Đi tìm căn nguyên mất cân đối phát triển hạ tầng giao thông - Bài cuối: Sẽ được hoàn thiện như thế nào?

Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện 5 quy hoạch chuyên ngành giai đoạn 2021-2030, đây có thể xem là thời điểm không thể tốt hơn nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của cả nước.

Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện 5 quy hoạch chuyên ngành là đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải và đường thủy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây có thể xem là thời điểm không thể tốt hơn nhằm nhìn nhận những gì đã làm được và khắc phục những hạn chế để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.

Đi tìm căn nguyên mất cân đối phát triển hạ tầng giao thông - Bài cuối: Sẽ được hoàn thiện như thế nào? - Ảnh 1.

Lĩnh vực đường bộ, đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường cao tốc; hoàn thành xây dựng đường Vành đai 3, 4, 5 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3, 4 vùng TP HCM; hoàn thiện đường ven biển dọc các tỉnh, gồm hệ thống quốc lộ và đường địa phương… (Ảnh: TTXVN).

Ưu tiên đầu tư 5.000 km cao tốc

Theo TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, hiện 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải đã xác định những dự án, công trình đột phá trong từng lĩnh vực giai đoạn 10 năm tới. Cụ thể, lĩnh vực đường bộ, đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường cao tốc; hoàn thành xây dựng đường Vành đai 3, 4, 5 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3, 4 vùng TP HCM; hoàn thiện đường ven biển dọc các tỉnh, gồm hệ thống quốc lộ và đường địa phương…

Lĩnh vực đường sắt sẽ triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; trong đó, ưu tiên đoạn nối cảng Cái Mép - Thị Vải…

Với đường thủy nội địa, theo ông Mười, trong quy hoạch lần này sẽ phát triển 9 hành lang vận tải, 55 tuyến vận tải thủy nội địa, 87 cụm cảng hàng hóa, hành khách; đồng thời, hoàn thành các công trình trọng điểm trên các tuyến vận tải thủy chính là: Cầu Đuống, kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2)…

Về quy hoạch lĩnh vực hàng hải và hàng không, Viện trưởng Lê Đỗ Mười cũng chỉ ra hàng loạt dự án, công trình đột phá trong giai đoạn tới như: sân bay quốc tế Long Thành; xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài; xây dựng các bến tiếp theo thuộc cảng biển đặc biệt Lạch Huyện (Hải Phòng), Bà Rịa - Vũng Tàu..; từng bước triển khai xây dựng các cảng nước sâu có tiềm năng như: Trần Đề (Sóc Trăng), cảng Vân Phong (Khánh Hòa)…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, nếu làm quy hoạch tốt thì hệ thống giao thông mới tốt và có tầm nhìn, từ đó mới có được sự liên kết vùng hiệu quả nhất. Trong quy hoạch phải chọn ra những dự án mang tính đột phá ở từng lĩnh vực. Đặc biệt, nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo tiến độ quy hoạch theo yêu cầu đề ra và chất lượng các dự án.

Trong quy hoạch lần này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, hệ thống đường bộ với năng lực còn hạn chế, đặc biệt là mạng lưới đường cao tốc khi cả nước mới có khoảng 1.139 km, chỉ bằng một phần sáu các nước đang phát triển trong khu vực. Vì vậy, cần ưu tiên đầu tư phát triển đường cao tốc để tạo nên các trục xương sống của mạng lưới giao thông quốc gia đến năm 2030.

"Xét trên các hành lang vận tải, hành lang Bắc - Nam kết nối Thủ đô Hà Nội và TP HCM, đi qua 32 tỉnh, thành phố, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm dọc theo chiều dài đất nước được xác định là hành lang vận tải quan trọng nhất, cần phải ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tình hình kinh tế khó khăn, đăc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngân sách nhà nước dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi việc kêu gọi đầu tư tư nhân còn hạn chế. Đây là trở ngại rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, "đi trước một bước", tạo tiền đề phát triển đất nước tới năm 2030.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, vấn đề phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới chính là cách thức triển khai quy hoạch và thực hiện đầu tư như thế nào, dự án nào nên làm trước, dự án nào làm sau và làm như thế nào để đồng bộ, hợp lý và bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Thực tế cho thấy, các cách làm linh hoạt, chủ động của một số địa phương đã tạo nên sự đột phá trong tầm nhìn, thay đổi tư duy trông chờ vào "bầu sữa" ngân sách nhà nước, giúp hạ tầng giao thông của địa phương bứt phá. Với tư duy táo bạo, tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi thành công tư nhân đầu tư vào sân bay Vân Đồn, đầu tư các công trình lớn về hạ tầng, làm nên một diện mạo mới rất năng động và hiện đại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để thu hút được nguồn lực cho phát triển giao thông vận tải, nhất là nguồn vốn xã hội hóa, một trong những vấn đề quan tâm nhất là thể chế, thực hiện tốt Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đã có hiệu lực từ đầu năm 2021. Nếu không đẩy mạnh đầu tư PPP thì không thể hoàn thiện hạ tầng giao thông, vì nguồn vốn rất lớn, không thể chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, muốn thu hút vốn tư nhân, phương án tài chính phải bảo đảm nhà đầu tư thu hồi được vốn. Luật PPP có nhiều điểm mới; trong đó, có việc chia sẻ trách nhiệm, rủi ro, lợi nhuận, có cam kết rõ ràng, minh bạch giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Khi đó, việc thu hút vốn xã hội hóa để phát triển giao thông sẽ tốt hơn.

Đi tìm căn nguyên mất cân đối phát triển hạ tầng giao thông - Bài cuối: Sẽ được hoàn thiện như thế nào? - Ảnh 2.

Thời gian vừa qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn như: cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cầu Rạch Miễu 2, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh... (Ảnh: TTXVN).

Ưu tiên vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long

Thời gian vừa qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn như: cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cầu Rạch Miễu 2, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh.... Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, hạ tầng giao thông tại đây vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Vì vậy, giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ đặt quyết tâm tập trung đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu cho khu vực kinh tế trọng điểm này.

Chia sẻ về những kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tuyến chính để nối từ TP HCM đi Cần Thơ đang được gấp rút hoàn thành. Dự kiến, trong năm 2021 sẽ xong đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên tuyến cao tốc này cũng đã khởi công, theo kế hoạch đến năm 2023 sẽ hoàn thành cùng với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Khẳng định một trong những điểm nghẽn lớn nhất của hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long là không có cảng nước sâu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, vì không có cảng nước sâu nên hàng hóa của 13 tỉnh, thành phố, nhất là 7 tỉnh miền Tây sông Hậu đều vận chuyển đến TP HCM rất xa, chi phí vận chuyển rất lớn. Chính phủ sẽ điều chỉnh quy hoạch để tạo điều kiện thu hút nguồn lực, hình thành một cảng nước sâu trong khu vực, hiện nay định hướng là hình thành ở cảng Trần Đề (Sóc Trăng).

Ngoài ra, người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng cho rằng, cần nghiên cứu đường sắt TP HCM - Cần Thơ để giảm chi phí vận chuyển, giảm lưu lượng xe trên tuyến quốc lộ, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân từ các tỉnh Đông Nam Bộ và Tp. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 640 km đường cao tốc được đầu tư, đưa vào khai thác. Ngoài 2 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ đang được hoàn thiện, hàng loạt tuyến cao tốc khác ở khu vực này đã được đưa vào quy hoạch đường bộ giai đoạn 10 năm tới.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có 2 tuyến cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được nghiên cứu đầu tư với số vốn gần 30.000 tỷ đồng gồm Cần Thơ - Bạc Liêu dài 76 km và Bạc Liêu - Cà Mau dài 48 km.

Ba tuyến cao tốc khác được quy hoạch đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 với số vốn hơn 40.000 tỷ đồng gồm: Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km, An Hữu - Cao Lãnh dài 30 km và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 180 km.

Đi tìm căn nguyên mất cân đối phát triển hạ tầng giao thông - Bài cuối: Sẽ được hoàn thiện như thế nào? - Ảnh 3.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến được bố trí 50.690 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư cả ngành giao thông vận tải để hỗ trợ đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc trọng điểm theo hình thức PPP và đầu tư các dự án trọng điểm khác. (Ảnh: TTXVN).

Trong khi đó, giai đoạn 2025 - 2030, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được đưa vào quy hoạch để đầu tư thêm 2 tuyến cao tốc khác với tổng mức đầu tư trên 35.000 tỷ đồng là Hồng Ngự - Trà Vinh dài 107 km và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 100 km.

Dự kiến tổng vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông được Thủ tướng Chính phủ giao giai đoạn 2021-2025 khoảng 252.694 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến được bố trí 50.690 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư cả ngành giao thông vận tải để hỗ trợ đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc trọng điểm theo hình thức PPP và đầu tư các dự án trọng điểm khác.

Theo TS. Lê Đỗ Mười, với các quy hoạch chuyên ngành về giao thông đang được Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch kết hợp cùng với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ góp phần hoạch định kết cấu hạ tầng giao thông với vai trò trụ cột, từ đó giúp vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long phát triển một cách bền vững, sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá phát triển của cả nước.

chọn
Đường Nam Định - Lạc Quần - Đường ven biển qua huyện Nam Trực sau 16 tháng thi công
Tuyến đường Nam Định - Lạc Quần - Đường ven biển đang xây dựng qua huyện Nam Trực thuộc địa bàn các xã Nam Cường, Hồng Quang, Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Hồng và Nam Thanh.