Sáng nay (ngày 26/4), CTCP Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, mã chứng khoán: VSN) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, tại đại hội, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 4.100 tỷ đồng, tăng 6% so với kết quả thực hiện được trong năm 2022 và lợi nhuận trước thuế 182 tỷ đồng, tăng 5%.
Tại đại hội, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty cho biết, đây là mục tiêu thận trọng mà công ty đưa ra trong tình hình kinh tế khó khăn, và sức mua cũng vẫn còn thấp.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, năm nay, công ty dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 6%/mệnh giá, tạm trích 10% lợi nhuận sau thuế cho quỹ khen thưởng, phúc lợi và trích 15% cho quỹ đầu tư phát triển.
Để thực hiện được mục tiêu kinh doanh, công ty cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu heo hơi theo hướng Feed – Farm – Food, hướng đến đáp ứng 20 - 30% nhu cầu của công ty trong dài hạn.
Bên cạnh đó là tập trung thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, phòng dịch ASF, đảm bảo an toàn sinh học tại Xí nghiệp chăn nuôi Bình Thuận, tiếp tục xây dựng các liên kết, hợp tác về nguồn nguyên liệu heo hơi với các đơn vị chăn nuôi lớn nhằm đảm bảo nguồn heo hơi ổn định, kiểm soát chất lượng và giá cả cạnh tranh trong dài hạn.
Tiếp tục rà soát toàn bộ chi phí nguyên vật liệu đầu vào, nghiên cứu thay thế nguyên phụ liệu có giá cao hoặc khả năng cung ứng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan tác động đến giá thành sản phẩm.
Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bán hàng thông qua việc tìm kiếm thêm khách hàng, chào hàng vào các hệ thống, điểm bán hàng mới. Thực hiện rà soát đề ra mô hình mới cho hoạt động kinh doanh ở chợ truyền thống nhằm tăng tính cạnh tranh, phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng.
Đối với hoạt động xuất khẩu, công ty sẽ tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu hiện hữu (Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc…), chú trọng tìm kiếm thêm khách hàng mới, phát triển thị trường tại Úc và Đức để gia tăng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu tại châu Úc và châu Âu.
Chia sẻ thêm về dự án di dời và đổi mới công nghệ Nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm Vissan, Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Phúc Khoa cho biết, năm nay, công ty sẽ tiếp thực hiện các hồ sơ, thủ tục chuyển đổi từ cụm công nghiệp sang dự án đầu tư trực tiếp, xin cấp mới giấy chứng nhận đầu tư.
Sau đó, thực hiện thủ tục chuyển sang hình thức thuê đất theo quy định sau khi cổ phần hóa và thực hiện chỉnh lý biến động về hình thể và tọa độ mốc ranh khu đất dự án tại Long An trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đúng với thực trạng khu đất hiện nay.
Song song với đó là thực hiện hồ sơ dự án điều chỉnh và các công việc, hồ sơ, thủ tục theo quy định để có đủ cơ sở trình ĐHĐCĐ đông phê duyệt điều chỉnh dự án.
Ngoài dự án trên, Vissan cũng đảm bảo tiến độ triển khai một số dự án quan trọng công ty đang xúc tiến thủ tục đầu tư như dây chuyền đóng gói thịt mát Vissan, Sửa chữa cầu thép Vissan (nhánh đi vào), Dự án trại heo mới Bình Dương,…
Vì sao doanh thu không đạt kế hoạch mà lợi nhuận lại vượt?
Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ, năm 2022 là một năm thực sự khó khăn, công ty đặt mục tiêu 4.000 tỷ đồng doanh thu, nhưng đạt được 3.876 tỷ đồng, tương đương thực hiện được 78% so với kế hoạch. Trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận HĐQT giao là 170 tỷ đồng, song, công ty thực hiện được 173,5 tỷ đồng, vượt 2%.
Lợi nhuận vượt chỉ tiêu là do công ty đã cắt giảm các khoản chi phí, rà soát các khoản chi phí trong sản xuất, tiếp tục cải tiến về sản phẩm, sắp xếp lại các tuyến vận chuyển, việc này làm chi phí chung trong năm 2022 của công ty giảm.
Bên cạnh đó, từ giữa năm 2022 thì công ty đã điều chỉnh lại một giá của một số các mặt hàng, việc này làm lợi nhuận của công ty tăng.
Một vấn đề liên quan đến chính sách cũng làm lợi nhuận của công ty trong năm 2022 tăng là chính sách về việc tính thuế tiền thuê đất tại khu đất mà công ty thuê làm trụ sở tại quận Bình Thạnh, thì theo như tính toán ban đầu của Cục Thuế TP HCM ủy thác cho Chi cục Thuế quận Bình Thạnh phải thu của Vissan đã có điều chỉnh giảm từ tháng 10/2019 - tháng 12/2022, vì vậy công ty đã thu được 29 tỷ.
Tình hình sản xuất kinh doanh của công ty trong quý I/2023?
Ông Nguyễn Ngọc An cho biết, tình hình trong quý I khó khăn, tình hình kinh tế khó khăn và sức mua giảm, chỉ số tiêu dùng cả nước giảm 5% và tại TP HCM giảm 4%. Vì đó, quý I vừa qua, công ty đạt được 900 tỷ doanh thu, giảm 5% so với cùng kỳ và đạt được 22% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 44 tỷ, giảm 3%, đạt 21% kế hoạch năm.
Ông An cho biết, 3 quý kinh doanh còn lại khá nặng nề, vì vậy, công ty sẽ tìm cách bù đắp thiếu hụt của quý I.
Cổ đông đề xuất chia cổ tức theo lãi suất ngân hàng là 10%
Phó chủ tịch HĐQT công ty ông Nguyễn Quốc Trung cho biết, trong năm 2022 vừa qua, tình hình kinh tế khó khăn thì công ty đã nỗ lực đạt được chỉ tiêu kinh doanh đề ra, tuy nhiên, những năm vừa qua công ty không chia cổ tức, thì năm nay HĐQT đã trao đổi trình với đại hội chia cổ tức trong năm nay với mức 6%, mức chia cổ tức này có thể chưa làm cổ đông hài lòng tuy nhiên đây là sự nỗ lực lớn của công ty.
Phần lợi nhuận sau chia cổ tức còn lại thì công ty sẽ tập trung vào vấn đề tái đầu tư, tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đào tạo nguồn nhân lực. Với những sự đầu tư như vậy sẽ mang lại hiệu quả lớn về doanh, thu lợi nhuận trong thời gian tới và mang lại phần chia cổ tức cao hơn trong những năm tới.
Xin công ty chia sẻ chiến lược để cổ phiếu Vissan tăng trở lại và có lượng giao dịch nhiều hơn?
Chủ tịch HĐQT chia sẻ, Vissan là công ty đại chúng và tất cả những điều kiện để công ty trở thành công ty đại chúng thì Vissan đều có đủ, tuy nhiên, có 1 điều mà làm Vissan không thể trở thành công ty đại chúng niêm yết là do quy định của Luật Chứng khoán là đối với các doanh nghiệp khi niêm yết trên sàn HOSE hay HNX phải thỏa mãn điều kiện tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ.
Song, theo như tình hình hiện nay chỉ có 3 cổ đông lớn, một cổ đông thì chiếm tỷ lệ sở hữu là 67,76%, một cổ đông chiếm 25% và một cổ đông chiếm 3,5%, như vậy, tổng 3 cổ đông này hiện nay đang nắm giữ khoảng 96,5%.
Vì vậy, điều kiện niêm yết trên sàn HNX và HOSE là không thể, nên công ty chỉ có thể niêm yết trên sàn UPCOM, do đó, việc Vissan muốn có giao dịch nhiều hơn cũng khó vì số lượng nhỏ lẻ nắm giữ số lượng cổ phiếu còn lại chưa tới 3%.