Đề xuất làm hai km đường ven sông Sài Gòn qua khu trung tâm

Tuyến đường uốn theo sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm thành phố được đề xuất đầu tư với kinh phí 1.800 tỷ đồng, giúp kết nối giao thông và không gian ven bờ.

Dự án đường ven sông Sài Gòn nằm trong nhóm công trình trọng điểm vừa được Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất chính quyền thành phố đưa vào kế hoạch ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2030.

Đoạn đường dài gần hai km, rộng 31 - 33 m, kết nối từ đường Tôn Đức Thắng, quận 1 tới khu Tân Cảng, quận Bình Thạnh (vượt qua hai khu dân cư cao cấp ở khu vực là Saigon Pearl và Vinhomes). Khi hình thành, tuyến mở ra hướng đi mới từ cầu Sài Gòn vào khu trung tâm, tạo thêm không gian cho người dân tiếp cận dòng sông thay vì nhiều đoạn ven bờ tại đây đang là đường "nội bộ".

Sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm TP HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Đoạn đường ven sông này trước đó đã được quy hoạch trong đồ án phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm TP HCM hiện hữu (930 ha) nhưng chưa hình thành. Dọc tuyến có một số đoạn đã được chủ đầu tư các dự án xây dựng với chiều rộng 15-35 m. Tuy nhiên, giao thông chưa kết nối thông suốt, như giữa khu Saigon Pearl và Vinhomes đang bị ngăn cách bởi một bức tường. Đoạn gần cầu Thủ Thiêm cũng có các công trình, văn phòng, khu tập golf... do Tổng công ty Ba Son quản lý, sử dụng.

Ngoài đoạn đường ven sông được kiến nghị ưu tiên đầu tư, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất  ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng ven sông Sài Gòn. Công trình dài gần một km từ cầu Ba Son đến cầu Khánh Hội, dự kiến có tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng, thực hiện trước năm 2030.

Vị trí đoạn đường ven sông Sài Gòn được đề xuất ưu tiên đầu tư. (Đồ họa: Hiếu Khánh).

Sông Sài Gòn dài 256 km, bắt đầu từ Bình Phước, sau đó qua Tây Ninh, Bình Dương và TP HCM. Đoạn sông chảy qua TP HCM dài khoảng 80 km được ví như "dải lụa mềm" uốn lượn, tạo ra các bán đảo đẹp như Thanh Đa hay Thủ Thiêm. Tuy nhiên, quá trình phát triển hành lang bờ sông được đánh giá chưa đồng bộ, làm hạn chế tiềm năng khai thác. TP HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Trong đó, sông Sài Gòn được xác định là trung tâm và điểm nhấn trong các quy hoạch này.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.