Đề xuất giải pháp gỡ khó cho nguồn vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.
Đề xuất giải pháp gỡ khó cho nguồn vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đinh Thọ cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam đã tháo gỡ, giảm bớt thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ.

“Hiện nay, đã có một số mỏ vật liệu đất đắp nền đường đã được cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác, nâng công suất khai thác theo Nghị quyết 60/NQ-CP của Chính phủ, góp phần giảm bớt khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường cho dự án”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, thực tế một số mỏ có thể tiếp tục nâng công suất khai thác, tăng trữ lượng để đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp nền đường của dự án. Hiện vẫn còn 9/11 dự án thành phần qua địa bàn 11 tỉnh thiếu hụt về nguồn vật liệu đắp ở các mức độ khác nhau.

Theo đó, tại các dự án thành phần đang thi công, việc thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp nền đường sẽ dẫn tới chậm tiến độ thi công, không giải ngân được vốn đầu tư công.

Để tháo gỡ khó khăn về việc thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp nền đường tại các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tai nguyên và Môi trường tham mưu ban hành Nghị quyết sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 60/NQ-CP.

Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị cho phép UBND tỉnh nơi dự án đi qua được điều chỉnh công suất khai thác các mỏ đất đắp nền đường theo nhu cầu của dự án thành phần, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường và an toàn. Sau khi cung cấp đủ vật liệu san lấp cho dự án thành phần thì dừng việc nâng công suất và tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp trước đó.

Lý giải về đề xuất này, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, nhiều mỏ đất đắp trong khu vực có điều kiện thuận lợi nhưng công suất khai thác ghi trong giấy phép mỏ thường chỉ từ 20.000 - 40.000m3/năm nên việc nâng công suất khai thác theo Nghị quyết 60/NQ-CP thêm 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác cũng không khai thác hết trữ lượng của mỏ trong thời gian thi công dự án.

Bộ GTVT cũng kiến nghị trong Nghị quyết sửa đổi sẽ lược bỏ quy định: “Không tăng trữ lưỡng đã cấp phép” tại điểm b khoản 1 Nghị quyết 60/NQ-CP. Bởi, thực tế một số mỏ đất trong giấy phép khai thác quy định trữ lượng nhỏ hơn nhiều so với trữ lượng, khả năng khai thác thực tế của mỏ.

Chẳng hạn, mỏ tại Bình Thuận như Hàm Trí có trữ lượng 93.000m3, có thể tăng lên 400.000m3; mỏ Hàm Cần trữ lượng 53.000m3, có thể tăng lên 200.000m3; mỏ Núi Ếch trữ lượng 384.000m3, có thể tăng lên 600.000m3.

Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá: “Việc lược bỏ quy định này nhằm tăng nguồn cung cấp cho dự án trong thời gian chờ các mỏ bổ sung làm thủ tục cấp phép”.

Theo đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), hiện nay, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có 9 dự án thành phần đi qua địa bàn 11 tỉnh gặp vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp.

Các dự án này đang thiếu hụt khoảng 21,6 triệu m3 vật liệu đất đắp nền đường, gồm: 14,4 triệu m3 tại các mỏ chưa được cấp phép khai thác và 7,2 triệu m3 nằm tại các mỏ đã cấp phép khai thác nhưng do chưa giải phóng mặt bằng. Hoặc, cự ly vận chuyển quá xa nên cần phải cấp phép bổ sung thêm các mỏ đất.

Đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho rằng, nếu không kịp thời tháo gỡ các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu đất đắp, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ chậm tiến độ. Đặc biệt là hai dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây có nguy cơ không hoàn thành vào tháng 12/2022.

Các dự án thiếu hụt vật liệu đất đắp, gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45 (tỉnh Ninh Bình), Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Nghi Sơn - Diễn Châu (tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An), Diễn Châu - Bãi Vọt (tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh), Cam Lộ - La Sơn (tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), Nha Trang - Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (tỉnh Bình Thuận), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Phan Thiết - Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai).

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.