Tình hình dịch ở Hà Nội, TP HCM phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng mới đây đã lên tiếng về tình hình dịch hiện nay.
Tình hình dịch ở Hà Nội, TP HCM phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát - Ảnh 1.

Hà Nội vắng vẻ những ngày dịch Covid-19. (Ảnh: Tri thức trực tuyến).

Trả lời báo chí, ông Mai Tiến Dũng cho biết, chỉ đạo của Thủ tướng mới đây nhằm mục tiêu trong 2 tuần tới, phải ngăn bằng được việc lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng.

Chỉ đạo này áp dụng với các hoạt động không cần thiết như tụ tập đông người để hội họp, giải trí hay như tổ chức sự kiện, đi chơi đông người... Còn đối với các cơ quan đoàn thể, các đơn vị hành chính thì vẫn đi làm. 

Tuy nhiên, khi đi làm trong bối cảnh dịch phức tạp, chính các cơ quan, đoàn thể phải tự điều chỉnh. Họp hành thì cắt bớt thành phần đại biểu, rồi chia người tham gia vào nhiều phòng họp trực tuyến khác nhau. Đây cũng là cơ hội tốt để sắp xếp và thay đổi lại cách việc làm truyền thống.

Về thông tin phong tỏa một số TP lớn như Hà Nội, TP HCM, ông Dũng khẳng định đây là thông tin không chính xác. 

"Dù dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát. Việc cần thiết hiện nay là siết chặt quản các hoạt động, tất cả dịch vụ không cần thiết phải đóng cửa", ông Dũng khẳng định.

Ông Dũng cho biết mức độ của dịch giờ đã cao hơn rất nhiều, nên phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn.

Các biện pháp hiện nay gồm hạn chế việc di chuyển; tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa. Chợ dân sinh nếu kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thì không bị tạm dừng hoạt động.

Chính phủ khuyến cáo người dân chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thực sự cần thiết, nếu bắt buộc thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc với người khác tại các địa điểm công cộng.

Cuối cùng, ông Dũng nhấn mạnh: "Chính phủ mong người dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ".

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.