Đề xuất bỏ qui định về điều kiện riêng đăng kí thường trú Hà Nội, TPHCM

Đề xuất bỏ Điều 20 Luật Cư trú và không qui định thêm các điều kiện riêng đối với việc đăng kí thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương mà áp dụng chung trong cả nước như đối với các tỉnh.

Trong tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi) được gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an cho biết Luật Cư trú hiện hành qui định thêm các điều kiện riêng đối với việc đăng thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, trường hợp đăng kí thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 năm trở lên, trường hợp đăng kí thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 2 năm trở lên.

Đăng kí vào quận nội thành Hà Nội thực hiện theo qui định của Luật Thủ đô là phải tạm trú từ 3 năm trở lên. Đồng thời phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo qui định của Hội đồng nhân dân thành phố…

Việc qui định các điều kiện chặt chẽ trong đăng thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ góp phần hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.

Tuy nhiên, trong thực tế việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn chưa đủ điều kiện đăng thường trú.

"Chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả trong việc giảm tác động cơ học của tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn”- Bộ Công an đánh giá.

Đề xuất bỏ qui định về điều kiện riêng đăng kí thường trú Hà Nội, TPHCM - Ảnh 1.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) không qui định thêm các điều kiện riêng đối với việc đăng thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh minh hoạ)

Do vậy, Bộ Công an đề xuất trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) 2 phương án. Phương án 1 là không qui định việc này, bỏ Điều 20 Luật Cư trú hiện hành. Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ không qui định thêm các điều kiện riêng đối với việc đăng thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương mà áp dụng chung trong cả nước như đối với các tỉnh.

Phương án 2, tiếp tục qui định các điều kiện riêng đối với đăng thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như qui định của Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô.

Bộ Công an cho rằng qui định về điều kiện đăng thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương là một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau nên đề nghị các thành viên Chính phủ cho ý kiến về việc này.

Như Dân trí đã phản ánh trước đó, Luật Cư trú hiện hành qui định 5 trường hợp xóa đăng thường trú gồm: Người bị chết, bị tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại; đã có quyết định hủy đăng thường trú; ra nước ngoài để định cư; đã đăng thường trú ở nơi cư trú mới.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và tăng cường công tác quản cư trú được chặt chẽ hơn, hạn chế tình trạng cư trú “ảo”, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã đề xuất bổ sung 5 trường hợp cần xóa đăng thường trú.

Được biết, trong thời gian sắp tới Bộ Tư pháp sẽ tiến hành họp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thẩm định dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Điều kiện đăng kí thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương

Điều 20 Luật Cư trú hiện hành qui định về điều kiện đăng kí thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng kí thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

1. Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng kí thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng kí thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên;

2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột; c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột;

3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;

4. Trước đây đã đăng kí thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình

5. Trường hợp qui định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này đăng kí thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo qui định của Hội đồng nhân dân thành phố; b) Có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân; c) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

6. Việc đăng kí thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo qui định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô."

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.