở, học trò cần tỉnh táo xác định vấn đề, thông điệp tư tưởng đặt được đặt ra trong sự kiện, cũng là trong đối tượng nghị luận, kết hợp giữa tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo với việc hướng tới những chuẩn mực các giá trị chân thiện mỹ cao quý.