Theo báo Giao thông, thị xã Sơn Tây vừa đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương xây dựng đề án thí điểm phố đi bộ xung quanh thành cổ Sơn Tây.
Điểm đầu phố đi bộ nằm ở cổng cũ UBND thị xã. Điểm cuối ở ngã ba Quang Trung - Hoàng Diệu - Nguyễn Thái Học.
Phạm vi hoạt động của phố đi bộ như sau: đường Phó Đức Chính, Phan Chu Trinh (gồm cả vỉa hè bên phía hào thành cổ), đường dạo phía ngoài cửa thành cổ Sơn Tây, vườn hoa trung tâm, 1/2 quảng trường khu vực trung tâm văn hóa, sân trước khu vực trung tâm văn hóa và quảng trường sân vận động thị xã.
Thời gian hoạt động phố đi bộ vào tối thứ Bảy và sáng Chủ nhật hàng tuần buổi sáng từ 7 - 12 giờ; buổi tối từ 19 - 23 giờ.
Trước đó, thị uỷ Sơn Tây đã đề nghị cho phép nghiên cứu thành lập TP Sơn Tây trực thuộc TP Hà Nội trên cơ sở quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc và quy hoạch đô thị vệ tinh Sơn Tây.
Theo Nghị quyết số 21 về việc thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2021 được HĐND TP Hà Nội phê duyệt, thị xã Sơn Tây có 30 dự án với tổng diện tích 244 ha. Trong đó, diện tích thu hồi đất là 140,54 ha, diện tích chuyển mục đích đất lúa là 9,48 ha.
Cụ thể, thị xã Sơn Tây thu hồi đất để nâng cấp, cải tạo và xây dựng các dự án giao thông, xây dựng hạ tầng kĩ thuật khu đất đấu giá; xây dựng trung tâm văn hoá...
Thị xã Sơn Tây là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội 42 km về phía Tây Bắc.
Đây là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của cả vùng, có nhiều đường giao thông thuỷ, bộ nối với trung tâm Thủ đô Hà Nội, các vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng Tây Bắc như: sông Hồng - sông Tích, đường Quốc lộ 32, Quốc lộ 21A...
Thị xã Sơn Tây có tổng diện tích tự nhiên là 113,46 km2, dân số khoảng 18 vạn người, được chia làm 15 đơn vị hành chính gồm 9 phường, 6 xã; có 53 cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học và 30 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn.
Ngày 2/8/2007, Chính phủ quyết định thành lập TP Sơn Tây trực thuộc tỉnh Hà Tây. Ngày 1/8/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây sáp nhập với Hà Nội, trong đó, TP Sơn Tây trở thành thị xã Sơn Tây thuộc Hà Nội.