Dịch Covid-19: Hà Nội đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm trong mọi tình huống

Tăng dự trữ gấp 3 - 5 lần, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa với tổng trị giá 194.000 tỷ đồng, thành lập 2.156 điểm mở kho hàng dự trữ và bán lưu động,... các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra vì dịch Covid-19, theo Báo Công thương.

Theo Bộ Y Tế, tính đến sáng nay (30/7), Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp dương tính với Covid-19.

Bệnh nhân thứ nhất là N.T.H, 23 tuổi ở phường Mễ Trì Thượng, thuộc quận Nam Từ Liêm. Bệnh nhân là nhân viên tại quán Pizza trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy. Từ ngày 12-15/7, bệnh nhân cùng gia đình (khoảng 29 người) du lịch tại thành phố Đà Nẵng. 

Khi về Hà Nội, bệnh nhân không có biểu hiện gì. Đến ngày 29/7, sau khi đọc các khuyến cáo trên báo chí, bệnh nhân đến Bệnh viên Bệnh Nhiệt đới Trung ương xét nghiệm và cho kết quả dương tính.

Bệnh nhân thứ 2 là nam, 76 tuổi, ở đường Hoàng Hoa Thám, thuộc quận Tây Hồ. Bệnh nhân đi Đà Nẵng du lịch vào giữa tháng 7, sau đó về Hà Nội. Thời gian ở Đà Nẵng, bệnh nhân có qua bệnh viện C Đà Nẵng. Sau khi về Hà Nội, bệnh nhân đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lịch trình di chuyển của bệnh nhân khá phức tạp.

Khẳng định Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm cao, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết tất các hoạt động lễ hội, quán bar,… trên địa bàn Hà Nội sẽ chính thức tạm dừng hoạt động từ ngày 29/7; theo đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 tại thông báo số 262/TB-VPCP ngày 29/7/2020.

Ngoài ra, ông Chung yêu cầu các đơn vị khởi động tất cả các ban chỉ đạo phòng dịch từ thôn, tổ dân phố, đảm bảo trực 24/7 để kịp thời xử lí thông tin về dịch bệnh. 

TP Hà Nội cũng cho biết, CDC Hà Nội đã chuyển 80.000 mẫu test nhanh cho các quận huyện để tổ chức xét nghiệm cho hơn 21.000 người trở về từ Đà Nẵng. 

Hà Nội không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Ảnh: Hiền Dung Hà/Hanoimoi

Hà Nội không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, tăng giá bất hợp lí. (Ảnh: Hiền Dung Hà/Hanoimoi)

Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, Sở đã chủ động triển khai 3 công văn gửi các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, công nghiệp, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố để tiếp tục chủ động trong công tác phòng chống dịch Covid-19 với các nhiệm vụ cụ thể.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại, Sở Công Thương đề nghị chủ động rà soát lại phương án 3 về đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ứng phó với các cấp độ diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố mà Sở Công Thương đã ban hành. Các mặt hàng kinh doanh, các sản phẩm mà các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại đã đăng ký dự trữ với Sở Công Thương trong dịp tháng 4/2020, cần tiếp tục chủ động hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu người dân trên địa bàn.

Sở Công Thương cũng đã xây dựng kế hoạch phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác bình ổn thị trường năm 2020 và Tết Nguyên đán 2021. Các doanh nghiệp cũng đã đăng ký xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác bình ổn thị trường năm 2020 và Tết Nguyên đán 2021. Trên cơ sở này, các doanh nghiệp đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa. Nếu dịch bệnh có xảy ra trên địa bàn thành phố, các doanh nghiệp thương mại đã chủ động tâm thế dự trữ hàng hóa tăng từ 3-5 lần trong phương án 3 của thành phố.

Đặc biệt, Sở Công Thương cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lí và tích trữ hàng hóa, đặc biệt là liên quan đến các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn toàn thành phố.

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng phương án, kịch bản bảo đảm hàng hóa và thành lập tổ điều phối hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19; chủ động ký kết với các đơn vị phân phối, thành lập 2.156 điểm giúp các doanh nghiệp có thể mở thêm kho hàng dự trữ và bán lưu động khi cần thiết...

Sở Công Thương cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ kết nối với các nhà cung cấp thực phẩm, hàng hóa, đơn vị vận chuyển phục vụ công tác phòng, chống dịch.

chọn
ĐHĐCĐ Khang Điền: Tự tin về khả năng trả nợ trái phiếu, dự án hợp tác với Keppel Land có thể kinh doanh từ cuối năm
Lãnh đạo Khang Điền cho biết tự tin về khả năng trả nợ 1.100 tỷ đồng trái phiếu nhờ quỹ tiền mặt dồi dào, nguồn thu từ dự án The Priva và KCN Lê Minh Xuân mở rộng triển khai trong thời gian tới. Năm nay, lợi nhuận chủ yếu của doanh nghiệp sẽ đến từ dự án The Privia.