Sáng nay (15/9), Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (Mã: HNG) tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2016. Đại hội có sự tham dự của 166 cổ đông đại diện cho 674,6 triệu cổ phần, tương ứng 87,54%.
Kết thúc Đại hội, cổ đông thông qua tất cả nội dung tờ trình.
Phần thảo luận:
- Cổ đông hỏi: Kế hoạch kinh doanh 2016, với 6 tháng cuối năm, không thấy phát sinh mảng mía và bắp. Xin hỏi 2 mảng này định hướng thế nào? 6 tháng cuối năm có khả năng thanh lý tài sản thì quy mô như thế nào?
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT: Không đưa doanh số mía đường vì tập trung trả nợ công ty mẹ. Chúng tôi sẽ bán nhà máy mía đường, đang thương lượng. Về bắp, những năm trước có, nhưng năm nay phát sinh đàn gia súc, năm nay tập trung cho chăn nuôi, nếu dư thừa mới đưa ra thị trường.
Sau khi bán nhà máy mía đường, khả năng chúng tôi sẽ bán 10.000 ha - 20.000 ha cao su tại Lào (đang xin ý kiến Chính phủ). Cộng với diện tích bắp, nếu bán 20.000 ha cao su cho những đối tác lớn, như Trung Quốc chẳng hạn thì thu được khoảng 8.000 tỷ đồng. Nếu bán thành công sẽ còn hơn 60.000 ha đất cao su. Theo lộ trình này, đến 2017, chúng ta sẽ giải quyết cơ bản nợ, hiện tại đang chờ phương án phê duyệt tái cấu trúc của Chính phủ.
Nếu Nhà nước hỗ trợ HAGL tái cấu trúc thì không bán gì, nếu gặp trục trặc thì bán 20.000 ha để giải quyết nợ. Chúng tôi đã gặp gỡ nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc, họ đo đạc thăm dò nhiều rồi. Bản chất của HAGL là mất cân đối dòng tiền chứ không phải là mất cân đối tài sản.
- Tại sao phát hành 110 triệu cổ phần với giá 6.400 đồng/cp?
Ông Đoàn Nguyên Đức: Giá 6.400 tỷ đồng là giá chốt ngày hôm qua. Còn 110 triệu vì dự kiến tiếp tục giãn nợ, việc phát hành này làm giãn nợ. Công ty đang nợ Temasek trên 1.100 tỷ đồng. Lấy số đó làm số tham chiếu an toàn. Chúng tôi đang đàm phán, hi vọng họ đồng ý.
- Biên độ lãi gộp từ bò khá thấp vì sao? Tại sao mua Cao su Đông Dương khi ngành cao su gặp khó khăn?
Ông Võ Trường Sơn, thành viên HĐQT: Về bò, yếu tố trọng yếu là giá cả thị trường sụt giảm mạnh, ngoài ra chi phí lãi vay không còn được tính vào giá vốn nên biên độ lãi gộp giảm. Mua công ty Đông Dương vì mua giá trị đất đai với chi phí rẻ, giá trị cao su không thuộc giá trị thương vụ. Giá đất hợp lý và thấp hơn thị trường, chất lượng đất tốt.
Về cọ dầu, đến thời điểm này, nhà máy đã hoàn thiện, sẵn sàng làm sản phẩm thương mại. Tuy nhiên cuối năm nay công ty mới có thể khai thác thương mại, đem lại doanh thu.
Kế hoạch nửa cuối năm 2016 hòa vốn
Theo nội dung tờ trình, công ty đặt kế hoạch năm 2016 với doanh thu thuần 4.309 tỷ đồng và LNST lỗ 559 tỷ đồng (bằng con số lỗ 6 tháng đầu năm). Đại diện công ty cho biết, 6 tháng cuối năm, HNG tiếp tục đánh giá lại tài sản, làm sổ sách kế toán ở trạng thái "tròn trịa, sạch sẽ" để bước vào năm 2017 với khí thế mới. Vị đại diện này cũng khẳng định doanh thu sẽ tiếp tục tăng nhưng lợi nhuận kỳ vọng không gây lỗ thêm.
Đối với ngành chăn nuôi, Tập đoàn dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 100.000 con bò thịt trong năm, đem lại doanh thu khoảng 3.063 tỷ đồng, LN gộp khoảng 345 tỷ đồng. Về bò sữa, với tổng đàn hiện nay 7.500 con, dự kiến công ty sẽ có doanh thu 302 tỷ đồng trong năm.
Ngành trồng trọt, Công ty dự kiến tiêu thụ 31.477 tấn đường, mang lại doanh thu 370 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 112 tỷ đồng.
Về cao su, trong năm 2016 Tập đoàn dự kiến khai thác 4.403 ha, thu 5.265 tấn mủ khô góp phần mang lại doanh thu 127 tỷ đồng và lỗ khoảng 59 tỷ đồng. Về bắp, sản lượng tiêu thụ khoảng 26.927 tấn, doanh thu 136 tỷ đồng.
Đối với các khoản vay các bên liên quan, HĐQT xin ý kiến cổ đông thông qua việc công ty đã cấp các khoản vay cho các bên có liên quan được nhấn mạnh trong kết luận kiểm toán của báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 và bán niên 2016 được kiểm toán.
HĐQT cũng trình và xin ý kiến cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT được phép thực hiện điều chuyển vốn, cho vay giữa các công ty với nhau và sẽ báo cáo kết quả tại ĐHCĐ thường niên 2017.
Theo đó, đối với việc điều chuyển vốn, cho vay giữa các công ty với nhau trong năm 2016, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và quản lý tài chính tập trung. Công ty mẹ đóng vai trò là đơn vị chuyên thu xếp và điều phối vốn (bao gồm cả vốn vay) cũng như điều tiết nguồn lợi nhuận thu được từ các công ty con để đảm bảo dòng tiền cho toàn công ty.
Phát hành 110 triệu cổ phiếu cho NĐT chiến lược, giá tối thiểu 6.400 đồng/cp
HĐQT trình cổ đông kế hoạch phát hành 110 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược với giá chào bán dự kiến từ 6.400 đồng/cp trở lên. Mức giá chào bán cụ thể sẽ do HĐQT quyết định tại thời điểm chào bán và dựa trên sự đàm phán với các đối tượng, nhưng không thấp hơn mức giá chào bán tối thiểu.
Tổng số vốn dự kiến thu về là 704 tỷ đồng, dùng để tái cơ cấu nguồn vốn công ty. Theo báo cáo tài chính riêng đã được kiểm toán tại ngày 30/6/2016, nguồn thặng dư vốn cổ phần của HNG là 1.064 tỷ đồng.
Số cổ phần dự kiến bán cho dưới 100 nhà đầu tư. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, mong muốn gắn kết lâu dài với công ty, có kinh nghiệm trong quản lý và điều hành, hỗ trợ công ty trong quản trị, chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ.
Số cổ phần này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày phát hành. Số cổ phiếu không bán hết được HĐQT phân phối tiếp cho các đối tượng khác theo cách thức và điều kiện phù hợp với giá bán tối thiểu.
HĐQT cũng trình cổ đông thông qua sử dụng vốn phát hành từ chào bán 59 triệu cổ phiếu riêng lẻ để mua lại 100% Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương. Trước đó, Trung tâm lưu ký chứng khoán đã phong tỏa 59 triệu cổ phần phát hành cho Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh (27,5 triệu cổ phần) và Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh (31,5 triệu cổ phần) cho đến khi có ý kiến đồng ý của ĐHCĐ công ty.
Giá cổ phiếu HNG từ đầu năm đến nay đã giảm 78%, từ mức giá 29.000 đồng xuống còn 6.300 đồng/cp.