Những ngày qua, trong tỉnh Bắc Giang xuất hiện 3 ổ dịch Covid-19, trong đó 2 ổ dịch tại Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung và Quang Châu (Việt Yên). Dịch bệnh trong KCN diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, các cấp, ngành trong tỉnh đang tích cực vào cuộc; Bộ Y tế và một số tỉnh, TP, đơn vị đã chi viện lực lượng hỗ trợ tỉnh tập trung dập dịch.
Theo cơ quan chức năng, ổ dịch đầu tiên xuất hiện trong KCN là tại Công ty TNHH Shin Young Việt Nam, KCN Vân Trung, sau đó lây lan ra một số doanh nghiệp (DN) nhỏ thuê xưởng của Công ty SJ Tech và sang công ty lân cận do công nhân đi cùng xe chở công nhân và ở cùng nhà trọ. Ổ dịch này có nhiều ca nhiễm, đến nay không phát hiện thêm ca bệnh mới trong xưởng sản xuất, chủ yếu là đối tượng F1 đã cách ly tập trung. Đáng lo ngại, từ ngày 14/5, ổ dịch thứ 2 tiếp tục bùng phát tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, KCN Quang Châu. Đây là DN 100% vốn đầu tư Hàn Quốc. Ổ dịch này được đánh giá rất nguy hiểm, công nhân trong phân xưởng làm điện tử ngồi sát nhau nên tốc độ lây lan rất nhanh.
Được biết, ngay sau khi phát hiện 2 ổ dịch trên, lực lượng chức năng của tỉnh yêu cầu toàn bộ công nhân ở lại DN, khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Đồng thời khẩn trương thực hiện các biện pháp như: Lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động, sau đó đưa các đối tượng F0 đi điều trị, thực hiện cách ly tập trung trường hợp F1, còn F2 tự cách ly tại nhà. Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với DN tổ chức truy vết người tiếp xúc gần với ca bệnh ở trong và ngoài KCN để có biện pháp phòng dịch.
Tại cuộc họp khẩn với các ngành liên quan mới đây tại Ban Quản lý Các KCN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chỉ rõ, ổ dịch tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam diễn biến nghiêm trọng, nguy cơ lây lan nhanh trên phạm vi rộng bởi nhiều DN của Hàn Quốc trong các KCN thường xuyên trao đổi hàng hóa, di chuyển công nhân với nhau.
Lượng công nhân này chủ yếu là người dân thuộc huyện Việt Yên và đang trọ ở các thôn: Núi Hiểu, xã Quang Châu; thôn Trung Đồng, xã Vân Trung, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng. Thêm vào đó, ở các KCN của tỉnh có hơn 160 nghìn công nhân của hàng trăm DN, khả năng tiếp xúc giữa công nhân với nhau cao nên việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh đề xuất với Bộ Y tế, hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, TP Hà Nội và Bộ Quốc phòng chi viện lực lượng y tế hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho lao động trong DN và người dân tại các địa phương liên quan để tầm soát, kiểm soát dịch bệnh.
Ngay trong hai ngày 15 và 16/5, đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã thần tốc lấy mẫu xuyên đêm cho lao động ở hơn 20 DN tại KCN Quang Châu, Đình Trám và Song Khê - Nội Hoàng, ưu tiên xét nghiệm cho công nhân tại DN Hàn Quốc trước với số lượng gần 23 nghìn mẫu, nâng tổng số mẫu xét nghiệm cho công nhân toàn tỉnh lên hơn 123 nghìn mẫu của các DN trong KCN. Từ ngày 17, các y, bác sĩ tiếp tục lấy mẫu cho số lượng công nhân trong các DN còn lại cũng như ngoài KCN đang theo dõi y tế và cả người dân khu vực có số lượng công nhân ở trọ, tập trung chủ yếu ở huyện Việt Yên.
Yêu cầu lao động ở lại tỉnh
Để nhanh chóng dập dịch, hạn chế tối đa lây lan từ KCN ra cộng đồng và các tỉnh lân cận, ngày 17/5, UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu người lao động là người ngoài tỉnh đang làm việc ở các DN tại Bắc Giang ở lại, không về quê để bảo đảm PCD. Hiện, các huyện, TP đang khẩn trương rà soát, lập danh sách, số điện thoại và yêu cầu công nhân người tỉnh ngoài cam kết chấp hành nghiêm các quy định PCD, không di chuyển ra khỏi địa bàn; lực lượng chức năng kiểm tra giám sát, đề xuất xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, ngay trong sáng 17/5, đơn vị thông báo và đề nghị lãnh đạo quản lý DN, các chuyên gia không di chuyển ra ngoài tỉnh mà có kế hoạch ở lại tại một số khách sạn trên địa bàn TP Bắc Giang sau khi có xét nghiệm âm tính, đồng thời cam kết hằng ngày chỉ di chuyển đến nơi làm việc và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Đối với công nhân, Ban Quản lý Các KCN tỉnh khuyến khích các DN bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân tại chỗ để lao động sản xuất.
Tại xã Quang Châu (Việt Yên), ngay sau khi UBND tỉnh có văn bản trên, Ban Chỉ đạo PCD xã tổ chức tuyên truyền đến người dân, công nhân thuê trọ ở 8/8 thôn và siết chặt kiểm soát người ra vào tại các điểm chốt. Ghi nhận tại thôn Núi Hiểu, nơi đang thực hiện cách ly y tế cho thấy, cùng với thực hiện nghiêm quy định, từ nguồn hỗ trợ của các DN, nhà hảo tâm, Ban quản lý thôn giao đoàn thanh niên tổ chức phát suất ăn miễn phí cho công nhân đang ở trọ. Các chủ nhà trọ cũng cam kết tiếp nhận, đứng ra mua nhu yếu phẩm cần thiết cho công nhân ở trọ khi họ có nhu cầu.
Vừa nhận suất ăn miễn phí, chị Hoàng Thị Thời (SN 1983) ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) chia sẻ: “Do có hai con nhỏ nên bình thường cứ hai tuần tôi lại về thăm nhà một lần. Nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lại đang ở vùng cách ly nên tôi tuân thủ nghiêm quy định của địa phương, vừa giữ an toàn cho bản thân và gia đình, vừa chung tay PCD”. Tương tự, chị Vi Thị Cúc (SN 1988) quê ở tỉnh Quảng Ninh, công nhân Công ty TNHH Si Flex, KCN Quang Châu cũng cho biết, chị chấp hành nghiêm quy định phòng dịch và không về quê.
Tại “tâm dịch” huyện Việt Yên, cùng với tuyên truyền, Ban Chỉ đạo PCD huyện có công văn đề nghị các DN quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động, chi trả, tạm ứng tiền lương để công nhân yên tâm bám trụ tại DN, địa bàn. Ban Chỉ đạo huyện giao Ủy ban MTTQ huyện kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ, bảo đảm nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, nhất là tại những nơi có nhiều công nhân thuê trọ.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo PCD huyện Việt Yên nói: “Để dịch không lây lan rộng, chúng tôi giao và gắn trách nhiệm quản lý công nhân là người tỉnh ngoài đang thuê trọ cho Chủ tịch, Trưởng Ban Chỉ đạo PCD các xã, thị trấn. Địa phương nào để công nhân bỏ trốn về quê, không chấp hành các quy định, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Đồng thời yêu cầu Công an huyện phối hợp với các xã, thị trấn nắm bắt tình hình, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Cùng với các biện pháp trên, tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan cùng với DN tháo gỡ khó khăn về nơi lưu trú cho chuyên gia, người lao động trong điều kiện ở lại địa bàn tỉnh để PCD.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các KCN và trên địa bàn huyện Việt Yên, Yên Dũng, đêm 17/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm dừng hoạt động 4 KCN gồm: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng; cách ly xã hội huyện Việt Yên và 3 xã của huyện Yên Dũng để phòng, chống dịch.
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/5/2021, 4 KCN: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung và Song Khê - Nội Hoàng phải tạm dừng hoạt động; thực hiện cách ly xã hội huyện Việt Yên và 3 xã: Nội Hoàng, Tiền Phong, Yên Lư của huyện Yên Dũng theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các KCN và trên địa bàn huyện Việt Yên, Yên Dũng, đêm 17/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm dừng hoạt động 4 KCN gồm: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng; cách ly xã hội huyện Việt Yên và ba xã của huyện Yên Dũng để phòng, chống dịch.
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/5/2021, 4 KCN: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung và Song Khê - Nội Hoàng phải tạm dừng hoạt động; thực hiện cách ly xã hội huyện Việt Yên và 3 xã: Nội Hoàng, Tiền Phong, Yên Lư của huyện Yên Dũng theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới.
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.