Minh họa: Khều. |
Cẩn trọng cách tính thuế
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho biết, việc Bộ Tài chính đề xuất nâng thuế bảo vệ môi trường lên tối đa 8.000 đồng/lít với xăng và 4.000 đồng/lít, kg với các loại dầu có thể xuất phát từ việc bộ này “đón trước” việc thuế nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN sẽ giảm xuống 0% theo các cam kết hội nhập và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Đây là cách mà Bộ Tài chính đã từng áp dụng hồi năm 2015 khi đề xuất từ 1/5 nâng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng từ 1.000 đồng/lít tăng lên 3.000 đồng/lít, dầu diezen tăng thuế từ 500 đồng/lít tăng lên 1.500 đồng/lít, dầu madut cũng tăng từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít.
Theo lý giải của Bộ Tài chính tại thời điểm hồi năm 2015, việc điều chỉnh thuế trên là để ứng phó với vấn đề hụt thu ngân sách do phải giảm thuế theo các cam kết hội nhập. Theo tính toán, mặt hàng xăng dự kiến thu 20.911,8 tỷ đồng/năm, tăng 13.941,2 tỷ đồng/năm trong khi các mặt hàng dầu dự kiến thu được khoảng 13.228,9 tỷ đồng/năm thuế bảo vệ môi trường, tăng 8.819,2 tỷ đồng/năm. Số thu thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu cũng tăng lên khoảng 2.371,9 tỷ đồng. Ước tính tổng số thu ngân sách năm 2015 dự kiến tăng lên khoảng 26.091,8 tỷ đồng.
Cũng theo vị đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này, hiện Bộ Tài chính vẫn chưa sử dụng hết room cho phép đối với mặt hàng xăng (hiện mới áp dụng mức 3.000 đồng/lít, trong khi luật được phép tăng lên 4.000 đồng/lít) nên đây chỉ là mức xin tăng để làm “dự phòng” cho các năm về sau khi giảm thuế nhập khẩu về 0%. “Chắc Bộ Tài chính sẽ phải cân đối mức tăng thuế bảo vệ môi trường tương đương với mức giảm về 0% từ năm 2018 của thuế nhập khẩu xăng dầu. Hiện thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng khoảng 2.200 đồng/lít nên Bộ Tài chính họ sẽ phải bù đắp bằng cách tăng thuế môi trường. Vấn đề họ sẽ phải cân nhắc, tính toán, không để tăng thuế dẫn đến giá bán lẻ xăng dầu hiện hành tăng cao hơn. Nếu không sẽ bị phản ứng. Doanh nghiệp chúng tôi chỉ biết tính toán và nộp thuế bảo vệ môi trường còn chi tiêu số tiền nộp thế nào hằng năm thì phải hỏi Bộ Tài chính”, vị này nói.
Theo một chuyên gia trong ngành xăng dầu, việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên tối đa 8.000 đồng/lít xăng và 4.000 đồng/lít, kg với các loại dầu khác chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá bán lẻ các mặt hàng xăng nếu không có sự kiểm soát, tính toán cụ thể về mức tăng. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra do với cách tính hiện nay, khi áp dụng, số tiền thu thuế VAT cũng sẽ tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường cần được sử dụng đúng cho việc bảo vệ môi trường, tránh tình trạng thu nhiều chi ít. Ảnh: Như Ý |
Thu bốn đồng, mới chi sử dụng 1 đồng
Về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường, theo Bộ Tài chính, mức thu thuế hiện đã gần “kịch trần”, nên chưa phù hợp với việc thay đổi trong từng thời kỳ khác nhau đối với xăng dầu và chưa đủ khuyến khích sử dụng xăng sinh học. Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi quy định để mở rộng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn 2012-2016, tổng thu thuế bảo vệ môi trường đạt 11.160 tỷ đồng vào năm 2012 (chiếm 1,48% tổng thu ngân sách nhà nước); tăng mạnh lên 27.020 tỷ đồng năm 2015 (chiếm 2,7% tổng thu ngân sách), và ước đạt 42.393 tỷ đồng năm 2016 (chiếm 4,08% tổng thu ngân sách).
Bộ Tài chính đánh giá, số thu thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm, chiếm tỷ trọng khoảng 1,5% - 4,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Dù đạt được số thu lớn nhưng theo Bộ Tài chính, không phải tất cả phần thu thuế trên được dùng cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Thực tế, số chi cho bảo vệ môi trường vẫn thấp hơn số thu, thậm chí chỉ bằng 1/4 số thu (dù đạt mức quy định không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần theo tốc độ tăng trưởng kinh tế).
Cụ thể, tổng chi sự nghiệp môi trường năm 2010 là 6,2 nghìn tỷ đồng, năm 2011 chi 7,6 nghìn tỷ đồng, năm 2012 chi 9 nghìn tỷ đồng (thu 11.160 tỷ đồng), năm 2013 chi hơn 9,77 nghìn tỷ đồng, năm 2014 chi gần 10 nghìn tỷ đồng, năm 2015 chi 11.400 tỷ đồng (thu 27.020 tỷ đồng), năm 2016 chi 12.290 tỷ đồng. Theo cách tính này, năm 2015, chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường chưa bằng một nửa số thu, năm 2016 chỉ hơn 1/4 số thu được. Cả giai đoạn 2011-2015, chi cho sự nghiệp môi trường đạt 47.452 tỷ đồng, chỉ cao hơn chút ít so với số ước thu thuế bảo vệ môi trường của cả năm 2016 (thu được 42.393 tỷ đồng).
Cần minh bạch khoản chi
Trao đổi với PV Tiền Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, lý do Bộ Tài chính dự thảo điều chỉnh thuế môi trường lên mức tối đa 8.000 đồng/lít với mặt hàng xăng trong bối cảnh hiện nay rất khó thuyết phục được người dân đồng thuận. Theo ông Cung, cách tốt nhất là phải minh bạch nguồn thu và nguồn chi sử dụng tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường theo từng giai đoạn, theo từng năm để người dân theo dõi. Ở các nước họ cũng thu thuế bảo vệ môi trường. “Người dân đều đồng thuận thu thuế bảo vệ môi trường nếu như số tiền người dân nộp thông qua giá xăng dầu được sử dụng quay trở lại phục vụ chất lượng sống của người dân. Nếu người dân biết tiền họ nộp thuế bảo vệ môi trường được dùng vào công tác bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường thì dù có tăng thêm thì người dân vẫn sẽ đồng thuận”, ông Cung nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, kinh nghiệm ở các nước cho thấy, người dân vẫn sẵn sàng chấp nhận tiền thuế bảo vệ môi trường tăng gấp 3-4 lần nếu như tiền nộp được đưa vào một quỹ riêng phục vụ công tác bảo vệ môi trường hoặc dùng để đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. “Thuế bảo vệ môi trường tăng mà người dân không được biết tiền đóng đi đâu thì rất khó nhận được sự ủng hộ. Còn vin nguồn thu khó quá để tăng thuế thì càng không được sự ủng hộ”, ông Cung nói.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện thuế, phí chiếm hơn 50% trong cơ cấu giá thành xăng dầu nếu Bộ Tài chính tiếp tục tăng gấp đôi thuế bảo vệ môi trường thì khó chấp nhận. Với đề xuất này, nếu áp dụng “kịch” khung là 8.000 đồng/lít đồng nghĩa riêng khoản thuế này đã chiếm tới 50% mức giá bán lẻ mặt hàng xăng. “Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của sản xuất, tăng thuế sẽ khiến giá hàng hoá “té nước theo xăng”, ông Long nói và cho rằng, Bộ Tài chính cần cơ cấu lại thu chi ngân sách, siết chặt kỉ cương tài chính đồng thời tính tới việc đánh thuế với các loại hàng hóa, tài sản khác thay vì tập trung vào xăng, dầu. |