Thông tin này được Bộ Xây dựng đề cập trong báo cáo gửi các đại biểu trước thềm kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn.
Bộ Xây dựng nhận định tình trạng nguồn cung nhà ở trung, cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
“Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20-30% thị trường, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70%-80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu”, báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ.
Năm 2019 xuất hiện tình trạng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn tại một số địa phương, xuất hiện một số dự án không đủ cơ sở pháp lí được thực hiện giao dịch. Tình trạng này tuy chưa ảnh hưởng lớn nhưng là nguy cơ gây bất ổn đối với thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Trong văn bản gửi đến Quốc hội, Bộ Xây dựng cũng báo cáo kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, người có công, công nhân khu công nghiệp.
Tính đến hết năm 2019, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước đã và đang thực hiện hỗ trợ là 335.854 hộ (gồm cả hộ xây mới và hộ sửa chữa), đạt 85,3% mục tiêu của chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công theo quyết định của Thủ tướng.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị đến nay đã hoàn thành 207 dự án, qui mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn và đang tiếp tục triển khai 220 dự án với gần 180.000 căn hộ.
Trong đó, có 107 dự án, qui mô xây dựng khoảng 44.810 căn hộ đã được xây dựng để hỗ trợ người có thu nhập thấp; 147 dự án với khoảng 91.240 căn đang được triển khai.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 100 dự án với khoảng 41.000 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 73 dự án với qui mô xây dựng khoảng 88.400 căn.
Nhận định công tác quản lí, kiểm soát phát triển đô thị đã được triển khai tốt hơn, từng bước đảm bảo sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững nhưng Bộ Xây dựng thừa nhận công tác lập, phê duyệt qui hoạch đô thị tại hầu hết địa phương chưa đồng bộ.
Cùng với đó, việc đầu tư còn dàn trải, không đảm bảo đồng bộ giữa nhà ở, khu đô thị, trụ sở… với hệ thống hạ tầng (nhất là giao thông) khiến tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
Theo Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh qui hoạch chưa tuân thủ theo qui định, thậm chí có tình trạng điều chỉnh qui hoạch chi tiết nhiều lần theo xu hướng gia tăng tầng cao, mật độ xây dựng; thay đổi chức năng sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng dẫn tới quá tải về hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt trong các khu vực nội thành.
Ngoài ra, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội, TP HCM nhiều lần được nhắc đến, nhưng vẫn triển khai chậm.
Quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng qui hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.