Phở Thìn Lò Đúc là một trong những thương hiệu lâu năm ở Hà Nội do ông Nguyễn Trọng Thìn sáng lập từ năm 1979.
Bát phở Thìn "chuẩn" Việt tại Nhật Bản.
Mới đây, fanpage Pho Thin TOKYO cho biết, phở Thìn đã có mặt tại Tokyo. Tại Nhật Bản, món ăn truyền thống của Việt Nam vẫn giữ nguyên thành phần với thịt bò được thái mỏng, xào nhanh trên chảo với các gia vị rồi mới cho vào bát. Các gia vị ăn kèm như: dấm ớt, tỏi, tương ớt cũng được giữ đúng chuẩn Việt. Giá một bát phở Thìn tại Nhật là 840 yen (khoảng 175.000 đồng).
Thực khách xếp hàng chờ ăn phở Thìn tại Nhật Bản. (Ảnh: VnExpress).
Ông Nguyễn Trọng Thìn - chủ quán phở Thìn ở Việt Nam đã sang Tokyo từ trước đó để tham gia vào việc mở cửa hàng. Trang Fanpage của quán phở Việt được "xuất khẩu" sang Nhật Bản cũng đã cập nhật nhiều hình ảnh đầu bếp này đang nấu phở phục vụ cho khách ở Nhật.
Cà phê trứng Giảng - thức uống độc đáo của người Hà Nội. (Ảnh: Zing).
Cà phê trứng Giảng được biết đến là li cà phê hơn 70 năm tuổi ở phố cổ Hà Nội. Thức uống độc đáo của người Việt hiện đã có mặt tại xứ sở hoa anh đào Nhật Bản với phong cách "bình dân" cùng hương vị "có một không hai".
Quán cà phê trứng Giảng tại tại thành phố cảng Yokohama - Nhật Bản. (Ảnh: VOV).
Thành phố cảng Yokohama (Nhật Bản) là địa điểm "dừng chân" đầu tiên của thương hiệu cà phê Giảng tại ở nước ngoài. Thực đơn và phong cách của cà phê Giảng ở Yokohama tương đối giống ở phố cổ Hà Nội với các loại đồ uống làm từ cà phê, trà và trứng. Tại Nhật Bản, tách cà phê trứng và cacao trứng cũng được đặt trong bát nước nóng để giữ ấm cho đồ uống giống cách phục vụ tại Hà Nội.
Giá mỗi tách cà phê trứng ở Nhật Bản là 480 yen, tương đương khoảng 100.000 đồng.
Bánh mì là một món ăn dân dã tại Việt Nam. Đây được đánh giá là một trong món ăn mà du khách phải thử khi tới Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh hay phố cổ Hội An. Bánh mì Việt có vỏ ngoài giòn rụm, mềm và mọng nước bên trong, ăn với thịt lợn, các loại rau sống, chả, xúc xích, pate và nhiều nguyên liệu khác gia giảm tùy theo mỗi vùng miền.
Bánh mì - món ăn dân dã của người Việt. (Ảnh: Zing).
Bánh mì Việt trở thành cơn "sốt" khi những cửa hàng bánh mì mọc lên như nấm tại Mỹ như: Bun mee, Banh mi My Tho. Tại Anh, những cửa hiệu bánh mì Kêu, Banh Mi Bay, Banhmi11 cũng thu hút rất nhiều khách hàng. Ở Malaysia, một thương hiệu bánh mì mang tên Ô Bánh Mì đã trở thành địa điểm ẩm thực yêu thích của người Malaysia. Tại Thái Lan, các xe bán bánh mì Việt lưu động ở khắp thành phố cũng được người dân và thực khách săn đón.
Một cửa hàng bánh mì Việt nổi tiếng ở Mỹ. (Ảnh: Zing).
Đặc biệt, Yum Brands -Tập đoàn sở hữu KFC và Pizza Hut thậm chí đã mở ra một tiệm bánh mì ở Texas mang tên Banh Shop với mục tiêu đưa hương vị bánh mì Việt đến tay người tiêu dùng.
Phở là món ăn truyền thống và đặc trưng nhất cho ẩm thực Việt Nam. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng (hay nước lèo theo cách gọi miền Nam) cùng với thịt bò hoặc gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt,… Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của từng người dùng.
Phở Việt Nam - món ăn "hồn cốt" của người Việt Nam. (Ảnh: Zing).
Tại Thái Lan, Phở Việt Nam đang là một trong những sản phẩm ready-to-eat (thực phẩm tươi ăn liền đóng gói) thuộc hàng bán chạy nhất.
Phở gà đóng gói do công ty CPF sản xuất được bán với giá gần 5 USD mỗi tô. (Ảnh: CPF).
Doanh nghiệp sản xuất phở Việt đóng gói cho biết, sản phẩm bán đắt hàng tại châu Mỹ - nơi các sản phẩm thực phẩm tươi ăn liền đóng gói rất được ưa chuộng. Theo thống kê, tại Mỹ có 8.900 cửa hàng phở Việt Nam và con số này vẫn không ngừng tăng.
Phở Việt Nam cùng với Pizza Ý, bánh burritos Mexico và Sushi Nhật Bản trở thành một trong những món ăn được ưa chuộng nhất tại Mỹ.